"Ký sinh" bên dòng sông Mẹ

Lần cuối cùng ngoại tôi sang sông, để rồi bỏ sông luôn dễ đã một phần tư thế kỷ. Đó là một buổi chiều không nắng cũng không mưa.

Sông gắn theo chiều dài cuộc đời của ngoại là con sông Cái Nha Trang. Ngoại từ phù sa sang định cư bên này sông, và sang sông lần đầu lúc nào chắc chẳng còn ai nhớ. Hôm đưa tiễn ngoại sang sông lần cuối, lúc lên bờ, tôi và thằng em con đầu của cậu Tám phải khiêng ngoại, đi từ bến cho đến nơi yên nghỉ, bằng cây đòn tre dài. Vì đường trắc trở, xe máy kéo còn chạy không lọt. Ngoại nhẹ tênh ngày về, nên hai đứa cháu không phải đổi vai.

Lần đầu ngoại sang sông

Hồi đó vùng đất ngoại định cư – Ngọc Hội – chắc là đất hoang. Ông bà ngoại dọn đất và chừa một khoảng trống cất nhà, chung quanh trồng dừa. Mé sông trồng tre chống xói mòn, vì Ngọc Hội là bên lở. Dầu vậy, ông bà vẫn tiếp tục làm ruộng bên kia sông.

Cửa sông Cái Nha Trang.

Tôi sinh ra và được rửa tội ở nhà thờ giáo xứ Chợ Mới, nằm cách con sông một đỗi đàng. Lớn lên cỡ lớp ba, lớp tư, cả nhà từ Sài Gòn dọn về định cư ở Đồng Đế. Lúc đó tôi mới biết quê ngoại có một con sông. Lâu lâu, nhớ cháu, ngoại thường đi bộ từ nhà xuống Đồng Đế. Cặp theo mấy quả ổi sẻ chín thơm lừng cho cháu. Nhà ngoại ở gần lắm cây cầu sắt xe lửa nối hai bờ sông Cái. Mỗi lần ngoại muốn đi, bà nhờ con cháu bơi ghe đưa bà từ bờ bên này đi xéo đến bờ bên kia chỗ chân cầu sắt. Bà lên cái bến nhỏ ở đó. Rồi men theo đường xe lửa đi về hướng bắc. Đến nhà thương phung núi Sạn, có một con đường đất để đi tới Đồng Đế. Tôi cũng thường được phép đi bộ với bà từ Đồng Đế về Ngọc Hội. Tới chân cầu sắt, chỉ một tiếng hú của bà, bên bờ kia có người bơi ghe ra đón hai bà cháu. Ngồi trên ghe sang sông lúc ấy thật thấy khoan khoái làm sao.

Tre ngoại trồng cứu ngoại

Những chắt chiu của bà suốt một đoạn đời dài mới xây nên được căn nhà ngói. Rồi một trận lũ mấy năm sau khi cất nhà đã xoáy vào bên trong bụi tre, xoáy luôn vào cái móng cao trên một thước của ngôi nhà. Làm sập nửa căn với một cái hố sâu lớn. Lúc đó nước cuốn ngoại ra khỏi nhà. Nhưng bụi tre đã giữ người lại. Ngoại bám vào một thân tre chịu trận. Cho đến khi cậu Tám tôi liều mạng bơi ghe vượt dòng lũ, cứu ngoại vào.

