“Làm ăn với nông dân phải có lý, có tình”

SGTT.VN - Bị thua lỗ nặng từ vụ kinh doanh phân bón năm 1993 làm Antesco kiệt quệ, nhưng ông Huỳnh Quang Đấu (chủ tịch HĐQT – tổng giám đốc công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang – Antesco) vẫn quyết tâm bám trụ, bắt tay với nông dân sản xuất hàng xuất khẩu, để rồi sau 20 năm, ông đưa Antesco trở thành một trong bốn doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực rau quả đông lạnh xuất khẩu.

Tìm lối đi riêng

Đậu nành rau đang được chế biến – một trong những sản phẩm thế mạnh của Antesco.

“Lúc đó, (năm 1993, lỗ hơn 10 tỉ đồng – PV), nhiều người khuyên nên xin giải thể công ty. Nhiều lần tôi định từ chức, nhưng anh em muốn ở lại làm việc với mình, nên tôi quyết định không từ chức và không xin giải thể công ty”, ông Đấu hồi tưởng. Vậy là ông Đấu quyết tâm gầy dựng lại Antesco bằng việc xác định lại hướng đi là ngành chế biến xuất khẩu rau quả. Sau đó, ban lãnh đạo Antesco đã xuống từng địa phương vận động nông dân trồng nguyên liệu, thỏa thuận với nông dân cách hợp tác, huấn luyện quy trình, cách thu mua, phân chia lợi nhuận đối với sản phẩm chủ lực là đậu nành rau và bắp non nhằm ổn định vùng nguyên liệu lâu dài. Antesco tổ chức mười đại lý, mỗi đại lý phụ trách một nhóm nông dân, chịu trách nhiệm cung ứng hạt giống, thu hồi sản phẩm giao cho nhà máy. Giống được công ty ứng trước cho nông dân thông qua đại lý, đến cuối vụ thu hồi bằng cách trừ vào sản phẩm.

Do sản phẩm xuất khẩu đến các thị trường khó tính, nên Antesco yêu cầu nông dân phải áp dụng đúng quy trình canh tác, siết chặt công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào. Xuất thân là nông dân với quãng dài thời gian sống trong nghèo khó, ông Đấu đã cùng nhân viên trực tiếp xuống tận đồng ruộng giải thích, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. “Có những lúc, thu mua xong, chúng tôi buộc phải tiêu hủy tại chỗ nhiều lô đậu nành rau không đạt chất lượng để nông dân tận mắt thấy được tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm, muốn xuất khẩu và cạnh tranh phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, dần dần nông dân hiểu, tin và hợp tác với chúng tôi”, ông Đấu chia sẻ.

Theo ông Đấu, trong một thời gian dài, khó khăn của Antesco là, nếu công ty thu mua giá thấp, thì nông dân sản xuất không có lời và ngược lại, trong khi giá thành sản phẩm cao, nông dân lại thường đem sản phẩm bán cho các đơn vị khác đến thu mua với giá cao hơn, mặc dù Antesco nhập khẩu hạt giống cung cấp cho nông dân.

Từ chỗ lúc đầu, vùng nguyên liệu chỉ có ở huyện Chợ Mới, đến nay Antesco đã mở rộng vùng nguyên liệu đến huyện Châu Phú (An Giang) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Làm ăn với hàng chục ngàn nông dân, với sản phẩm rau quả rất dễ bị ảnh hưởng đến chất lượng bởi mưa nắng thất thường, do đó, theo ông Đấu, làm ăn với nông dân cần phải có lý, có tình, cần phải đảm bảo lợi ích hài hòa, phải giúp cho nông dân làm giàu trong cách làm của mình thì nông dân mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Năm 2003, Antesco bước vào giai đoạn tăng trưởng liên tục, với sản lượng rau quả xuất khẩu năm cao nhất 9.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 8,4 triệu USD. Điều gì đã giúp cho ông Đấu lèo lái con tàu Antesco vượt qua được những khó khăn? “Tất cả xuất phát từ chữ “tâm”, chúng tôi coi nông dân là giám đốc sản xuất, còn chúng tôi là giám đốc thị trường”, ông Đấu cho biết.

Nhất cử lưỡng tiện

Dọc theo các xã Hội An, Mỹ Luông, Mỹ An, Kiến Thành… (huyện Chợ Mới) quanh năm là những cánh đồng bắp bạt ngàn. Vào buổi sáng hay ban chiều, những nơi đây luôn nhộn nhịp các hoạt động thu hái trái non, phân loại, vận chuyển đến bán cho đại lý. Ông Trần Minh Giáo ở ấp Mỹ An, xã Mỹ An, cho biết ngoài trái non bán cho nhà máy, vỏ trái và thân cây bắp đều được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Với 8.000m2 đất trồng bắp, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Giáo còn lời được bình quân 16 triệu đồng/vụ. Theo ông Giáo, với năm vụ bắp xoay vòng liên tục trong năm, vỏ trái và thân cây bắp đủ để nuôi một đàn bò mười con, sau một năm lợi nhuận thu được từ đàn bò là 50 triệu đồng. “Trồng bắp non kết hợp với nuôi bò là nhất cử lưỡng tiện”, ông Giáo đúc kết kinh nghiệm.

