Lao động ngoại nhan nhản tại các dự án ở Hải Phòng

Cùng với việc một loạt các công ty của Trung Quốc trúng thầu, hàng ngàn lao động phổ thông nước này ồ ạt kéo sang hình thành nên các “làng Trung Quốc” dọc các xã trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cũng từ năm 2005, vùng quê yên ả nơi đây bỗng chốc xáo trộn. Sáng, trưa, chiều, vào những giờ vào ca, tan ca, nhân công người Trung Quốc ùa kín mặt đường QL10 cũ...

Nhân công nội bị... “nốc-ao” trên sân nhà

Trong số các đơn vị quận, huyện trên địa bàn cả nước, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng hiện được coi là địa phương có đông người Trung Quốc đến sinh sống và làm việc nhất – kể từ khi Dự án Nhiệt điện Hải Phòng với 2 đơn nguyên được triển khai từ năm 2005 đến nay.

Cùng với việc một loạt các công ty của Trung Quốc trúng thầu như: Đông Phương, Quảng Tây, Hồ Bắc và các nhà thầu phụ như: Giang Tô, Quế Lâm, Thanh Sơn... hàng ngàn lao động phổ thông nước này ồ ạt kéo sang hình thành nên các, “làng Trung Quốc”... dọc các xã Tam Hưng, Ngũ Lão, thị trấn Minh Đức trên địa bàn huyện. Theo ông Đỗ Văn Hải, Trưởng Phòng hành chính Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, thời điểm xây dựng đơn nguyên số 1, nhà thầu Trung Quốc đã đưa sang hơn 2.000 lao động phổ thông. Hiện, tại đơn nguyên số 2 có gần 1.300 người. Một thông tin mới khác lại cho thấy con số trên là khoảng 1.600 người.

Cũng từ năm 2005, vùng quê yên ả nơi đây bỗng chốc xáo trộn. Sáng, trưa, chiều, vào những giờ vào ca, tan ca, nhân công người Trung Quốc ùa kín mặt đường QL10 cũ. Ban đêm, những công nhân này từng đoàn đi vào các thôn, xóm, tụ tập tại các quán rượu, karaoke... Công an huyện Thủy Nguyên đã phải lập một Trạm CSND tại xã Tam Hưng để thiết lập trật tự tại khu vực.

Lao động phổ thông người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH cổ phần điện khí Đông Phương.

Trung tá, Trạm trưởng Đỗ Quang Hảo cho biết: “Rất khó khăn cho đơn vị trong việc quản lý một địa bàn có quá đông người nước ngoài sinh sống. Bất đồng ngôn ngữ, nhiều khi lực lượng Cảnh sát tuần đêm thấy công nhân họ uống rượu say, càn quấy có nhắc nhở nhưng cả 2 bên không hiểu nhau nói gì. Đặc biệt, rất khó quản lý số lao động... chui, vượt biên vào Việt Nam. Đã có nhiều vụ người lao động Trung Quốc vi phạm pháp luật khi Công an sở tại vào cuộc thì đối tượng đã nhanh chân về nước, gây khó khăn cho công tác xử lý”.

Tuy nhiên, còn một vấn đề khác nữa khiến dư luận hết sức bức xúc. Đó là việc rất nhiều người dân sở tại (chủ yếu ở các xã Tam Hưng, Lưu Kiếm, thị trấn Minh Đức) sau khi đã nghiêm túc bàn giao mặt bằng cho dự án muốn tìm được một việc làm (dù chỉ là tạm thời) tại đây đều hoàn toàn thất vọng bởi nhà thầu tìm mọi cách hạn chế tuyển người Việt để đưa lao động phổ thông của họ sang “thầu” tất tật mọi thứ, từ: đào đất, phụ hồ, bốc vác, quét dọn, sơn, bê-tông...“Chiêu” hiểm nhất được họ áp dụng là trả lương thấp.

Ông Hoàng Văn Tr. (xã Tam Hưng) – một trong số rất ít người địa phương được làm việc tại nhà máy số 2 (đơn nguyên 2) cho biết: Lương của ông chỉ được trả 2,5 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi mình và thấp hơn rất nhiều so với người Trung Quốc cùng công việc. Một nhân viên bảo vệ người Việt ở khu chung cư My Sơn (khu tập thể của công nhân Trung Quốc) cũng cho hay: “Tôi chỉ được trả một tháng 1,5 triệu đồng. Còn lương của bảo vệ người Trung Quốc là 10 triệu đồng. Họ làm thế để mình phải tự mà bỏ việc”.

Ai quản? Quản thế nào?

Để tìm được con số chính xác lao động người nước ngoài đang có mặt tại Hải Phòng là bao nhiêu quả không dễ. Sở LĐ-TBXH thành phố thì cung cấp hiện có khoảng 200 doanh nghiệp trên địa bàn có sử dụng người nước ngoài làm việc với khoảng 2.200 lao động.

Trong đó, 87% là người Trung Quốc. Số này chủ yếu tập trung tại các dự án lớn như: Nhiệt điện Hải Phòng, Khu công nghiệp Đồ Sơn, Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Lão) và nhiều doanh nghiệp da giầy, hóa chất, xây dựng khác... Trong khi đó, một cán bộ của đơn vị chức năng khác lại tính ra có khoảng 3.500 người (?!).

Có thể thấy, việc quản lý lao động ngoài nước ở Hải Phòng đang có khoảng trống lớn. Hàng ngàn đối tượng không đủ tiêu chuẩn khá dễ dàng lọt vào các dự án trong khi lao động tại chỗ “bói” không ra việc. Được biết, theo Nghị định 34/2008, người nước ngoài muốn được cấp phép lao động tại Việt Nam phải tuân thủ những quy định khá ngặt nghèo về trình độ bằng cấp và thâm niên làm việc, phải được cơ quan quản lý xuất - nhập cảnh đồng ý mới được phép cấp thị thực nhập cảnh lao động tại Việt Nam.

Rồi nữa, hết 1 năm, chủ lao động phải trình báo, xin được cấp phép lại hoặc gia hạn và nếu về nước phải có công văn gửi Sở LĐ-TBXH và nộp lại giấy phép lao động. Thế nhưng, trên thực tế ở Hải Phòng, có không ít chủ dự án, chủ doanh nghiệp đã phớt lờ các quy định này, thậm chí “bật đèn xanh” cho đối tác tuyển lao động nước họ vào làm việc bằng cách “lách luật”: dùng thị thực nhập cảnh với danh nghĩa... du lịch song thực chất là làm việc tại Việt Nam.

Một cán bộ Phòng Pháp chế – Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã khẳng định với chúng tôi: “Có không ít lao động phổ thông Trung Quốc đang làm tại công ty không biết chữ. Thậm chí chỉ biết điểm chỉ vào bảng lương chứ không bằng cấp gì”.

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Hải Phòng những năm gần đây đang nỗ lực kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, những dấu hiệu buông lỏng quản lý lao động ngoài nước đang là vấn đề nổi cộm không chỉ trên lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn liên quan tới an ninh, quốc phòng. Sau sự kiện vừa xảy ra tại Cam Ranh và vịnh Vũng Rô, việc hiện diện của lao động nước ngoài trái phép với quy định tại một số địa bàn trọng yếu ở Hải Phòng (cả hải đảo và đất liền) cần được các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương khắc phục

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2012/6/174161.cand