Ký thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may Việt Nam

(baodautu.vn) Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may Việt Nam giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Công đoàn Dệt may Việt Nam vừa được diễn ra sáng nay, 26 tháng 4 năm 2010 tại Hà Nội.

Tham gia lễ ký thỏa ước lao động tập thể là đại diện lãnh đạo của 69 doanh nghiệp trong ngành dệt may với trên 90.000 lao động. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Việt Nam cho biết, thỏa ước lao động tập thể lao động ngành dệt may đáng lẽ phải thực hiện từ lâu nhưng do nhiều nguyên nhân đã không triển khai được. Chỉ đến thời gian gần đây khi quan hệ lao động đã trở nên phức tạp, rất nhiều cuộc đình công và ngừng việc tập thể liên tiếp xảy ra thì yêu cầu xây dựng thỏa ước lao động tập thể mới trở nên bức thiết. Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, năm 2006, ngành dệt may xảy ra 387 cuộc đình công, năm 2007 đã tăng lên 541 cuộc và đỉnh điểm năm 2008 là 773 cuộc. Tỷ lệ biến động lao động cao, dao động từ 25 – 40% đã làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư, sức cạnh tranh…của ngành dệt may. Chính vì vậy, thỏa ước lao động tập thể ngành được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận thống nhất giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua các nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể như chế độ tiền lương, thu nhập bình quân, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, bình đẳng giới, tranh chấp lao động… Theo đó, nội dung thỏa ước quy định đối với người lao động là công nhân, nếu làm việc đủ theo thời gian làm việc tiêu chuẩn (đủ 12 tháng và đủ thời gian tiêu chuẩn trong tháng) và đảm bảo định mức lao động và chất lượng thì người sử dụng lao động đảm bảo mức thu nhập bình quân/năm, gồm tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, không kể tiền ăn ca và bảo hiểm) ít nhất là 1,7 triệu đồng/tháng đối với vùng 1, 1,6 triệu đồng/tháng đối với vùng 2, 1,5 triệu đồng/tháng đối với vùng 3 và 1,3 triệu đồng/tháng đối với vùng 1. Hàng năm, mức thu nhập này sẽ được điều chỉnh căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh và chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố. Đặc biệt, trong thời gian áp dụng, nếu người sử dụng lao động thực hiện đúng các nội dung của thỏa ước thì tập thể người lao động không tự ý tổ chức đình công về những nội dung đã được thỏa thuận. Trường hợp người lao động đình công không đúng trình tự của pháp luật thì ngay sau khi đình công, Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải cử đại diện để đàm phán với người sử dụng lao động. Về trách nhiệm của hai bên ký kết, khi có tranh chấp dẫn đến đình công thì Vitas và Công đoàn dệt may Việt Nam phải cử đại diện phối hợp cùng với doanh nghiệp và các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietthuongmai/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/thuongmai/thitruonghanghoa/3ae08f917f000001014c268166646b4f