Làm gì để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ?

Buổi sinh hoạt tháng 5-2012 của Chi bộ khu dân cư số 2, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Quy định rõ ngày sinh hoạt định kỳ

Đã mấy năm nay, cứ sáng sớm mồng 5 hằng tháng, đồng chí Đỗ Thế Mậu, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình, lại bắt xe khách từ quê Ứng Hòa để kịp buổi sinh hoạt vào lúc hai giờ chiều tại Chi bộ tổ dân phố số 1, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội, nơi mà đồng chí đã gắn bó khi về hưu, sau này, mới về quê sinh sống. "Sinh hoạt chi bộ là nhu cầu không thể thiếu được, ngoài công việc của chi bộ, còn là nơi để giao lưu, gặp nhau bàn những chuyện mà đảng viên chúng tôi quan tâm, như việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chẳng hạn", đồng chí Đỗ Thế Mậu tâm sự.

Chi bộ tổ dân phố số 1 có 104 đảng viên, hầu hết là cán bộ hưu trí, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ. Tám năm làm bí thư chi bộ, đồng chí Lê Văn Đông trò chuyện say sưa cùng chúng tôi về chủ đề này. Là đảng viên thì ở đâu cũng có nhiệm vụ như nhau, nhưng hoạt động của chi bộ mà đảng viên chủ yếu là cán bộ hưu trí thì khác chi bộ cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp. Trình độ của đảng viên trong chi bộ rất cao, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc bí thư phải có năng lực, kinh nghiệm mới điều hành sinh hoạt hiệu quả. Xem sổ ghi biên bản buổi sinh hoạt của chi bộ tháng 4, chúng tôi thấy có khá nhiều nội dung: Lãnh đạo việc tổ chức các ngày kỷ niệm; kiểm điểm việc thực hiện Chương trình 06 của Quận ủy về việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; chỉ đạo việc tổ chức hội nghị hiệp thương giới thiệu người tham gia bầu tổ trưởng dân phố; cải tạo cống rãnh thoát nước trong khu dân cư. Có nội dung mà cuộc họp nào chi bộ cũng đề cập là tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các tai nạn, tệ nạn xã hội. Ở phường Phúc La khó nhất là nơi sinh hoạt chi bộ. Trước đây, phường chỉ có năm khu dân cư nay được chia thành 19 tổ dân phố, nhiều tổ chưa có nhà văn hóa cho nên chi bộ ở đó không có nơi sinh hoạt.

Khảo sát tình hình sinh hoạt ở các chi bộ khối cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), chúng tôi có kết quả là 92,65% số đảng viên được hỏi cho rằng, chi bộ sinh hoạt định kỳ hằng tháng; 3,5% số đảng viên cho biết, chi bộ sinh hoạt không theo định kỳ.

Theo kết quả khảo sát ở 20 chi bộ và phiếu lấy ý kiến 600 đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư, thì 82,4% số chi bộ thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ; chỉ có 4,5% số chi bộ hai đến ba tháng mới tổ chức sinh hoạt một lần. Các chi bộ được khảo sát thuộc Cục Hàng không, Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chính phủ đều sinh hoạt 12 kỳ trong năm. Còn tại TP Hồ Chí Minh, qua tìm hiểu ở 1.677 chi bộ, thì số chi bộ sinh hoạt 12 kỳ/năm tăng từ 50,1% lên 72,47% so với năm năm trước (khi có Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, năm 2007).

Khó là đối với các chi bộ trong khối sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Bí thư Chi bộ Khu công nghiệp Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) Hà Minh Chuyền giãi bày: Đảng viên của chi bộ làm việc ở 18 doanh nghiệp, cho nên thật khó bố trí thời gian để sinh hoạt, thường là vào ngày nghỉ, mà ngay cả ngày này, nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất và chủ doanh nghiệp không cho đảng viên nghỉ để đi sinh hoạt chi bộ. Tổ chức được một buổi sinh hoạt đã khó, để có đông đủ đảng viên dự càng khó.

Thiết nghĩ, mỗi tháng chi bộ sinh hoạt một lần, tùy loại hình mà quy định ngày, giờ sinh hoạt để đảng viên chủ động sắp xếp thời gian tham dự. Chi bộ khối sản xuất, kinh doanh, nhất là trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, cần tổ chức sinh hoạt vào ngày nghỉ. Ngoài ra theo đặc thù công tác, các chi bộ có đảng viên làm việc ở nhiều nơi không thể về dự sinh hoạt được thì sinh hoạt trực tuyến, thông báo qua hộp thư điện tử. Không ít chi bộ đã làm như vậy mà vẫn hiệu quả.

Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết vấn đề bức xúc

Về xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh biên giới Lào Cai, chúng tôi dự buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ thôn Làng Bạc, tổ chức tại Nhà văn hóa thôn. Tất cả 22 đảng viên trong chi bộ có mặt đúng giờ. Nội dung mà Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Minh Đức đưa ra cho đảng viên bàn là làm thế nào để nhân rộng mô hình tự quản thu gom chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường ở các xóm Nam Hà và Bản Bạc.

Sau buổi sinh hoạt, dạo quanh thôn, chúng tôi hiểu vì sao chi bộ lại tập trung bàn việc mở rộng mô hình tự quản đó. Thôn Làng Bạc có năm xóm, 315 hộ, với 1.244 nhân khẩu, trong đó ba xóm Cây 6, Cây 7 và Lò Vôi, với 115 hộ nằm dọc quốc lộ 4E, phát triển thương mại, dịch vụ ăn uống, cho nên nước tù đọng, rác thải khắp nơi. Không để tình trạng mất vệ sinh kéo dài, trước đó, chi bộ bàn việc thu gom rác, chất thải, giao trưởng thôn và ban công tác mặt trận, phối hợp các xóm thực hiện. Mỗi hộ đóng năm nghìn đồng/tháng, những gia đình có kinh doanh ăn uống, mở cửa hàng bán lẻ... thì đóng thêm từ 10 đến 15 nghìn đồng nữa, để lấy tiền trả công cho hai lao động nữ làm việc này ở ba xóm nêu trên. Từ đó, chi bộ triển khai ra địa bàn các xóm khác trong thôn và việc nhân rộng mô hình tổ tự quản trong thu gom chất thải là rất cần thiết.

Bàn gì trong mỗi kỳ sinh hoạt, trước hết phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ. Chi bộ ở khu vực nông thôn thường bàn nhiều về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thì chi bộ ở khu phố chủ yếu tập trung việc quản lý trật tự đô thị.

Dự buổi sinh hoạt đầu tháng 5 này của Chi bộ khu dân cư số 2, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chúng tôi thấy khá nhiều thời gian được dành để bàn việc xóa các biển quảng cáo rao vặt tại mặt đường, mặt ngõ; chống lấn chiếm đất công ở ngõ 93 và xem xét ý kiến nhân dân về việc lắp đặt trạm ăng-ten viễn thông ở tổ dân phố số 18.

Tháng 3 vừa qua, chi bộ thành công trong việc thực hiện Nghị quyết vận động nhân dân không để xe lấn chiếm lòng, lề đường do đã bàn bạc kỹ trong sinh hoạt và phân công mỗi chi ủy viên phụ trách một tổ dân phố; hằng tuần kiểm tra, rút kinh nhiệm. Vì vậy, sau hơn một tháng thực hiện, các hộ kinh doanh nhà trọ, cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến, bi-a đã tự giác chấp hành, để xe đúng quy định, trả lại sự thông thoáng cho đường đi.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ ở phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến. Bí thư Đảng ủy phường Lê Thị Xuân Mai cho biết, hằng tháng, Đảng ủy phường tổ chức giao ban, cập nhật tình hình thời sự, chủ trương chính sách mới; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong tháng của phường; nêu rõ việc làm được, chưa làm được và nguyên nhân do đâu, cách khắc phục thế nào; những việc cần làm trong tháng tới. Căn cứ vào đó, cùng với tình hình thực tế tại khu phố, các chi bộ đề ra nội dung sinh hoạt.

Theo Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Đạt, để bám sát nhiệm vụ trọng tâm thì trước khi họp, chi bộ phải hội ý ban chi ủy để các chi ủy viên phụ trách các mặt công tác báo cáo từng công việc, kết hợp nhiều kênh thông tin khác như hội nghị các ban, ngành đoàn thể, nhất là sự chỉ đạo của cấp trên. Từ đó, chi ủy chọn vấn đề nổi cộm, búc xúc làm nội dung chủ yếu cho kỳ sinh hoạt, với các chi bộ khu phố thường là tập trung bàn về vấn đề vệ sinh môi trường, các tệ nạn xã hội... Những nội dung này cần báo trước để đảng viên nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến phát biểu trong sinh hoạt, nhất là các buổi sinh hoạt chuyên đề.

Khắc phục tình trạng họp bàn rồi để đấy

Dự một số buổi sinh hoạt chi bộ, chúng tôi có chung nhận xét với nhiều ý kiến cho rằng, không ít chi bộ sinh hoạt chủ yếu là thông báo thời sự, tình hình công việc chung chung, ít sinh hoạt chuyên đề.

