Làng Chóa giữ nghề sản xuất hương đen

Những ngày cận Tết, tại làng Chóa (hay còn gọi là thôn Lạc Trung), xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, không khí sản xuất hương tại đây nhộn nhịp nhất năm.

Trong làng lúc nào cũng lách cách âm thanh quen thuộc từ se nhang phát ra từ que hương đập vào bàn gỗ. Ngoài sân luôn tràn ngập sắc màu đỏ, đen, vàng nhạt từ những cây hương thành phẩm, chân hương và que hương.

Vừa nhanh tay se hương, ông Đào Sỹ Oanh, thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tâm sự, vào những tháng giáp Tết, gia đình ông nhận được rất nhiều đơn hàng từ nhiều tỉnh trên cả nước.

Để kịp thời giao hàng, ngoài 4 người trong gia đình, ông phải thuê thêm 2 nhân công phụ giúp không quản ngày đêm người nấu nhựa, nghiền than, trộn bột, se nhang. Đến nay, gia đình ông đã xuất đi hàng chục nghìn que nhang đến các tỉnh trên khắp cả nước phục vụ Tết Nguyên đán.

Cũng như gia đình ông Oanh, cơ sở sản xuất hương của gia đình bà Ngô Thị Bẩy, thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh những ngày này thường xuyên duy trì 6 nhân công làm việc.

Theo bà Bẩy, mỗi năm, gia đình bà tiêu thụ trên 15 tấn nguyên liệu (nhựa trám và bột than hoa) làm hương với tổng số hàng triệu que hương. Hương đen làng Chóa khác với những loại hương làng khác bởi cháy đượm, mùi hương thơm mát.

Những thanh nứa được ngâm 3 tháng, rồi vót đều tăm tắp, sau đó phơi khô. Ảnh minh họa: baobacninh.com.vn.

Những thanh nứa được ngâm 3 tháng, rồi vót đều tăm tắp, sau đó phơi khô. Ảnh minh họa: baobacninh.com.vn.

Trước đây, loại hương này chỉ được thắp trong dịp Tết, nhưng ngày nay cùng với những ưu điểm của nó mà loại hương này được sử dụng quanh năm. Bởi vậy, việc làm hương trước đây chỉ bắt đầu từ đầu tháng 8 âm lịch.

Hiện nay do nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng cao, việc sản xuất cũng diễn ra suốt cả năm. Tuy nhiên, trong tháng 11, 12 âm lịch là nhộn nhịp hơn cả. Bởi vậy, nhiều năm nay, gia đình bà trang bị thêm máy móc nhằm nâng cao năng suất lao động.

Năm nay, do nguyên vật liệu đầu vào giảm nên giá thành hương cũng giảm nhiều so với những năm trước. Người dân làng Chóa chủ yếu sản xuất ra 5 loại hương: loại 1,2m; 1m; 80cm; 50cm và 30cm có giá từ 15.000 đồng/100 que đến 250.000-300.000 đồng/100 que.

Theo ông Nguyễn Duy Viết, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nghề làm hương đen làng Chóa đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm.

Do đây là nghề truyền thống của ông cha, lại mang lại nguồn thu nhập ổn định (mỗi năm thu lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy việc sản xuất tay hay máy), cải thiện cuộc sống cho người dân nên trước đây, hầu hết người dân trong làng đều làm.

Tuy nhiên, ngày nay do tốc độ nền công nghiệp hóa, trong làng chỉ còn trên 40 hộ trong tổng số trên 700 hộ trong thôn còn giữ nghề.

Hầu hết những người làm hương chỉ còn những người già, trung niên, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề của cha ông. Ảnh: dantocmiennui.vn.

Đặc biệt, đây là nghề tự phát, người dân chưa có sự phối hợp tạo thành thương hiệu riêng của làng nghề nên sản xuất vẫn gặp khó khăn, nhất là đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.

Những nén hương đen làng Chóa đã có mặt ở nhiều nơi, đem lại sự ấm áp, linh thiêng cho mỗi gia đình. Không những vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, nghề này đã mang đến cuộc sống ấm lo, làm thay đổi bộ mặt người dân nơi đây.

Tuy nhiên, trong điều kiện còn những khó khăn, nếu không có sự định hướng kịp thời của chính quyền địa phương trong việc phát triển, gìn giữ làng nghề truyền thống thì chẳng bao lâu nghề hương đen Chóa có thể sẽ bị mai một./.

Thanh Thương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lang-choa-giu-nghe-san-xuat-huong-den/9094.html