Kỳ vọng nền nông nghiệp tự động hóa trong tương lai

Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm (ĐH bách khoa TP.HCM) cho rằng, một đất nước có cái gốc từ nông nghiệp thì nên lấy cái gốc đó để làm giàu cho chính mình.

Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm (ĐH bách khoa TP.HCM) là một trong số rất ít những nhà khoa học theo đuổi con đường tự động hóa trong nông nghiệp.

Chia sẻ bên ly cà phê vào một ngày cuối năm, kỹ sư Lâm cho biết, năm 2015 vừa qua là một bước đệm rất quan trọng trên con đường hiện thức hóa ước mơ có một nền nông nghiệp với một chuỗi sản xuất tự động hóa mà anh ấp ủ bấy lâu nay.

Sự kiện gặp gỡ hơn 300 tài năng trẻ toàn quốc diễn ra tại Hà Nội trong tháng 12 vừa qua được xem như là cơ hội để tôi có một môi trường học hỏi và hợp tác lâu dài trong tương lai. Các nhà KH trẻ mỗi người một thế mạnh với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khách nhau. Sự gặp gỡ đó như một cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu, bổ sung thêm kiến thức và cùng nhau hợp tác với những lĩnh vực mình quan tâm” - kỹ sư Lâm cho biết.

Nhìn về thực tế các công trình nghiên cứu về nông nghiệp, kỹ sư Lâm nhận thấy đây là một lĩnh vực giành được ít sự quan tâm và chú trọng đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học.

Sở dĩ có thực tế này bởi vì nhiều nhà khoa học nước ta hiện nay khi đăng ký đề tài thường cố gắng tìm ra những vấn đề quá cao siêu để thực hiện.

Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhiều người cho rằng, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không có tính mới để có được những bài báo cáo khoa học quốc tế có chất lượng.

Trong khi đó, những người nông dân lại ít quan tâm đến khoa học, hằng ngày họ đối mặt với những vấn đề này sinh trong công việc và "sản xuất" những sáng chế mang tính tức thời, giải quyết vấn đề vướng mắc và có hiệu quả kinh tế nhất định. Còn nhà KH lại chạy theo những bài báo cáo, quá cao siêu nên dẫn đến hệ quả là không có sự kết nối giữa vấn đề thực tiễn và vấn đề nghiên cứu.

“Một đất nước xuất phát từ cái nôi là nông nghiệp, lại không thiếu những nhà khoa học giỏi, có tâm và có tầm. Vậy tại sao chúng ta lại bỏ quên mất việc nghiên cứu những sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp và để người nông dân nước mình vẫn luôn nghèo mãi”- kỹ sư Lâm chia sẻ về những trăn trở của mình.

Anh cho biết, những lần lên khảo sát tại các vùng sản xuất và chế biến hạt điều ở Bình Phước, nhìn những người công nhân, thậm chí là những em bé chỉ hơn 10 tuổi cặm cụi bóc tách, phân loại từng hạt điều thủ công, ngồi trò chuyện với những người công nhân, nghe họ kể về những lần làm việc bị dao cắt vào tay chảy máu và họ xem đó như những tai nạn rất bình thường, anh thật sự cảm thấy chạnh lòng.

Từ những trăn trở đó, anh gạt đi những lời mời gọi đặt hàng từ các đơn vị, doanh nghiệp để rẽ lối đi riêng, dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp tự động hóa.

Sau thời gian nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cuối năm 2015, kỹ sư Lâm đã chính thức cho ra mắt và vận hành thử nghiệm hệ thống máy tách hạt điều theo cả màu sắc lẫn kích cỡ.

Đây được xem là bước ngoặt lớn trong việc thực hiện tự động hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Máy phân loại hạt điều này là sản phẩm đầu tiên do người Việt Nam sáng chế. Kỹ sư Lâm khẳng định rằng, máy phân loại hạt điều này sẽ có năng suất hơn hẳn máy ngoại nhập và giá thành rẻ hơn nhiều so với máy ngoại nhập.

Máy phân loại hạt điều này sẽ hỗ trợ những người nông dân tăng năng suất, giảm sức lao động và không phải phụ thuộc vào nguồn hàng từ nước ngoài.

Trong quá trình nghiên cứu, kỹ sư Lâm đã phát hiện ra nhiều ý tưởng mới trong quy trình phân loại sau thu hoạch của hạt điều.

Cụ thể, trong quá trình tách hạt, phần vỏ lụa bên trong của hạt điều, công nhân phải làm sạch hoàn toàn bằng thủ công. Trong khi đó, việc cạo thủ công chỉ được trả công 5000 đồng mỗi kg, vừa mất thời gian mà hiệu quả lại không cao. Vì vậy, Lâm nghĩ ra một ý tưởng làm một cái máy khi tách hạt sẽ tự động bóc luôn phần vỏ lụa ra, giúp giải phóng sức lao động của con người. Đây cũng là vấn đề mà cả thế giới cũng đang nghiên cứu và chưa có một máy nào thật sự hoàn chỉnh.

Hiện tại kỹ sư Lâm đang hoàn thiện mô hình và tiếp tục cải tiến, khi cho được kết quả tốt anh sẽ tăng quy mô của máy lên để sản phẩm đạt năng suất có thể đạt 6 đến 10 tấn/1 giờ.

Một đất nước xuất phát từ nền nông nghiệp mà không dựa vào thế mạnh đó mà đi phát triển, nghiên cứu những cái mà thế giới hiện nay đã đi quá xa rồi thì phải chăng chúng ta đang chọn nhầm thế mạnh của mình. Vì thế, tôi cho rằng các nhà khoa học cũng nên chú tâm đến phát triển lĩnh vực nông nghiệp tiềm năng này”- kỹ sư Lâm nói.

Ngoài ra, anh có một mơ ước là thành lập một doanh nghiệp khoa học ứng dụng cho những lĩnh vực nông nghiệp tự động hóa, giúp tăng năng suất, giải phóng sức lao động cho nông dân. Quan trọng hơn hết, một khi có được một chuỗi sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ thì nông sản Việt Nam xuất khẩu trên thị trường giá trị sẽ tăng lên gấp nhiều lần, tăng cường sự cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản. Bởi nông sản xuất khẩu hiện nay chủ yếu là sản phẩm thô và có giá trị thấp.

Trong năm 2016, kỹ sư Lâm sẽ cùng với các đồng sự sẽ tiếp tục hoàn thiện máy phân loại hạt điều và tiếp tục nghiên cứu sản xuất máy tách vỏ lụa. Hiện tại máy phân loại hạt điều chạy thử mô hình cho kết quả rất tốt. Sản phẩm sau đó sẽ nâng cấp quy mô lớn hơn và tiếp tục thử nghiệm lắng nghe ý kiến của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ky-vong-nen-nong-nghiep-tu-dong-hoa-trong-tuong-lai-c7a385878.html