Theo Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng (Lào Cai) Đặng Phi Vân thì nguyên nhân chính là năng lực, trình độ của một số cấp ủy và bí thư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hạn chế, cho nên không xác định được những nội dung trọng tâm. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa rõ ràng; công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện không thường xuyên. Do vậy, nghị quyết lãnh đạo của chi bộ chưa tập trung, chưa sâu sát với thực tế; khi tổ chức triển khai đưa vào cuộc sống gặp khó khăn và kém hiệu quả.

Nhiều ý kiến trùng với nhận xét của đảng viên Nguyễn Thị Bình, Chi bộ Khoa Dầu khí, Trường đại học Mỏ địa chất là nhiều buổi sinh hoạt chi bộ không khác họp chuyên môn là mấy, không thể hiện rõ vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy. Trong báo cáo khảo sát chất lượng sinh hoạt chi bộ của Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư cũng khẳng định: Vẫn có những cuộc sinh hoạt chi bộ chất lượng chưa cao, hình thức sinh hoạt còn đơn điệu, chủ yếu bàn việc thực hiện công tác chuyên môn, rất ít sinh hoạt chuyên đề.

Điểm yếu nhất trong sinh hoạt chi bộ là ít coi trọng việc giao nhiệm vụ cho đảng viên một cách cụ thể để thực hiện những công việc đã bàn.

Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hoàng Mai (Hà Nội) Lê Thị Nghiêm bộc bạch: Mấy năm trước, để kết nạp đảng viên trẻ, nhiều chi bộ trong quận đưa ra bàn khá sôi nổi, rồi cử rất nhiều quần chúng ưu tú đi học tìm hiểu về Đảng, nhưng số được kết nạp không nhiều. Nguyên nhân chính là các chi bộ không phân công theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chủ trương của chi bộ đến nơi đến chốn.

Chọn đúng việc để bàn trong mỗi kỳ sinh hoạt là yêu cầu trước hết với chi bộ, nhưng điều quan trọng hơn cả là tổ chức cho đảng viên triển khai thực hiện. Chi ủy cần giao việc cụ thể, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Đến kỳ họp sau, đảng viên có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện trước chi bộ. Chi bộ biểu dương đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhắc nhở, phê bình những đảng viên không làm tốt công việc được giao.

Một trong những điểm yếu của sinh hoạt chi bộ hiện nay là tự phê bình và phê bình chưa cao. Không ít chi bộ sinh hoạt đều đặn hằng tháng, nhưng không phát hiện vi phạm của đảng viên, chỉ đến khi cơ quan chức năng hoặc thông qua dư luận quần chúng tố cáo mới biết. Có cán bộ quan hệ nam nữ bất chính, có cán bộ đánh bạc thua với số tiền khá lớn nhưng chi bộ không hay biết.

Theo ý kiến của Bí thư Quận ủy Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Quốc Hùng, để chi bộ thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, thì cán bộ chủ chốt, nhất là đồng chí bí thư phải gương mẫu. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải nghiêm khắc tự phê bình; cấp trên gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới, cấp dưới mạnh dạn phê bình cấp trên, tổ chức đảng và đảng viên lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ chi bộ tổ chức cho đảng viên góp ý kiến với cán bộ chủ chốt. Bí thư hoặc cấp ủy chủ trì hội nghị điều hành sinh hoạt đúng trọng tâm, không chỉ lắng nghe, mà còn biết khơi gợi vấn đề, phát hiện và kết luận vấn đề một cách chính xác, khắc phục tình trạng kết luận chung chung, dung hòa các ý kiến.

Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Thọ cho biết, nhiều năm nay, Thành ủy đã phân công cán bộ dự sinh hoạt chi bộ. Theo đồng chí, chất lượng sinh hoạt phụ thuộc rất nhiều vào cấp ủy mà trực tiếp là đồng chí bí thư. Chúng tôi cũng đồng tình như vậy. Bí thư am hiểu công tác đảng chưa đủ mà cần có trình độ, kiến thức về nhiều mặt, nhất là những lĩnh vực liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà chi bộ lãnh đạo, ngay cả với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng thế.

Dù ở bất kỳ loại hình nào, hoạt động của chi bộ bao giờ cũng phải gắn liền với công tác chuyên môn. Nếu sinh hoạt chi bộ chỉ bàn công việc đảng vụ thì nội dung sẽ trở nên nghèo nàn, chi bộ không có vị thế trong cơ quan, đơn vị cũng như doanh nghiệp. Do vậy, nâng cao trình độ chuyên môn cho cấp ủy là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Việc này lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, hoặc cho rằng bí thư chỉ cần làm tốt công tác đảng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/lam-gi-nang-cao-ch-t-l-ng-sinh-ho-t-chi-b-1.346833