Lạng Sơn: Đưa hát Then vào trường học

Việc đưa hát Then vào môi trường sư phạm như tại trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn là một cách bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc độc đáo.

Ảnh: Du lịch

Mỗi tuần 3 buổi, cô và trò trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn lại say sưa với các làn điệu Then. Tiếng xóc nhạc rộn rã cùng âm thanh, nhịp điệu vui tươi của đàn tính giờ đây không còn quá xa lạ nơi sân trường.

Nhìn các “nghệ sĩ nhí” trong Câu lạc bộ hát Then của trường với cây đàn tính điệu nghệ trên tay, những ngón đàn nắn nót chuẩn xác và giọng ca thánh thót mượt mà, ít ai biết rằng hầu hết các em nhỏ mới chỉ học đến lớp 3, lớp 4. Nghệ thuật Then vốn dĩ để hiểu và đam mê thực sự đã khó, việc học và theo đuổi thành công còn khó hơn nhiều.

Em Quỳnh Anh, học sinh lớp 4A được học hát Then từ khi còn học mẫu giáo, em là một trong số ít các bạn trong câu lạc bộ có thể vừa chơi đàn tốt, vừa hát rất hay. Quỳnh Anh cho biết: “Em rất thích hát Then, em cảm thấy hát Then rất hay, mỗi bài một khác, có bài ca ngợi con người, ca ngợi quê hương, thày cô giáo. Hát Then là làn điệu truyền thống của dân tộc, em rất tự hào vì em biết hát Then”.

Không chỉ riêng Quỳnh Anh, mà hầu hết học sinh và các thầy cô giáo trong trường, ai cũng có một niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật Then truyền thống. Bằng tâm huyết và lòng say mê với nghệ thuật Then của quê hương, các thầy cô giáo trường Tiểu học Chi Lăng mong muốn sự ra đời của câu lạc bộ hát Then dành cho các em học sinh sẽ có thể nối gần hơn khoảng cách giữa nghệ thuật truyền thống với tâm hồn các em.

Là mô hình tự thành lập, những ngày đầu tiên của Câu lạc bộ hát Then trường Chi Lăng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên sau 1 năm hoạt động, trường đã trang bị được 20 cây đàn tính cho các em trong câu lạc bộ. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, các em nhỏ trong câu lạc bộ hát Then trường Tiểu học Chi Lăng lại được các cô giáo ôn luyện, tập hát, tập đàn những bài mới. Cả cô và trò cùng say sưa với những lời hát ca ngợi quê hương đất nước, trường lớp, thầy cô.

Bà Nguyễn Thị Xanh, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Mục tiêu mở Câu lạc bộ hát Then cho các em học sinh và cán bộ giáo viên là để giữ gìn và phát huy bộ môn hát Then đàn tính. Với 60% cán bộ giáo viên trong nhà trường và trên 50% học sinh là người dân tộc nên việc đưa hát Then vào trong nhà trường đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Lạng Sơn”.

Tình yêu, tâm huyết với nghệ thuật Then truyền thống đã bước đầu giúp thầy và trò trường Chi Lăng gặt hái được nhiều thành công. Những tấm bằng khen, chứng nhận, giải thưởng… là thành quả đầu tiên mà câu lạc bộ gặt hái được sau những tháng ngày say mê khổ luyện. Nhưng có lẽ, thành quả lớn nhất mà thầy và trò trường Chi Lăng đạt được là việc mang được nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với lớp măng non, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật Then truyền thống.

Thảo Trà

Nguồn VTV: http://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/lang-son-dua-hat-then-vao-truong-hoc/67027.vtv