Còn ông Nguyễn Văn Tòng thì mừng ra mặt: “Trước đây làm rẫy bị lỗ hoài, từ ngày ông Đấu đem nhà máy về khuyến khích nông dân trồng bắp non kết hợp với nuôi bò, nhà ngói, nhà tường liên tục mọc lên từ đầu đến cuối xóm”. Với đàn bò tám con, mỗi năm ông Tòng lãi ròng hơn 50 triệu đồng, ông nói: “Trồng bắp lấy lời chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, đồng lời từ nuôi bò còn nguyên”. Còn anh Nguyễn Văn Út nhà ở cạnh bên vừa bán đàn bò bốn con lời hơn 40 triệu đồng, anh Út khoe: “Trồng bắp nuôi bò, có việc làm quanh năm, nên tôi không phải lên miền Đông làm mướn nữa”.

Tại huyện Chợ Mới, cứ mười hộ trồng bắp thu trái non có đến chín hộ nuôi bò, hộ nuôi ít nhất là năm con, cao nhất đến 20 con, nên Chợ Mới được gọi là huyện “đệ nhất bò”, với tổng đàn bò toàn huyện lúc cao điểm lên đến 50.000 con. Việc trồng bắp non xuất khẩu kết hợp với nuôi bò thịt tạo thành quy trình khép kín, “bây giờ, hạt giống Antesco đưa xuống trễ là nông dân cảm thấy lo vì thiếu thức ăn cho bò”, nông dân Nguyễn Văn Út ở ấp Mỹ Phú, xã Mỹ An chia sẻ. Còn ông Nguyễn Văn Tòng hào hứng: “Nông dân ai cũng tranh đua trồng bắp nuôi bò đến nỗi không có thời gian ăn nhậu”.

Không chỉ là chuyện trồng bắp, nuôi bò, từ ngày nhà máy chế biến rau quả đông lạnh của Antesco được xây tại huyện Chợ Mới, “con em nông dân lại là công nhân của nhà máy, mối liên kết tình thân “khép kín” hay lắm. Nhiều người trở nên khá giả cũng nhờ trồng bắp nuôi bò”, ông Đấu tự hào. Antesco hiện đang trồng bắp non thử nghiệm ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) với kết quả khả quan, ông Đấu hy vọng sắp tới sẽ mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho bà con vùng này, nhất là đồng bào dân tộc.

Phát huy lợi thế địa phương

Ông Huỳnh Quang Đấu (bìa trái) thường xuống trao đổi cùng nông dân trồng đậu nành rau huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: T.L

Gần 20 năm trước, Antesco bắt đầu tập trung xây dựng vùng nguyên liệu rau quả làm hậu cứ lâu dài cho hoạt động chế biến xuất khẩu. Công việc tiến triển chậm chạp trong khi tỉnh An Giang và các tỉnh thành lân cận đang “nóng” lên với việc hàng chục nhà máy chế biến cá tra được xây mới, nhiều người sốt ruột đã đòi cách chức ban lãnh đạo Antesco vì đi ngược xu thế. Tuy nhiên, sau khi tập trung nghiên cứu, tiếp thị, cho ra đời nhiều sản phẩm mới từ những mặt hàng nông đặc sản thế mạnh của địa phương, Antesco đã có hơn 30 mặt hàng rau quả đông lạnh và đóng hộp được tiêu thụ trong và ngoài nước, như: bắp non, đậu nành rau, đu đủ, xoài, chôm chôm, đậu bắp, nấm rơm, củ khoai, cọng hành… Chỉ riêng trái khóm, Antesco đã cho ra mười sản phẩm khác nhau, như: khóm xếp khai, khóm xí ngầu, khóm rẻ quạt… Ông Đấu nói, ông cảm thấy rất hãnh diện khi các sản phẩm rau quả nhiệt đới đông lạnh của Antesco Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Ông Đấu nhớ về tuổi thơ thường được ông bà ngoại cho ăn món cá linh kho mía, vị ngọt bùi và thơm lừng từ cá linh đã theo ông đến giờ, vậy là ông cùng cộng sự mày mò nghiên cứu cho ra món cá linh kho mía đóng hộp, rồi đến món cá linh sốt cà mà ông tự hào không thua các sản phẩm cá đóng hộp nhập khẩu. Gần đây, Antesco còn có cả món mắm chưng, cá mè vinh đóng hộp… có thể làm quà đặc sản mỗi khi du khách ghé An Giang. Trò chuyện cùng ông Đấu, điều ông luôn lấy làm tiếc đó là không đủ năng lực để có thể tận dụng hết sản phẩm rau quả và nhiều nông đặc sản khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho xuất khẩu. Theo ông Đấu, tận dụng những lợi thế này cũng đồng nghĩa với việc đưa đặc sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đi xa hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Ông và những cộng sự đang tiếp tục chuẩn bị cho ngày ra đời một nhà máy kế tiếp cũng ở ngay vùng nguyên liệu, để tiếp tục đưa con tàu Antesco đến với khắp năm châu, đó cũng là ước mơ lớn nhất cuộc đời ông.

Hiếu Thảo

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/175146/%e2%80%9clam-an-voi-nong-dan-phai-co-ly-co-tinh%e2%80%9d.html