Lần đầu tiên khảo sát mức sống người dân: Thu nhập chưa cao, chi tiêu thấp!

Thu nhập bình quân đầu người tại TP.HCM liên tục tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng không đều giữa thành thị và nông thôn, chênh lệch bình quân giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất là 6,9 lần.

Đó là kết quả điều tra mức sống và môi trường sống của các hộ gia đình tại TP.HCM lần đầu tiên được tiến hành trên địa bàn thành phố, do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện theo đơn đặt hàng của UBND TP, vừa được hoàn tất. 35% không hài lòng thu nhập Nguồn thu nhập của các hộ gia đình đến từ nhiều nguồn khác nhau, như: từ việc làm chính, việc làm phụ, từ cấp dưỡng của thân nhân, lãi gửi ngân hàng hay từ việc cho thuê nhà... Nguồn thu từ việc làm chính luôn chiếm đa số trong cơ cấu tổng thu nhập; bình quân chung thì nguồn thu nhập chính chiếm tới 76,7%, còn thu nhập từ việc làm phụ chiếm tỷ lệ không đáng kể, khoảng 4,1%. Theo kết quả khảo sát thì phần lớn những người đang làm việc không có việc làm phụ. Ngoài ra, các nguồn thu khác cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể khoảng 19,2%. Tổng thu nhập bình quân người/tháng tại TP ở mức 1.746.274 đồng, trong đó các quận nội thành có mức thu nhập cao hơn ở mức 1.914.634 đồng và các huyện có thu nhập thấp nhất chỉ khoảng 1.208.799 đồng. Nhìn chung, tổng thu nhập bình quân/hộ/tháng là khoảng 7.587.093 đồng. Với mức thu nhập như trên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu là mức thu nhập không cao (khoảng 3 USD/ngày), vì vậy mà mức độ hài lòng về công việc và thu nhập của người dân TP không cao. Chỉ có khoảng 24,3% hài lòng, 40,6% cảm thấy thu nhập ở mức bình thường, có thể chấp nhận, còn đến 35% không hài lòng với thu nhập của mình. Qua điều tra cho thấy, trong khi GDP TP có tăng, nhưng thu nhập người dân chưa chắc tăng được như vậy. Nếu xét về mặt hiệu quả thì nó có vấn đề. Thạc sĩ Lê Văn Thành - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Xét về khía cạnh tích lũy, nếu lấy thu nhập trừ cho chi tiêu thì số tiền dư ra của khoảng 40% tổng số hộ được hỏi là không đáng kể, thậm chí trong nhóm có mức thu nhập và chi tiêu thấp nhất là một tỷ lệ nhỏ bị âm nên cuộc sống của khoảng 40% số hộ này là chưa thực sự được bảo đảm. 60% số hộ còn lại có tích lũy kinh tế, đặc biệt là nhóm thu nhập cao nhất thì bình quân mỗi tháng mỗi người có thể tích lũy trên 1 triệu đồng. Ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường Đó là 3 vấn đề khiến người dân TP bức xúc nhất hiện nay. Có tới 44,6% số hộ cho là khu vực mình ở thường xuyên bị ngập nước. Ngay cả ở những khu vực tập trung số hộ khá giả và giàu nhiều thì tình trạng ngập nước cũng ở mức 34,2%, còn các khu vực tập trung nhiều hộ nghèo thì lên tới 57,1%. Phần lớn chi tiêu tại các hộ gia đình cũng như mỗi cá nhân tập trung vào việc chi cho ăn uống chiếm hơn 50%, khoảng gần 20% còn lại chi vào việc học hành. Vì vậy, chi tiêu vào những mục đích khác có tỷ lệ nhỏ, đặc biệt là chi cho những nhu cầu vui chơi, giải trí (4,4%), y tế (2,2%), quan hệ xã hội (3,6%), mua sắm trang thiết bị (3,7%)... Có 32,6% tổng số gia đình cho rằng ngay ở khu phố mình luôn xảy ra tình trạng kẹt xe. Tình trạng này tập trung nhiều hơn tại các quận trung tâm và các quận ven/mới. Nhìn trên bình diện chung của TP, vấn đề đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn nhất định. Đánh giá về môi trường sống tự nhiên, nhóm hộ ở các huyện than phiền ô nhiễm nhiều hơn (26,4%) so với các quận nội thành (12,1%) và quận ven/mới (3,2%). Điều này phù hợp với kết quả quan trắc môi trường của TP. Môi trường tự nhiên ngoại thành có xu hướng ô nhiễm ngày càng nhiều hơn. Mức độ trang bị tiện nghi sinh hoạt theo thống kê thì số lượng xe cá nhân mà điển hình là xe gắn máy khá lớn, trung bình mỗi hộ có khoảng 2 chiếc, trong đó có những hộ có tới 6 chiếc. Các tiện nghi thông dụng như tivi, đầu video, cassette thì có trên 90% số hộ đã trang bị, kể