Làm đường bằng công nghệ túi đất

SGTT.VN - Túi đất xưa nay vẫn được ông bà ta sử dụng trong đắp đê, be bờ (ao), nhưng dùng để làm hoàn chỉnh một con đường giao thông công cộng thì quả là xưa nay hiếm. Tuy nhiên, ngày 18.5 vừa qua, một con đường được làm hoàn toàn bằng túi đất đã được khởi công tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và sẽ hoàn thành trong vài ngày tới.

Các túi đất trong lúc đang thi công móng đường.

Có thể làm bằng phế thải

Trưa ngày 19.5, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xã Tân Ước – hiện trường thi công con đường, giữa cái nóng lên đến gần 400C, GS Kimura Makoto (đại học Kyoto – Nhật Bản) vẫn đang miệt mài giám sát “nhà thầu thi công” – là các kỹ sư tương lai của trường đại học Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội. Song, thứ được ông Kimura gọi là “máy móc” duy nhất được dùng ở đây là những chiếc đầm bằng gỗ. Các nguyên vật liệu để làm cũng không hề có sắt thép, ximăng, bêtông; cũng không hề thấy thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công…

GS Kimura giải thích: vật liệu chính của nó là bao tải và đất, thậm chí là túi cũ qua sử dụng, gạch ngói cũ, phế thải xây dựng phổ biến khắp nơi. “Ở Nhật Bản gọi là công nghệ túi đất “Do – Nou”, mà khởi nguồn của nó là nhân dân dùng để chống nước tràn qua đập. Điểm ưu việt của nó là có thể dùng trong những đoạn đường mà không thể đưa máy móc hạng nặng vào được, không yêu cầu cao về công nghệ nên chi phí thấp và sử dụng hầu như hoàn toàn bằng lao động tại địa phương”, ông Kimura cho biết.

Về phương pháp thi công, đúng như lời ông Kimura nói, các sinh viên tình nguyện chỉ việc xúc đất, phế thải cho vào bao tải, buộc chặt lại và sắp lên mặt đường và dùng đầm đầm cho phẳng đều, sau đó, cho một lớp đất hoặc đá mịn phủ lên và tiếp tục đầm chặt để tạo mặt đường êm thuận. “Mấu chốt của công nghệ này là gia tăng cường độ chịu kéo của bao tải bằng phương pháp đầm, nên công việc đầm một cách cẩn thận là tối quan trọng. Nếu không có quá trình đầm thì không có lớp móng đường tốt”, chuyên gia này lưu ý. Dù phương pháp này hết sức đơn giản nhưng theo ông Kimura, cường độ chịu kéo của bao tải là 6kN/m, khả năng chịu tải có thể cho xe 25 tấn đi qua và tuổi thọ con đường có thể lên đến mười năm.

Giá bằng 1/3 so với công nghệ khác

TS Nguyễn Hoàng Long, trưởng khoa công trình, đại học Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội đánh giá: việc ứng dụng công nghệ bao tải đất gia cường đã được triển khai tại nhiều nước, trong đó có cả Nhật Bản và nhiều nhất là ở nông thôn các nước đang phát triển. Ưu điểm của nó là dễ thực hiện, tận dụng nguồn lực địa phương, thân thiện môi trường và đặc biệt là chi phí thấp. “Theo tính toán của chúng tôi, giá thành để làm 1km đường dùng công nghệ này chỉ bằng 30% so với các công nghệ khác để làm đường ở nông thôn như hiện nay”, ông Long so sánh.

Chủ tịch UBND xã Tân Ước, ông Nguyễn Đức Toàn thì cho biết cụ thể hơn: mỗi kilômét đường tại Tân Ước với công nghệ này chỉ tốn 200 – 300 triệu đồng, trong khi đơn giá của Hà Nội thì trung bình mỗi kilômét đường nông thôn là 2 tỉ đồng. Dẫu vậy, ông Toàn cũng cho hay, vì ở Tân Ước 100% đường nông thôn đã được bêtông hóa nên dự kiến xã sẽ nhân rộng làm đường túi đất với tất cả đường nội đồng (khoảng 70km) để cho bà con nông dân chở nông sản.

TS Long thì thừa nhận, phương pháp dùng túi đất không mới, vì ông cha ta đã dùng nhiều trong đắp đê, nhưng đó là cách làm tự phát, dựa trên kinh nghiệm dân gian là chính chứ chưa có tính toán khoa học về độ chịu lực. Theo ông Long, bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận nghiên cứu đề tài này, và nếu thành công rộng rãi thì sẽ tính đến việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng rộng rãi trong cả nước.

bài và ảnh: Chí Hiếu

Có thể làm cả quốc lộ?

Tại hội thảo khoa học do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 19.5, đại diện vụ Bảo trì (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng công nghệ này không chỉ nên áp dụng với đường giao thông nông thôn mà cũng rất hữu ích trong sửa chữa đường khi gặp sự cố ngập, lầy lội do bão lũ.

Tuy vậy, đại diện phía tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng băn khoăn về khả năng áp dụng trên các tuyến quốc lộ. Ông Kimura khẳng định, công nghệ này hoàn toàn làm được trên quốc lộ vì đây là ứng dụng của vải địa kỹ thuật, có thể dùng để làm lớp kết cấu móng đường, và nếu trên đó được phủ lớp áo đường để tránh ánh nắng mặt trời thì tuổi thọ hoàn toàn đạt 5 – 10 năm.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Kimura thừa nhận, ở Nhật Bản hiện nay rất hiếm sử dụng công nghệ này vì chi phí nhân công cao thì sẽ khiến đường áp dụng công nghệ này bị đẩy giá lên cao. Theo tính toán của chuyên gia này, với một con đường rộng 3 – 4m, thì giá mỗi mét dài áp dụng công nghệ này là 5 – 6 USD (chưa tính phí nhân công). Cũng theo GS Kimura, công nghệ này đã được ông áp dụng rộng rãi ở 14 quốc gia và đã có nước ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho công nghệ này, như tại Kenya.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/177777/lam-duong-bang-cong-nghe-tui-dat.html