Lăng kính: Quan điểm được xuất bản

Mọi danh hiệu đến từ bầu chọn đều là cảm tính. Ở đây, trong trường hợp của Quả bóng vàng FIFA, là cảm tính của một nhóm người. Và cảm tính sẽ xuất phát từ những ấn tượng thị giác. Trí nhớ con người, lại chỉ cho phép lưu giữ một số lượng ấn tượng thị giác tương đối ít. Nhà báo hay HLV cũng không thể nhớ hết số pha bóng của 50 ứng cử viên trong suốt một năm.

1.“Không có cái gì gọi là quan điểm đại chúng. Chỉ có quan điểm được xuất bản” - Winston Churchill, nhà lãnh đạo vĩ đại của nước Anh trong Thế chiến 2 từng nói. Câu nói này sau đó được sử dụng rất nhiều để nói về trách nhiệm của giới truyền thông trong việc định hướng dư luận.

Có thể hiểu đơn giản như thế này: trước một vấn đề, không ai có thể trưng cầu ý kiến của tất cả những người có liên quan để đưa ra quan điểm cuối cùng. Ví dụ, không ai đủ sức lấy ý kiến của cả tỷ người đã đến rạp trong một năm để chọn ra bộ phim hay nhất, dù đó mới là cách chuẩn nhất để tạo ra “quan điểm đại chúng”.

Phim hay và phim dở, chỉ được chọn bởi một nhóm người nhỏ, và truyền bá bởi giới truyền thông (“quan điểm được xuất bản”), và xã hội có xu hướng thừa nhận kiểu quan điểm này.

Và tất nhiên danh hiệu Quả bóng vàng FIFA cũng chỉ là một “quan điểm được xuất bản”. Số khán giả thường xuyên theo dõi bóng đá trên thế giới có thể lên đến cả tỷ người, căn cứ theo thống kê 636 triệu hộ gia đình thường xuyên bật TV để xem giải đấu phổ thông nhất, Premiership. Ai có thể lấy ý kiến của từng đó con người?

Không ai cả. Quả bóng vàng được chọn ra bằng việc lấy phiếu bầu chọn của các nhà báo, HLV và đội trưởng các ĐTQG. Rồi sau đó được thổi tung lên bởi truyền thông đại chúng, bằng báo in, truyền hình, báo mạng. Coi như thế giới thừa nhận người được chọn ấy là cầu thủ xuất sắc nhất.

2.Mọi danh hiệu đến từ bầu chọn đều là cảm tính. Ở đây, trong trường hợp của Quả bóng vàng FIFA, là cảm tính của một nhóm người. Trong một số báo trước, chúng tôi từng phân tích rằng trong khi phần lớn thế giới tán thưởng Messi, Ronaldo hay Xavi, thì bậc thày chiến thuật Oscar Tabarez sẵn sàng chọn Gerard Pique trong lá phiếu của mình ở cuộc bầu chọn năm 2011: một người tôn thờ lối chơi thực dụng sẽ thích hậu vệ hơn tiền đạo.

Và cảm tính sẽ xuất phát từ những ấn tượng thị giác. Trí nhớ con người, lại chỉ cho phép lưu giữ một số lượng ấn tượng thị giác tương đối ít. Nhà báo hay HLV cũng không thể nhớ hết số pha bóng của 50 ứng cử viên trong suốt một năm.

Ấn tượng ở 7 trận đấu World Cup 2002 đã trao Quả bóng vàng châu Âu cho Ronaldo, dù nửa đầu năm đó anh không hề đá bóng vì chấn thương. Cũng sau 7 trận đấu ở World Cup 2006, Cannavaro trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới dù Real Madrid nếm đầy thất bát. Ấn tượng từ những bàn thắng ở giải VĐQG Italia và Tây Ban Nha giúp Van Basten (1992) và Stoichkov (1994) bước lên bục vinh quang, bất chấp các chức vô địch C1, EURO và World Cup những năm đó thuộc về người khác…

3.Không có logic nào cho những Quả bóng vàng. Nói rằng họ đã đoạt giải chỉ vì một nhóm nhà báo nhất thời có trùng quan điểm thì có phần bất công, nhưng thực tế là sự lựa chọn đã được tiến hành như thế.

Cũng vì thế mà những danh hiệu thường xuyên tạo ra những tranh cãi. Các danh hiệu của FIFA và UEFA còn phải cảm thấy may mắn, vì ít bị “ném đá” hơn các giải thưởng điện ảnh và âm nhạc lớn rất nhiều.

Nhưng phân tích dông dài như thế, là để mỗi người hiểu rằng Quả bóng vàng chỉ là một danh hiệu có giá trị hữu hạn, mang tính tưởng thưởng nhiều hơn tính khẳng định.

Và mỗi người đều có quyền chọn ra cầu thủ xuất sắc nhất của riêng họ, không cần e ngại thứ “quan điểm được xuất bản” vốn chẳng hề có giá trị khẳng định tuyệt đối kia.

Nguồn Bóng Đá Plus: http://bongdaplus.vn/euro-2012/lang-kinh-quan-diem-duoc-xuat-ban/54724.bbd