Làng gạo thơm gái đẹp

Nửa thế kỷ trước, Yên Tử đại ngàn khuất nẻo, đơn vị tôi huấn luyện quân đi B ẩn trú trong đó. Hàng xóm của đơn vị là bản làng của người Dao Thanh Y. Bản giữa rừng hoang, nhưng giai thanh gái tú, đồng ruộng thì lúa tốt, gạo thơm.

Ảnh minh họa

Chiến tranh đã qua, nay trở lại rừng xưa, tìm lại kỷ niệm, Yên Tử vẫn ngút ngàn cây xanh. Năm Mẫu, Than Thùng, Miếu Thán, Khe Sú, Khe Thần, Quan Điền, Đồng Tranh, Bản Mậu... khe bản mái tranh xưa, nay thay mầu ngói mới. Con đường làng vào nhà bà Trương Thị Quí ở bản Miếu Thán có khác, mặt đường lát lớp vữa dày. Nếp nhà gỗ do tay chồng bà là ông Trương Văn Nhân dựng lên ngày đó, nay đã thay bằng ngôi nhà xây 3 gian cấp 4. Ông Nhân chồng bà Quí không còn nữa, trên bàn thờ ông còn có di ảnh Trương Thị Bích, người con gái của họ, bên bát nhang hương bay khói tỏa ngày Tết.

Tôi ngẩn ngơ nhớ lại hình bóng Trương Thị Bích, cô gái hoạt bát, làm công tác đoàn cách đây 40 năm về trước. Bích người thắt đáy lưng ong, da trắng, tóc quăn tự nhiên lại ánh màu cát cháy, dáng dấp đúng mẫu hoa hậu thời nay. Cô sơn nữ hút hồn cánh lính trẻ. Nhưng chưa ai dám ngỏ lời, hái bông hoa ngoài tầm với. Còn tôi, có đôi lần nhìn trộm nàng say đắm. Nhớ nhất là hôm cô cùng đội thủy lợi 202 tháo nước hồ trên núi về đồng. Các nàng tiện suối trong, tiết hè liền tắm mát. Gái bản không hay cánh lính trẻ để mắt từ xa, họ vô tư cởi xiêm y trẫm mình trong thác nước.

Đêm ấy, cả đơn vị được phen tán gẫu chuyện gặp “tiên”. Người nói may, kẻ bảo xúi. Thú vị nhất, một anh lính trẻ người TP Hải Phòng bật ra vế đối mà thi sĩ Hồ Xuân Hương để trống thủa nào: “Da trắng vỗ bì bạch”. Lính ta đối rằng “Rừng sâu mưa lâm thâm”. Tuy chưa chỉnh, nhưng là đề tài vui trong suốt chặng đường hành quân vào Nam đánh giặc. Chả biết ngoài tôi còn bao người lính ra trận mang theo mối tình một chiều với cô gái người Dao ấy. Rất có thể người lính nào đó giữ mãi tuổi 20 cùng hình bóng cô sơn nữ Yên Tử, nằm lại trên núi Trường Sơn. Còn tôi may mắn hơn đồng đội, được trở lại thăm cảnh xưa, bản cũ, nơi đầu đời đặt chân đến đất rừng.

Mẹ của Bích và những người hàng xóm rầu rầu nhìn tôi: “Bích em nó hồng nhan...”. Một chị trung tuổi bảo, tại chị ấy đẹp, trai làng chả ai dám lấy làm vợ. Mỗi năm một tuổi, đuổi xuân đi. Mạ qua thì, Bích không được làm vợ, cô âm thầm quyết định làm mẹ. Bích sinh được một cậu con trai ngoài giá thú. Nay cô không còn nữa, người con trai cũng chưa biết mặt cha. Hôm tôi thăm nhà Bích, dân bản kéo đến đông, có người ngỡ tôi là kẻ tìm con “rơi”, dò hỏi... Nhưng không phải, tôi chỉ là người nặng lòng với kỷ niệm, mà cụ Chế Lan Viên bảo “ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Hình bóng Bích in đậm trong tôi, như một đóa hoa rừng tỏa sáng trong ngút ngàn cây xanh, nơi trú quân thời kháng chiến. Nay bông hoa ấy, mãi mãi về với suối ngàn.

Xuân Bính Thân đến với Yên Tử, đời sống dân bản có khác. Bếp lửa hồng không còn rừng rực canh khuya, nhưng vẫn còn nếp xưa, giữ lửa trong nhà. Các cô gái người Dao ở đây vẫn hiền lành, đoan trang, nét đẹp khác các cô gái người Dao ở nơi khác mà tôi đã gặp.

Phó chủ tịch UBND TP Phạm Tuấn Đạt bảo, họ là hậu duệ của cung tần, mỹ nữ Trần triều. Tương truyền, năm 1299, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bỏ triều chính vào Yên Tử tu hành. Không muốn người cha thoát tục, vua Trần Anh Tông ngầm sai 300 cung tần, mỹ nữ theo hầu can gián, xin Thái thượng hoàng hồi cung. Họ không lay chuyển được ý nguyện thoát tục của ngài, bèn gieo mình xuống suối Hổ Khê tự tử, để tỏ lòng thành vua tôi. 300 cô gái đẹp từ kinh đô đến đây quyên sinh, 5 người sống sót, được dân bản cưu mang, đưa về làm con cái một nhà. Rồi sinh con đẻ cái, con sinh ra theo gen mẹ, da trắng ngần, gương mặt tươi, vóc dáng cao thanh thoát, giọng nói dịu dàng.

