Lãi suất tăng, do đâu?

Nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng mạnh trong khi nguồn cung vốn không theo kịp là điều kiện cần; quan điểm duy trì lãi suất ổn định ở “mức cao” của nhà điều hành chính sách là điều kiện đủ để lãi suất trên thị trường tạo đáy và từng bước tăng lên như đã xảy ra trong thời gian qua.

Thời gian qua, nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng mạnh trong khi huy động vốn không theo kịp. Ảnh: MINH KHUÊ

Trong hơn một tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục được điều chỉnh tăng và hiện lãi suất đã hình thành mặt bằng mới cao hơn khoảng 0,5% so với trước đây. Cùng với việc nâng lãi suất huy động, các ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là các khoản vay cũ đến hạn điều chỉnh lãi suất bởi lẽ lãi suất các khoản vay này vốn dĩ phụ thuộc vào lãi suất huy động của ngân hàng. Lãi suất tăng đang đặt ra nhiều băn khoăn khi mà lạm phát trong nền kinh tế ở mức rất thấp và chưa có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại (đặc biệt khi mà giá dầu liên tục giảm mạnh và được dự báo duy trì mức thấp kỷ lục) và các ngân hàng cũng không có dấu hiệu nào cho thấy đang gặp vấn đề thanh khoản. Vậy lãi suất tăng do đâu?

Nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng mạnh

Có thể thấy năm 2015 là năm rất khác biệt về tăng trưởng tín dụng kể từ năm 2011 đến nay, khi mà tín dụng tăng trưởng đều đặn và bền bỉ trong suốt năm 2015. Theo thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì tín dụng năm 2015 tăng khoảng 18% so với năm 2014 và là năm tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Sự khác biệt về tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 so với giai đoạn 2011-2014 không chỉ ở tốc độ cao hơn mà còn nằm ở chỗ chất lượng thực tế của các con số tăng trưởng tín dụng. Trong giai đoạn 2011-2014, tín dụng thường có “xu hướng” tăng mạnh một cách đột biến vào tháng 12 hàng năm mà theo quan sát của người viết thì tốc độ tăng đột biến của tín dụng trong tháng 12 các năm này là không thật. Có nghĩa là tín dụng tăng trưởng các tháng 12 này phần lớn là dư nợ ảo được tạo ra để làm đẹp sổ sách các ngân hàng nhằm đạt được các mục tiêu về tăng trưởng dư nợ, tổng tài sản... Điển hình như tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 12-2014 (so với cùng kỳ) cao hơn đến hơn 4% so với tốc độ tăng trưởng tháng 11-2014 trong khi các tháng trước đó tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối “ổn định”. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tháng 12-2015 so với tháng 11-2015 không có sự đột biến đó.

Sau tuyên bố của Thống đốc NHNN, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tin tưởng rằng NHNN sẽ không thực hiện các chính sách dẫn đến việc cắt giảm lãi suất.Box phải

Nói cách khác, tăng trưởng tín dụng năm 2015 có vẻ như thực chất hơn so với các năm trước đây. Điều này có nghĩa là nếu loại bỏ dư nợ kỹ thuật của tháng 12 các năm trước, thực tế tín dụng năm 2015 tăng trưởng cao hơn con số 18% mà NHNN thông báo.

Huy động vốn không theo kịp

Tín dụng tăng mạnh như vậy nhưng vốn huy động của các ngân hàng không theo kịp. Tổng vốn huy động của các ngân hàng năm 2015 chỉ tăng 13% so với năm 2014, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, trong năm 2014, tốc độ tăng huy động vốn của các ngân hàng lên đến 20% và tín dụng chỉ tăng khoảng 14%. Như vậy, có thể thấy, đã có sự đảo ngược về tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn theo hướng tín dụng tăng mạnh hơn tốc độ tăng huy động vốn trong năm 2015.

Điều này đã làm cho lãi suất có điều kiện cần để tăng lên trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Bên cạnh vấn đề tăng trưởng tín dụng và huy động vốn, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng đã hút một lượng lớn nhu cầu vốn của nền kinh tế và do đó tạo ra tác động chèn lấn của khu vực ngân sách lên các khu vực khác của nền kinh tế mà kết quả là đẩy lãi suất trên thị trường lên mức cao hơn.

Tín hiệu từ nhà điều hành chính sách

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tại phiên họp trực tuyến tổng kết năm 2015 của Chính phủ ngày 29-12-2015, nói: “Dư địa để giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là rất khó, lãi suất sẽ duy trì ổn định như năm 2015 và nếu có được thì cố gắng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 0,3-0,5% nữa”.
Những thông điệp như vậy từ nhà điều hành chính sách đã phát tín hiệu cho các ngân hàng thương mại trong việc điều hành lãi suất của mình. Thực vậy, sau tuyên bố của Thống đốc, hầu hết các ngân hàng đều tin tưởng rằng NHNN sẽ không thực hiện các chính sách dẫn đến việc cắt giảm lãi suất và do đó các ngân hàng tự tin thực hiện các chính sách theo hướng thiết lập vùng đáy lãi suất và từ từ nâng lãi suất huy động để chiếm lĩnh thị phần và chuẩn bị nguồn vốn cho một năm tăng trưởng tín dụng được dự báo là sẽ tiếp tục ở mức cao.

Và khi lãi suất huy động đang tăng lên thì lãi suất cho vay theo đó cũng phải tăng lên, đặc biệt là các khoản vay cũ vốn dĩ có lãi suất điều chỉnh theo lãi suất huy động. Trong khi đó, lãi suất của các khoản vay này ở thời điểm hiện tại không hề rẻ nếu so với mức lạm phát trong suốt một năm qua và có thể là trong năm tiếp theo.

Những phân tích của lãnh đạo NHNN về tác động của sự sụt giảm của giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đối với lạm phát Việt Nam là hoàn toàn chính xác về mặt số liệu. Tuy nhiên, nếu loại bỏ các hàng hóa này để khẳng định rằng lạm phát năm 2015 ở mức 3% và do đó mức lãi suất hiện nay là hợp lý thì chưa thỏa đáng. Bởi vì, giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản là thành tố quan trọng trong bất kỳ rổ tính chỉ số lạm phát của bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta cũng không thể tùy tiện loại bỏ bất kì yếu tố nào để làm thay đổi sự thay đổi mức giá chung của nền kinh tế vốn được công nhận rộng rãi, nhất là khi mức giá chung này là biến số quan trọng trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Quan điểm duy trì lãi suất ổn định ở “mức cao” hiện tại của các nhà làm chính sách đã phát tín hiệu cho thị trường về việc sẽ không có động thái nào dẫn đến việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới và đây chính là điều kiện đủ để lãi suất trên thị trường tạo đáy và từng bước tăng lên như đã xảy ra trong thời gian qua.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/141700/lai-suat-tang-do-dau.html/