Kỳ vọng của doanh nghiệp FDI

Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi mạnh mẽ trong năm 2016, sau khi những hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng đã hoàn tất trong năm 2015 và cả sự hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC). Dù vậy, vẫn còn đó những lo lắng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa hề cũ.

Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên

Cơ hội mới…

Đã ở Việt Nam hơn 10 năm nay, nhưng có lẽ chưa bao giờ ông Hong Sun – một doanh nhân người Hàn Quốc lại cảm thấy hào hứng và tự tin với công việc kinh doanh như hiện nay. Là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cty Hermes & Sun Development & Construction Company, đồng thời cũng là chủ một chuỗi cửa hàng ăn Hàn Quốc tại Hà Nội, ông Hong cho biết công việc kinh doanh tại Việt Nam hiện đang rất tốt và triển vọng cho năm mới 2016 sẽ còn tốt hơn nữa.

“FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc ký kết năm ngoái hiện đã có hiệu lực, chắc chắn quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ tăng lên đáng kể trong năm mới, và cũng sẽ có nhiều DN Hàn Quốc tìm đến Việt Nam để đầu tư hơn so với trước” – ông Hong nói. Ông Hong, người hiện cũng đang là Tổng thư ký của Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam đang là điểm đầu tư ưa thích của đa số các DN Hàn Quốc, vượt qua cả các quốc gia khác như Trung Quốc hay Thái Lan.

Vị doanh nhân đã từng có kinh nghiệm lâu năm ở Việt Nam này chia sẻ, thực tế môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thuận lợi hơn rất nhiều so với 10 năm trước, và năm 2016 thậm chí còn thuận lợi hơn nhiều so với năm 2015 do nhiều FTA mà Việt Nam mới ký kết đã đi vào hiện thực. “Kinh tế Việt Nam đã mở cửa hơn trước rất nhiều” – ông Hong nói.

Mở cửa rộng hơn và cơ hội kinh doanh nhiều hơn, đó là cảm nhận chung của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016. Thực tế thì không chỉ có các DN Hàn Quốc đang là những người háo hức đổ dồn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài từ những khu vực ít đầu tư vào Việt Nam xưa kia như Mỹ và Châu Âu cũng được dự đoán sẽ chảy vào nhiều hơn trong năm con khỉ sắp tới.

“Việt Nam rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và với Mỹ. Năm nay, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%, đạt 45 tỷ USD, và có thể kỳ vọng đạt 80 tỷ USD vào năm 2020 nếu khuynh hướng này được duy trì, có thể cao hơn khi có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” – bà Sherry Boger, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa kỳ ( AmCharm) tại Việt Nam nói.

Hơn thế nữa, bà cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Thị phần của Việt Nam hiện chiếm 22%, và có thể vượt 30% trước năm 2020, nếu xu hướng hiện tại được tiếp tục.

TPP, như bà Sherry nói, được coi là một FTA hình mẫu mới của thế kỷ 21 và đang thu hút rất nhiều sự chú ý của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì 12 nước thành viên sáng lập. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định TPP chính là chìa khóa để họ thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam, hay nói một cách khác là TPP đã đẩy cánh cửa vào nền kinh tế Việt Nam mở rộng ra hết cỡ. Nhận định đó không hề sai, bởi theo cam kết trong TPP, Việt Nam phải mở cửa cho các Cty nước ngoài tham gia vào các dự án mua sắm công mà từ trước đến nay thường chỉ dành cho các Cty trong nước. Hay như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn với rất nhiều hàng hóa, cùng với đó cam kết về mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư cũng vượt xa những gì mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO.

“Hiện tại, doanh số của các công ty hội viên AmCham và các đối tác tại thị trường nội địa tiếp tục tăng trưởng, cũng như số lượng công ty AmCham đã và đang tăng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI vào Việt Nam” – bà Sherry nói.