Thôn Khe Sú, 1 trong 8 thôn của xã Thượng Yên Công có 300 hộ, trên 1.000 khẩu. Ở nơi khuất nẻo mà phụ nữ nom ai cũng duyên dáng. Cô Triệu Thị Thắm gái “sề”, việc đồng áng lam lũ, còn đẹp người như hoa hậu Tuần Châu. Chị Lý Thị Hà, tết này lên chức bà ngoại, mà vẫn gọn gàng, xinh xắn như ở tuổi “mòn” con mắt. Thôn Năm Mẫu ở trung tâm xã Thượng Yên Công, nhiều cô gái đẹp có danh như: Đặng Thị May, Triệu Thị Lý, Triệu Khánh Ly, Trương Thị Hậu... Trương Thị Hậu, đã đăng quang giải ba, trong cuộc thi người đẹp các dân tộc vùng Đông Bắc. Ở sườn Tây Yên Tử có Bản Mậu, nay thuộc xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, cửa ngõ lên Yên Tử. (Ngày trước từ kinh thành lên Yên Tử đi lối này. Đường 18 Hà Nội - Uông Bí mới có từ thời Pháp thuộc). Bản Mậu có Khiếu Thị Huyền Trang, đoạt danh hiệu cao nhất của cuộc thi Người mẫu Việt Nam năm 2010. Huyền Trang trở thành “Top Model” chỉ là một nốt son tô đậm cho tiếng tăm xinh đẹp của con gái vùng đất này.

“Mỏ sắc đẹp” ở nơi đại ngàn gió núi, níu chân bao người. Kẻ háo sắc thì tìm ý trung nhân, kết tóc xe tơ. Nhà văn nhà báo, thì tìm đến viết bài, đăng truyện. Còn tôi, tìm lại kỷ niệm xưa, cũng chạm vào ẩn tích đất thiêng. Theo một tài liệu khác, thì những cung tần theo hầu Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử, không can gián được ngài hồi cung; và cũng không xuống tóc theo ngài tu hành được. Đường về kinh thành thì xa, tân vương không dụng, họ đã chia làm các ngả tìm đến các làng mạc quanh vùng định cư, tạo ra những làng gái đẹp.

Có điều rất thú vị, người sinh trưởng ở đây thì đẹp, gái làng lấy chồng xa đẻ con ra không còn đẹp nữa. Bà Trương Thị Thoại, già làng thôn Năm Mẫu bảo, đất này linh khí, khiến tôi giật mình, nghĩ về một vùng tiểu khí hậu. Yên Tử đêm dài hơn ngày, độ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất xa. Ngay giữa trưa hè oi bức, chỉ một đám mây bất ưng sa xuống, cả thung lũng rừng se lạnh. Thổ nhưỡng ở Yên Tử cũng có khác, nguồn nước thì dồi dào, trong sạch. Ở bản Mậu có một chiếc giếng thần, sự tích huyền bí. Hiện vùng rừng này còn có một hồ chứa nước lớn, dài trên 1.000m, rộng 70m, nằm sâu dưới lòng đất, vừa tạo thế phong thủy, vừa là lá phổi lớn giấu mình trong đất, điều hòa khí hậu. Cửa giếng lộ thiên ở bản Miếu Thán. Thập kỷ 60, vùng rừng này cung cấp nguồn nước ăn cho toàn bộ TP Hải Phòng.

Yên Tử còn có nhiều đặc sản quí, đặc biệt là gạo ngon. Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Giám đốc Cty CP giống cây trồng Quảng Ninh mới đây báo tin, Công trình nghiên cứu sản xuất chế biến “Cốm Hồng Hương Yên Tử” đăng quang giải nhì, trong hội thi sáng tạo kỹ thuật Quảng Ninh lần thứ V (2014 - 2015). Giống lúa Hồng Hương Yên Tử mà Cty nghiên cứu, cấy thực nghiệm 4ha ở thôn Năm Mẫu. Lúa tốt, gạo ngon, giá bán gấp rưỡi so với giá gạo địa phương hiện bán trên thị trường. Lúa Hồng Hương Yên Tử, chế biến thành Cốm thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, tiện sử dụng. Một ki-lô-gam cốm bán ra thu lời bằng 10kg gạo ngon. Giống lúa Hồng Hương Yên Tử chỉ bội thu trên chân đất Yên Tử, nếu cấy ở nơi khác thì sẽ thất thu. Bởi Yên Tử, biên độ thời tiết ngày đêm chênh nhau xa, khoáng chất trong đất và nguồn nước phù hợp với giống lúa này.

Xuân Bính Thân, đến với non thiêng Yên Tử trảy hội cầu may, du khách thập phương còn có thú vui được đến với làng gạo thơm - gái đẹp.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/lang-gao-thom-gai-dep.html