Dòng sông ấy mỗi năm có một mùa lũ. Sông có độ cao trung bình 548m, độ dốc trung bình 22,8%. Môđun dòng chảy mùa lũ là 240 l/s.km2, gấp 10 – 13 lần mùa cạn. Mùa lũ tuy cực nhưng lại là một mùa vui. Nào là tìm thế sông để vớt củi. Củi trên nguồn trôi xuống nhiều lắm. Mỗi mùa củi vớt và củi dừa trong vườn nhà ngoại đủ để xài quanh năm. Tối tối, thời tôi còn học đại học cộng đồng Duyên Hải, tôi cùng một người em con cậu Mười khiêng ghe lưới ngược dòng sông lên một đỗi xa. Rồi từ đó, mới lên ghe thả xuôi dòng xeo xéo sang đến bờ đập Phù Sa. Ở đó lại khiêng ghe thả xuống bên kia đập và theo con kênh đó bơi vào trong ruộng. Nước ngập ruộng mênh mông. Nhưng ngập không sâu. Từ đó hai anh em thả lưới bắt cá. Cá chốt, cá trê ban đêm nhiều. Thỉnh thoảng cá trầu. Hừng sáng, cá rô nhiều. Những bữa cơm trộn bắp ăn với cá đồng vào ngày mưasao mà ngon.

Dòng sông ấy mỗi năm cất đi ba bốn linh hồn. Do chìm đò. Hoặc do nôn nóng đi học, bọn trẻ thấy nước cạn lội sang sông rồi hụt chân. Mỗi lần có người chết đuối, cậu Tám thường lùa hết những ai có mặt ở nhà và hàng xóm ra sông cùng nắm tay nhau lặn xuống để vớt kẻ xấu số lên. Tôi có mặt một hai lần trong những chuyến ấy. Và thường chỉ có mình cậu Tám tìm thấy xác nhiều lần nhất. Vậy mà, khi cùng vợ và đứa con gái sang sông, chẳng may lật ghe, cậu chỉ kịp cứu đứa con gái. Và người vợ cùng chung số phận với vợ nhà thơ Hữu Loan.

Dòng sông ấy cũng phụ giúp gia đình cậu Mười mười mấy miệng ăn quanh năm. Nhờ con cá, con cua cậu và đứa con trai lớn của cậu lưới được. Dòng sông ấy mùa cạn, ngoại và dì và mợ và mấy đứa cháu gái thường bơi ghe xuống những bãi cát gần cầu Hà Ra sàng bắt giắt – một loại nhuyễn thể hai mảnh nhỏ. Về nấu lá me. Nhẩn nha ăn thay cơm độn bắp. Rồi còn bắt ốc gạo – con ốc bé bằng viên bi đùm xe đạp. Thời gian rảnh nhiều nên, các bà có thể ngồi cả buổi lể những con ốc bé xíu hấp sả ớt, chấm mắm gừng. Mùa cạn, mấy ông nhậu còn ra những bãi cát lòng sông cào lịch. Hôm nào lịch nhiều thì bữa nhậu kéo đến khuya...

Khi nào ghe hư, cần tre là các cậu bơi ghe lên nguồn. Tôi chưa theo lên nguồn bao giờ. Nhưng tôi độ chừng cao lắm là các cậu lên đến thác Đồng Trăng. Ở đó họ chặt tre, bè về xuôi để đan ghe...

Việt Nam có cả thảy bảy con sông Cái. Người Thái thường gọi là sông Mẹ.

1. Sông Cái – tên cổ của sông Hồng.

2. Sông Cái Quảng Nam, tên gọi đoạn trung lưu của sông Vu Gia, trong cùng hệ thống với sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam,bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Lào, nối với sông Thu Bồnở huyện Đại Lộc.

3. Sông Cái Quy Nhơn ở tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn, đoạn trung lưu là sông Hà Giao, đoạn thượng lưu là sôngĐắc Cron Bung.

4. Sông Cái Ninh Hòa (sông Dinh Khánh Hòa), tỉnh Khánh Hòa.

5. Sông Cái Nha Trang ở tỉnh Khánh Hòa, qua thành phố Nha Trang, rồi đổ ra vịnh Nha Trang.

6. Sông Cái Phan Rang ở tỉnh Ninh Thuận, qua thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, rồi đổ ra vịnh Phan Rang.

7. Sông Cái Phan Thiết (sông Quao), bắt nguồn từ tỉnh Lâm Đồng, chảy trong huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, rồi đổ ra vịnh Phan Thiết.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/que-nha/ky-sinh-ben-dong-song-me-659457.html