Không chỉ có TPP, sự hình thành của AEC cũng là động lực thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Nhưng dù sao, AEC cũng là một quá trình đã được các nước ASEAN thực hiện từ lâu. Một điểm mới của nền kinh tế Việt Nam được nhiều nhà đầu tư mong đợi sẽ tạo thêm những cơ hội mới đó là FTA ký kết với EU. “Chúng tôi tin tưởng rằng các vòng đàm phán, bắt đầu vào năm 2012, đã đưa đến một thỏa thuận toàn diện, đảm bảo cân bằng lợi ích đôi bên. Khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, kết quả ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam có thể tăng hơn 15% và giá trị xuất khẩu sang EU có thể tăng gần 35%” – ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, nói.

Giống như TPP, Việt Nam – EU FTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến từ Châu Âu thâm nhập vào thị trường dịch vụ và nhận được sự bảo hộ đầu tư. Có thể nhìn thấy một số dấu hiệu từ các dự án đầu tư mới của DN đến từ các nước EU tại Việt Nam. Điển hình như Auchan – hãng bán lẻ lớn thứ 2 của Pháp – mới đây đã tuyên bố sẽ mở khoảng 15 chuỗi cửa hàng tại TP HCM. Và nổi bật nhất là hãng sản xuất máy bay Airbus thậm chí còn cho biết kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam.

Mở cửa rộng hơn và cơ hội kinh doanh nhiều hơn là cảm nhận chung của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Và mong muốn cũ

Triển vọng sáng sủa là vậy, nhưng không phải là không có những băn khoăn, lo lắng. Điều đáng nói là những lo lắng đó dường như không có gì mới so với trước. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan ngại việc liệu Việt Nam có thể thay đổi nhanh để thích ứng được với nhu cầu phát triển của quá trình hội nhập sâu rộng hơn hay không.

Ông Hong chia sẻ, là người đã kinh doanh tại Việt Nam lâu năm, chứng kiến nhiều sự thay đổi về chính sách và pháp luật, nhưng ông vẫn thấy tốc độ cải cách ở Việt Nam chậm hơn so với yêu cầu rất nhiều. Với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài, ông mong sẽ nhìn thấy sự thay đổi đáng kể trong quá trình cải cách kinh tế, thủ tục hành chính và cả pháp luật của Việt Nam, để môi trường kinh doanh thuận tiện hơn.

Một rào cản lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài mà đã tồn tại từ rất lâu, nhưng vẫn được ông Tomaso nhấn mạnh lại như là một thách thức trong năm 2016, đó là chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Điểm đáng chú ý mà ông Tomaso nhắc đến là hiện thực hóa quy định về mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) đã được Chính phủ ban hành lại đầu năm nay. Theo ông Tomasso, mặc dù Nghị định PPP mới tạo nền tảng cho một bước tiến pháp lý quan trọng, nhưng bản thân Nghị định sẽ không tự chuyển thành một loạt các dự án cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư tư nhân thành công.

“EuroCham muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp sâu rộng hơn giữa các cơ quan Chính phủ có liên quan, cũng như sự cần thiết phải có các quy định hướng dẫn thực hiện chi tiết, sâu sát hơn nữa, bao gồm các quy định liên quan đến việc phân bổ và quy trình sử dụng quỹ bù đắp tài chính đối với các dự án khả thi và thành công” – ông nói. Còn đối với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, theo bà Sherry, mối lo ngại nằm ở chất lượng nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Đây thực ra cũng là mối lo ngại của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đầu tư vào Việt Nam. Dù nền kinh tế có mở cửa rộng tới đâu, và cơ hội có nhiều tới đâu đi chăng nữa, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải băn khoăn nếu như không thể tuyển đủ nguồn lao động có tay nghề cao tại Việt Nam.

“Giáo dục cho sinh viên tốt nghiệp có khả năng sẵn sàng làm việc là điều cần thiết nếu Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp có thu nhập trung bình vào năm 2020” – bà Sherry nói.

Thực tế các Cty Mỹ, dẫn đầu là Intel, cách đây vài năm đã buộc phải hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo lập ra trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật, hay còn gọi là HEEAP, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tại kỹ sư tại Việt Nam. Tuy nhiên, một chương trình hỗ trợ sẽ chỉ như muối bỏ bể, điều cần thiết mà các nhà đầu tư mong muốn nhìn thấy ở đây là sự thay đổi về chất lượng của cả hệ thống giáo dục.

Ngọc Linh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ky-vong-cua-dn-fdi.html