Làng nghề thuốc Nam lâu đời nhất ở Hà Nội: Nghìn năm còn lại chút này

Cách đây gần một nghìn năm, làng Đại Yên, Ngọc Hà, Hà Nội đã nổi tiếng với nghề trồng cây, bốc thuốc Nam. Khi chúng tôi tìm đến, dấu vết của nghìn năm cũ chỉ còn lại chiếc cổng làng, ngôi đình và khoảng dăm mười hộ còn bám trụ với nghề...

Nghề của tổ tông Vòng vèo trong con ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được ngôi làng cổ Đại Yên. ở đây chỉ còn lại ít người giữ được nghề trồng thuốc Nam tồn tại gần ngàn năm tuổi. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà bà Trương Thị Cả (cụm 10, tổ 63 phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) - một trong những thế hệ con cháu còn tâm huyết với nghề. Ngôi nhà nhỏ của bà Cả nằm sâu trong làng, hẻm vào tường rêu mốc, dọc hai bên tường là những cây thuốc Nam. Khi chúng tôi tìm đến đã gần chính ngọ, hai chị em bà Cả vẫn đang ngồi nhặt cây lá thuốc. Ngày nào cũng vậy, sáng bà ngồi tẩn mẩn nhặt từng loại thuốc, chiều quẩy gánh lá ra chợ đầu làng bán. Mà cây thuốc Nam tươi bây giờ giá cũng rẻ, lời lãi chẳng là bao, cây nhọ nồi cũng chỉ 50 nghìn đồng /cân, cây chó đẻ 30 nghìn đồng /cân... Trong nhà chất đầy các loại lá thuốc đã được thu mua ở nhiều nơi về để người nhà đem ra chợ làng bán. Quanh nhà, hễ có khoảng đất trống, bà lại tận dụng để trồng cây thuốc quý như lô hội, trinh nữ hoàng cung, đuôi lươn, bồ công anh... Bà Cả nói: "Thuốc Nam là nghề truyền thống của gia đình. Từ nhỏ, tôi đã được các cụ dạy cách nhận biết cây thuốc. Ngủ, thức đều ngửi thấy mùi thuốc, có lẽ vì thế mà tôi và các con cháu vẫn bám trụ với nghề. Cả cái làng này, gần như ai cũng biết được tác dụng của những loại thuốc lá. Họ truyền khẩu cho nhau". Bà vanh vách kể công dụng từng loại cây thuốc: Cỏ sữa rau sam chữa đau bụng, đi kiết; bông mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu. Cây hương nhu có tác dụng trị cảm nắng, sốt nóng ớn lạnh, nhức đầu. Cây lá lột chữa tổ đỉa, ghẻ... Bà Cả vào nhà lấy ra những bọc lá thuốc Nam, bà nói: "Những thứ này phải bảo quản cẩn thận, nếu bị ẩm là sẽ mất tác dụng. Bảo quản thuốc Nam cũng cần có kinh nghiệm". Theo lời kể của bà Trương Thị Của (em gái bà Cả), trong làng chỉ còn vài cụ "lão làng" có 6 thế hệ con cháu theo nghề thuốc Nam. Điển hình nhà cụ Mớ, cả con gái và con rể đều sống bằng nghề thuốc Nam. Họ thu mua các loại cây lá thuốc từ những người bán buôn trong Canh, Diễn, các tỉnh miền núi về bán lẻ tại nhà và mang bán ở các chợ Hà Nội. Bà Của bảo, bọn trẻ bây giờ không mấy đứa muốn bám nghề của làng. Tôi hỏi sau này bà có định cho con cái nối nghiệp cha mẹ không thì nhận được câu trả lời: "Chúng yêu nghề thì làm. Chúng không muốn theo cái nghiệp bán lá thuốc nơi đầu ngõ cuối chợ thì ai ngăn được. Kiếm được đồng tiền từ nghề làm thuốc Nam cũng không đơn giản chút nào". Bà Của phân trần: "Nghề trồng cây thuốc vất vả lắm, gọi là lấy công làm lãi. Bọn trẻ bây giờ xin được công việc nhàn hơn là sẵn sàng bỏ nghề". Đâu rồi, vườn xưa? Theo lời kể của các bậc cao niên, từ nhiều thế hệ, người Hà Nội biết đến làng Đại Yên