cả tiện nghi đắt tiền như tủ lạnh (84%), máy vi tính (48,3%), máy giặt (59,7%), máy lạnh (24%) số hộ có trang bị. GDP tăng nhưng mức sống không khả quan Đó là nhận định của thạc sĩ Lê Văn Thành (ảnh), chủ nhiệm đề tài “Mức sống và môi trường sống của các hộ gia đình tại TP.HCM”. *PV: Kết quả điều tra đã làm rõ được mức sống của người dân tại TP ra sao, thưa ông? - Thạc sĩ Lê Văn Thành: Do hạn chế về mặt thời gian cũng như kinh phí nên cuộc điều tra lần này được thực hiện tại 12 quận, huyện với 720 phiếu điều tra. Theo kết quả, mức sống của người dân TP không ngừng tăng, cả vùng thành thị, vùng ven và nông thôn. Chỉ báo cụ thể tiêu biểu nhất là GDP đầu người của TP hiện khoảng 2.500 USD/năm. Trước nay, mọi người đều có suy nghĩ chênh lệch giàu nghèo ở TP là rất lớn. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy không lớn như người ta tưởng, bình quân 6,9 lần. Điều này cho thấy chương trình giảm nghèo của TP có hiệu quả, nên mức sống của nhóm hộ nghèo đã được nâng lên. Những người làm công ăn lương chiếm số đông, nhưng thu nhập của họ tăng không đáng kể, dù Nhà nước có điều chỉnh tăng lương. Kế tiếp là những người buôn bán kinh doanh thu nhập có tăng hơn những năm qua, nhưng tăng không tương ứng với tốc độ của nền kinh tế. Qua điều tra cho thấy, trong khi GDP TP có tăng, nhưng thu nhập người dân chưa chắc tăng được như vậy. Nếu xét về mặt hiệu quả thì nó có vấn đề. Kết quả cuối cùng phân phối lại qua thu nhập người lao động vẫn không hưởng được nhiều. Đây là vấn đề lớn qua cuộc điều tra này. Những con số tăng trưởng kinh tế nhìn thì thấy phấn khởi, nhưng thực chất thì cần phải xem lại. Nhìn chung mức sống của người dân không khả quan bằng chỉ tiêu tăng trưởng về kinh tế. * Thu nhập người dân như ông nói có tăng lên, dù ít; còn chất lượng sống thì như thế nào? - Môi trường sống với các chỉ tiêu cấp điện, nước, giao thông đi lại, cây xanh, bệnh viện, trường học... tuy có những cải thiện đáng kể ở một số khu vực, nhưng nhìn chung người dân chưa hài lòng lắm. Nhiều nơi còn bị ngập nước, thiếu nước sạch và đi lại khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị đang bị quá tải. Điều cần quan tâm là trong trường hợp cho dù mức sống tăng, nhưng môi trường sống xấu đi thì chất lượng sống cũng giảm đáng kể. Qua điều tra cho thấy, giao thông là vấn đề bị người dân “kêu” nhiều nhất. Nhiều người được hỏi cho rằng, đi lại trong TP khó khăn, đi đâu cũng thấy tắc đường. Người dân ghi nhận dù TP mở nhiều công trình giao thông, nhưng tình hình giao thông vẫn chưa được cải thiện. Điều này cho thấy, chỉ những công trình giao thông có tác động trực tiếp ở khu vực họ sinh sống, làm việc thì họ cảm nhận dễ dàng, còn những công trình lớn dù được làm tốt nhưng ở xa khu vực họ sống, làm việc thì vẫn chưa được người dân cảm nhận tốt. Điển hình như khi được hỏi, nhiều người cho rằng vẫn chưa bao giờ đến cầu Phú Mỹ, hay đi trên đại lộ Đông - Tây... * Từ kết quả điều tra, nhóm nghiên cứu sẽ kiến nghị gì đến lãnh đạo TP? - Thu nhập không theo kịp chi tiêu của người làm công ăn lương chính là vấn đề cần được lãnh đạo TP xem xét. Vì vậy, xem xét những vấn đề liên quan đến chính sách về tiền lương - tiền công là mấu chốt, vì nó ảnh hưởng đến việc cải thiện đời sống của người dân. Đáng quan tâm là ý kiến đề xuất của các hộ gia đình chủ yếu tập trung vào vấn đề tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cũng như nhu cầu tăng cường đoàn kết láng giềng nhằm giải quyết những vấn đề trong khu vực vì lợi ích chung của cộng đồng, nếu được tổ chức tốt. Kết quả này khiến nhóm điều tra hơi bất ngờ, vì lâu nay ai cũng có suy nghĩ người dân ở đô thị là người “vô danh”, tức là không ai biết ai. Tuy nhiên, dù sống ở đô thị, nhưng mong muốn đoàn kết và gắn bó với cộng đồng vẫn là mong muốn của nhiều người. Đây là điểm khá đặc biệt trong cộng đồng dân cư thành thị ở TP.HCM. Minh Nam (thực hiện) Minh Nam

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201010/20100302234921.aspx