Làm thủ tục hưởng chế độ con bệnh binh ra sao?

TTO - * Bố tôi là bệnh binh, trước năm 1998 bố tôi hưởng chính sách trợ cấp của bệnh binh, sau 1998 bị cắt trợ cấp. Bố tôi có ra UBND xã để hỏi về vấn đề này thì được biết phải làm lại giấy xác nhận là bệnh binh.

Năm 2011, bố tôi được người chỉ huy xưa giúp làm lại thủ tục xác nhận là bệnh binh, tuy nhiên đến tháng 11-2013 bố tôi vẫn chưa nhận được trợ cấp. Bản thân tôi suốt thời gian là sinh viên cũng không được hưởng chế độ ưu đãi cho con bệnh binh như những bạn học có cùng hoàn cảnh.

Bố tôi phải làm những thủ tục nào, liên hệ ở đâu để được nhận lại chế độ như trước? Tôi vừa tốt nghiệp đại học, vậy tôi có được nhận lại tiền học phí theo chế độ bệnh binh như các bạn không? (Kim Nhi)

- Do câu hỏi của bạn không nêu rõ là vào năm 2011, bố bạn được người chỉ huy trong quân đoàn cũ giúp làm thủ tục xác nhận là bệnh binh và thủ tục này đã thực hiện xong chưa, do đó chúng tôi chia thành hai trường hợp như sau:

+ Trường hợp bố bạn đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xác nhận bệnh binh: gia đình bạn cần nộp các hồ sơ (gồm giấy chứng nhận bệnh tật, biên bản kết luận của hội đồng giám định y khoa và quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp) đến Sở Lao động - thương binh và xã hội nơi cư trú để được hưởng chế độ bệnh binh theo quy định.

+ Trường hợp bố bạn chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục xác nhận bệnh binh: bố bạn phải thực hiện các thủ tục xác nhận bệnh binh và hưởng chế độ theo quy định tại pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công 2012 và thông tư 05/2013/TT-BTBXH ngày 15-5-2013. Cụ thể:

* Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị giải quyết theo mẫu cùng các giấy tờ quy định tại điểm a, b, c khoản 2 điều 25 thông tư 05/2013/TT-BTBXH ngày 15-5-2013 về việc hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.

* Địa điểm nộp: UBND cấp xã nơi bố bạn cư trú.

* Trình tự thủ tục: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn, UBND cấp xã có trách nhiệm xác minh, lập biên bản đề nghị xác nhận bệnh binh kèm giấy tờ do bố bạn nộp gửi ban chỉ huy quân sự hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an.

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của UBND cấp xã, ban chỉ huy quân sự hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy xác nhận về thời gian phục vụ trong quân đội, công an (trường hợp không còn quyết định phục viên hoặc xuất ngũ); chuyển hồ sơ đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bệnh tật.

Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bệnh tật và giới thiệu ra hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền. Căn cứ biên bản kết luận của hội đồng giám định y khoa, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an ra quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp.

Sau đó cơ quan, đơn vị này sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đến Sở Lao động - thương binh và xã hội nơi bố bạn cư trú để thực hiện chế độ ưu đãi cho bệnh binh.

Đối với vấn đề bạn có được nhận lại tiền học phí theo chế độ bệnh binh khi đã tốt nghiệp, theo quy định tại khoản 3 điều 4 thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐD-BTD-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 thì “Các chế độ về cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định tại thông tư này chỉ áp dụng cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập trong thời gian đang theo học”.

Như vậy trong trường hợp hiện nay bố bạn làm các thủ tục để được xác nhận là bệnh binh, được hưởng chế độ ưu đãi thì bạn cũng không được nhận lại tiền học phí do bạn không còn trong thời gian đang theo học theo quy định trên.

Luật sư NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN
Đoàn luật sư TP.HCM

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat/tu-van-phap-luat/581947/lam-thu-tuc-huong-che-do-con-benh-binh-ra-sao.html