như địa chỉ trồng thuốc Nam duy nhất của toàn vùng, chuyên cung cấp thuốc đông dược cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội. Khi ấy, nhà nào cũng trồng cây thuốc Nam, người dân tự hào rằng hầu hết những người bán lá thuốc ở các chợ khắp Hà Nội đều là người làng của họ. Bây giờ, làng Đại Yên chỉ còn hơn chục hộ vẫn sống bằng nghề bán lá thuốc và bốc thuốc, nhưng những mảnh vườn thuốc Nam thì gần như không còn nữa. Chúng tôi quanh quẩn trong làng với mong mỏi tìm cho được vườn thuốc lá, nhưng càng tìm thì chỉ thấy nhà nối nhà, tìm mỏi mắt mà không thấy nhà nào còn được một vườn thuốc Nam. Theo bà Cả, mấy chục năm trở về trước, khắp làng Đại Yên đâu đâu cũng trồng thuốc Nam. Bước chân vào làng là ngửi thấy mùi thơm của các loại lá thuốc. Giờ thì mùi hương ấy đã xa rồi. Bà Cả đang nhặt thuốc Nam Hơn chục năm trở lại đây, người dân đua nhau bán đất, diện tích đất trồng thuốc Nam của làng ngày càng thu hẹp lại. Cả làng giờ chỉ còn vài ba nhà trồng cây thuốc Nam như nhà cụ Quế, cụ Chinh, cụ Mớ... Bà bảo rằng: "Nghìn năm còn lại chút này thôi. Làng nghề e sẽ mai một. Ngày trước, người dân khắp trong Nam ngoài Bắc tìm đến Đại Yên mua cây thuốc. Chợ thuốc Nam nổi tiếng bậc nhất đất Thăng Long, người mua kẻ bán tấp nập. Bây giờ, mỗi chiều chợ thuốc Nam được họp ngay cổng làng, người bán chỉ dăm ba người, người mua cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay". Vừa nhặt lá thuốc, bà Cả vừa kể chuyện nghề: "Đại Yên vốn nổi tiếng khắp đất Thăng Long từ bao đời nay. Hễ ai nhắc đến Đại Yên là nhắc đến làng trồng thuốc Nam lâu đời nhất nhưng giờ cũng đã quá vãng rồi. Làng cổ gần nghìn năm nay chỉ còn lại chiếc cổng làng, ngôi đình và cái chợ lá nhỏ ngay chân cổng làng thôi". Như để gạt đi những kí ức về làng nghề tổ, bà dẫn chúng tôi tìm đến bức tranh thực tại của làng nghề. Dọc con kênh chảy ven đình làng, chỉ còn sót lại 4 khu vườn nho nhỏ còn trồng thuốc Nam. Còn vài ba hộ sống bằng nghề trồng thuốc và bốc thuốc. Bà Cả lại lẩm nhẩm: "Làng nghề chỉ còn lại bấy nhiêu thôi. Cho dù chúng tôi muốn bảo vệ cái tinh hoa của cha ông để lại cũng chẳng còn đất, chẳng còn sức nữa". Trò chuyện với chúng tôi, hai chị em bà Cả vừa lo lắng về khả năng làng nghề thuốc Nam sẽ biến mất vĩnh viễn, vừa tự hào về nghề làm phúc cho đời. Bà bảo rằng, cái nghề cha truyền con nối nhưng cũng chẳng còn mấy người mặn mà với nghề. Bà buồn rầu: "Chẳng bao lâu nữa Đại Yên không còn thước đất để trồng cây thuốc Nam. Nghề truyền thống chắc cũng mai một dần...". Đông Phưong Bà Cả cho biết: "Theo thần phả của Đình làng, nữ nhân Trần Ngọc Tường đã có công chữa khỏi bệnh cho quân sĩ dưới trướng danh tướng Lý Thường Kiệt bằng nhiều thứ lá cây, góp phần không nhỏ cho thắng lợi của quân dân nước Việt trong cuộc kháng chiến chống Tống (thế kỷ 11). Về sau, cô gái này được vua phong là Ngọc Hoa công chúa. Nàng không ở trong cung mà ở với mẹ ở làng Đại Bi (tên cũ của làng Đại Yên) giúp dân làng trồng cây thuốc và chữa bệnh".

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=5145&lang=vn&zone=31&zoneparent=0