Lăng kính: Đá hay không đá?

Các CLB Italia luôn có thái độ hời hợt với UEFA Cup/Europa League. Họ thậm chí hời hợt hơn cả các đại diện Premier League, những đội bóng có thể tẩy chay đấu trường này một cách rất thiếu tế nhị (“Dự Europa League là điều rất khó chịu” - HLV Redknapp từng nói).

HLV Stramaccioni

1. Lần cuối cùng một đội bóng Italia có mặt trong trận chung kết UEFA Cup là Parma năm 1999. Cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 là thời đại mà Serie A được coi như “World Cup thu nhỏ”, trong 10 năm từ 1987 đến 1997 có tới 6 lần họ phá kỷ lục thế giới về chuyển nhượng. Họ thừa thãi sức mạnh, và vẫn đá UEFA Cup một cách đầy trọng thị: trong 11 mùa giải bắt đầu từ 1988/89, có tới 8 lần trận chung kết giải này có một một CLB Italia. Nhưng thời thế đã thay đổi.

Chính sự ruồng rẫy hôm nay đã khiến Serie A mất vị trí thứ 3 trên BXH các giải VĐQG của UEFA vào tay Bundesliga, bởi cách tính điểm của UEFA vẫn khá coi trọng đấu trường này. Từ chỗ có 4 đại diện ở Champions League, giờ Serie A chỉ còn 3. Nói cách khác, họ mất một suất đá Champions League vì coi thường Europa League.

Đó là một sự bỏ rơi có thể thông cảm được: tổng giải thưởng của Europa League nếu một đội bóng vô địch bằng việc thắng tất cả các trận đấu, là hơn 9 triệu euro. Tiền BQTH không đáng kể. Và số tiền này thậm chí chỉ ngang bằng với thu nhập một CLB của các nền bóng đá mạnh có được khi… thua cả 3 trận vòng bảng Champions League.

2.Bóng đá châu Âu đang trong thời đại mà đồng tiền thống trị. Nhưng không phải vì thế mà Europa League không có ý nghĩa của riêng nó. Không phải tiền, mà là uy tín. Hay chính xác là tiền đề của uy tín.

Rất nhiều HLV đã sử dụng Europa League làm bàn đạp để vươn tới những đỉnh cao chói lọi. Chức vô địch châu Âu đầu tiên của Giovanni Trapattoni là UEFA Cup năm 1977 cùng Juventus. Thành công đầu tiên trên trường châu lục của Dino Zoff cũng là UEFA Cup 1990 với Juve. Sven Goran-Eriksson đặt viên gạch đầu tiên trên con đường trở thành một trong những HLV có thu nhập cao nhất châu Âu, cũng trên bục đăng quang của UEFA Cup 1982, cùng IFK Goteborg.

Và tất nhiên không thể quên Jose Mourinho, một trong những nhân vật nổi tiếng và được trọng vọng nhất của bóng đá thế giới hiện nay. Vị thế của ông cũng bắt đầu nhờ chức vô địch UEFA Cup có được năm 2003 cùng Porto. Tất nhiên là nhiều người sẽ bảo rằng Mourinho chỉ thực sự vươn lên sau chức vô địch Champions League 2003/04.

Nhưng có một chi tiết nhỏ: Porto, CLB nổi tiếng “xuất siêu” ở châu Âu, đã không hề bán trụ cột nào sau chức vô địch UEFA Cup 2003 (điều rất hiếm xảy ra), thậm chí còn mua thêm Bosingwa, Benni McCarthy, những người đã góp phần làm nên chức vô địch Champions League 1 năm sau đó. Liệu có thể nói chủ tịch Pinto da Costa không bị ảnh hưởng gì vì chiếc cúp kia?

3.Stramaccioni đang là một HLV ít tên tuổi. Ông đang cần uy tín hơn bao giờ hết. Uy tín sẽ cho ông những cơ hội tiếp cận những thành công lớn lao hơn: Tiền bạc, chỗ đứng, những lời mời gọi…

Mục tiêu quan trọng nhất của Inter Milan mùa giải này sẽ là quay trở về Champions League. Nhưng nếu vì thế mà họ lại “buông” Europa League một cách phũ phàng, đó sẽ là điều rất đáng tiếc.

Một chức vô địch châu lục, trong giai đoạn “thay máu” sau suy thoái như thế này, sẽ không chỉ có ý nghĩa với riêng Stramaccioni non trẻ. Nó còn có thể là tiền đề cho Grande Inter (Inter vĩ đại) trở lại là chính mình.

Nguồn Bóng Đá Plus: http://bongdaplus.vn/the-gioi/lang-kinh-da-hay-khong-da/58002.bbd