Lá dong - Hồn quê ngày Tết

Lá dong - sản vật núi rừng bình dị, đã góp phần làm nên chiếc bánh Lang Liêu, với bao điều gửi gắm sâu xa về đạo hiếu, nhân văn và triết lý của cha ông từ mấy nghìn năm trước. Dẫu cuộc sống hôm nay có lấp lánh muôn màu, nhưng lá dong xanh vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, trong văn hóa truyền thống và tâm thức người Việt.

Lá dong giữa chợ quê ngày Tết

Lá dong giữa chợ quê ngày Tết

Cây dong mọc hoang ở các thung lũng, xanh tốt quanh năm, tùy thuộc vào điều kiện môi trường sinh sống mà cây cho lá nhiều hay ít. Hàng năm, trung tuần tháng 11 âm lịch, những người làm nghề đi rừng bắt đầu khởi hành cho mùa lấy lá dong. Trước đây, dong trên rừng nhiều, mùa lấy dong kéo dài cả tháng, nay dong ít, do rừng bị phát sẻ mạnh và sự tận diệt của con người, nên mùa lấy dong ngắn và đến sớm hơn.

Công việc lấy dong vất vả, công phu, phải trèo đèo, lội suối, tìm kiếm, lựa chọn, khắp thung sâu, bụi rậm… Thao tác cắt, gói, vận chuyển lá dong cũng phải cẩn thận, nâng niu. Dù đưa từ rừng về rất sớm, nhưng do bảo quản tốt nên vào dịp Tết, lá dong vẫn xanh tươi. Người ta đã sắp xếp chúng theo từng cuộn nhỏ (100 lá), cuốn chặt, bọc bằng chính lá dong, dựng nơi kín gió, râm mát, tưới nước giữ ẩm hàng ngày.

Khoảng 20 tháng Chạp trở đi, lúc chợ quê, chợ phố rộn ràng không khí Tết, lá dong được bày bán khắp nơi cùng với giang rừng, đậu xanh, nếp dẻo. Khi ấy, lá dong sẽ được người đi rừng, người buôn đem ra cắt bớt cuống, san ra nhiều bó nhỏ. Lá dong gói bánh, tốt nhất là lá “bánh tẻ” (loại không non, không già). Bởi, nếu gói lá non, màu bánh không đẹp, lá già thường giòn, dễ rách, khó gói.

Dưới những bàn tay khéo léo, được truyền qua bao thế hệ, dong, giang của núi rừng, nếp, đậu của đồng quê thân thuộc, đã trở thành những chiếc bánh nhỏ xinh, vuông vức, tròn trịa trên mâm cỗ ngày xuân, dâng kính tổ tiên.

Sau mỗi phiên chợ, các mẹ, các chị trở về nhà, lỉnh kỉnh ôm theo bên người, đèo sau xe những bó lá dong tươi, nghe vị Tết đang về ngoài ngõ. Dẫu chỉ là một loại lá để gói bánh thôi, nhưng vào dịp Tết, lá dong là thứ được mọi nhà chuẩn bị trước khi gói bánh.

Những ngày giáp Tết, khắp các làng quê, đi đâu cũng thấy cảnh chùi rửa lá dong, chuẩn bị gói bánh. Các mẹ, các chị lại chăm chút, tỷ mẩn, kỳ cọ từng chiếc lá, trên các mâm thau, rồi cẩn thận sắp xếp chúng theo từng kích cỡ. Lá dong sau khi rửa sạch, để ráo, sẽ được cắt tỉa cho mềm mại. Công việc này đòi hỏi người làm phải khéo tay, cẩn thận, để mỗi lần cắt cuống vát cồi, lá vẫn lành lặn, vẹn nguyên. Lá mềm dùng để gói bánh, cuống cứng dùng để lót đáy nồi, trước khi sắp bánh lên.

Lá to gói bánh chưng, lá dài gói bánh tét, lá nhỏ gói bánh con. Nhà nhà quây quần gói bánh Tết, ông chỉ cho cha, cha chỉ cho con, kẻ gói, người ràng, “lá lành đùm lá rách”, “lạt mềm buộc chặt”. Lá dong trong ngày Tết, không chỉ dùng để gói bánh chưng, bánh tét, bánh dày, mà còn dùng để gói giò, gói nem... Bánh gói bằng lá dong, nấu lên xanh hơn, thơm hơn, ngon hơn và để được lâu hơn.

Lá dong - món quà Tết từ rừng, vượt trùng khơi, đến với hải đảo

Những ngày áp Tết, cũng là lúc lá dong hiện diện trên chuyến tàu chở quà ra cho các chiến sỹ trên đảo Trường Sa. Giữa biển khơi, lá dong thay lá bàng vuông gói bánh chưng ngày Tết, như mang theo cả tình cảm quê hương sâu nặng, thủy chung, tin tưởng của đất liền hướng về biển đảo. Chiếc bánh chưng là hình ảnh quê nhà, góp thêm vị Tết cho “xuân của lính” đủ đầy, ấm cúng, như nhắn gửi với các anh: Vì sự bình yên của Tổ quốc, hãy chắc tay súng nơi sóng gió tiền tiêu.

Rồi, đồng bào xa Tổ quốc cũng được nhận những bó lá dong quê nhà qua những chuyến bay, để kịp gói bánh chưng xanh cúng tổ tiên để vơi nỗi nhớ quê nhà. Tết cổ truyền trong thẳm sâu đáy lòng những người con xa xứ, là thời khắc linh thiêng, để mọi người cùng nhau hướng về nguồn cội.

Lá dong - sản vật núi rừng bình dị, đã góp phần làm nên chiếc bánh Lang Liêu, với bao điều gửi gắm sâu xa về đạo hiếu, nhân văn và triết lý của cha ông từ mấy nghìn năm trước. Dẫu cuộc sống hôm nay có lấp lánh muôn màu, nhưng lá dong xanh vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, trong văn hóa truyền thống và tâm thức Việt Nam.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/la-dong-hon-que-ngay-tet_t114c1159n99492