Mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh: Tương đồng và khác biệt

Mức sinh cao hay thấp (đẻ nhiều hay ít) tác động đến quy mô dân số còn tỷ số giới tính khi sinh cao hay thấp ảnh hưởng đến cơ cấu dân số theo giới tính.

Để giảm mức sinh, nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, chúng ta không thể chỉ dừng ở việc tuyên truyền; Song song với đó là phải cung cấp đủ các phương tiện tránh thai như: Đặt vòng, dùng bao cao su hay viên uống, thuốc cấy, thuốc tiêm cho đối tượng. Ảnh: Dương Ngọc.

Sinh đẻ là hành vi vừa mang tính bản năng, vừa mang tính xã hội của con người nhằm duy trì nòi giống, phát triển xã hội. Người ta thường tính số con trung bình của phụ nữ và gọi đó là mức sinh. Thí dụ, mức sinh của TP Hồ Chí Minh năm 2009 là 1,45 con/phụ nữ, còn ở Kon Tum là 3,45. Để xem số con trai và con gái sinh ra trong năm có “cân bằng” hay không, người ta thường tính số con trai tương ứng với 100 con gái. Đó chính là Tỷ số giới tính khi sinh. Mức sinh cao hay thấp (đẻ nhiều hay ít) tác động đến quy mô dân số còn tỷ số giới tính khi sinh cao hay thấp ảnh hưởng đến cơ cấu dân số theo giới tính. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu này có những điểm tương đồng và khác biệt rõ nét.

Cao hay thấp quá đều không tốt

Mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh quá cao hay quá thấp đều dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững.

Nếu ở đâu cũng sinh con trai nhiều hơn con gái thì đương nhiên sẽ có một số lượng lớn đàn ông không vợ, không gia đình, không con. Đó là những kiểu sinh đẻ dẫn đến sự phát triển không có tương lai. Ngược lại, nếu ai cũng sinh quá ít (1 con chẳng hạn) và tỷ số giới tính khi sinh quá thấp (dưới 100) cũng sẽ xảy ra những hậu quả nặng nề không kém cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Mức sinh hợp lý và tỷ số giới tính khi sinh cân bằng tự nhiên đều là mục tiêu của Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011-2020. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020, số con trung bình của một cặp vợ chồng khoảng 1,8 con và tỷ số giới tính khi sinh” giảm, trở lại mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025.

Hiện ở Việt Nam, xu hướng vận động của mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh đang trái chiều nhau. Mức sinh giảm liên tục, từ cao xuống thấp. Ngược lại tỷ số giới tính khi sinh tăng từ cân bằng tự nhiên lên mức cao, nhiều tỉnh ở mức rất cao. Giai đoạn 1965-1969, bình quân mỗi phụ nữ hết tuổi sinh đẻ có gần 7 con. Năm 2011, chỉ còn 1,9. Trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh lại tăng từ 105 năm 1989 lên 111 năm 2011.

Qui luật chặt chẽ

Quan sát theo chiều dọc lịch sử, chúng ta thấy một thực tế: Kinh tế nước ta càng phát triển thì mức sinh càng thấp. Cắt ngang từng năm qua các cuộc điều tra mức sống dân cư Việt Nam từ năm 1992 đến 2010 cũng thấy quy luật thật chặt chẽ: Gia đình càng khá giả, càng đẻ ít con.

Nhưng đối với tỷ số giới tính khi sinh, tình hình lại trái ngược. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, các nhóm dân cư càng khá giả, tỷ số này lại càng cao. Chẳng hạn, thành thị (110,6) cao hơn nông thôn (110,5), thành thị Đông Nam Bộ (111,8) cao hơn khu vực nông thôn Tây Nguyên (105,1) và nhóm dân số giàu nhất (112,9) trong khi đó nhóm nghèo nhất chỉ có 105,2.

Ở Việt Nam, có thể nói, bất kỳ cuộc điều tra DS-KHHGĐ cũng cho thấy: Học vấn càng cao mức sinh càng thấp. Chẳng hạn, theo cuộc Điều tra Dân số giữa kỳ năm 1994, ở độ tuổi 25 trở lên, phụ nữ chưa đi học có số con đã sinh trung bình nhiều gấp hơn hai lần nhóm phụ nữ có trình độ Trung học phổ thông trở lên. Đối với tỷ số giới tính khi sinh thì ngược lại. Theo Tổng điều tra Dân số 2009, tỷ số này tăng dần từ nhóm người mẹ có trình độ Tiểu học (107,1) đến nhóm bà mẹ có trình độ Cao đẳng trở lên (113,9). Nếu như mục tiêu giảm sinh có sự hỗ trợ của tiến bộ kinh tế - xã hội, thì qua các khác biệt trên, dường như không có sự hỗ trợ như vậy đối với mục tiêu giảm tỷ số giới tính khi sinh. Điều này cũng có nghĩa giảm sinh cần tập trung vào vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Còn để giảm tỷ số giới tính khi sinh lại cần chú ý ở vùng đô thị, vùng phát triển.

Sự so sánh trên đây cho thấy những khó khăn, phức tạp trên con đường đi tới cân bằng tự nhiên tỷ số giới tính khi sinh.

“Con đàn cháu đống” hay đơn thân?

Cộng đồng Quốc tế đang nỗ lực đạt hai chỉ tiêu:
- Giảm 3/4 tỷ suất tử vong mẹ, từ 1990 đến 2015.
- Đến 2015, đạt được tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản.

Mức sinh cao dẫn đến việc xuất hiện nhiều gia đình quy mô lớn, “con đàn, cháu đống”; Nhưng nếu tỷ số giới tính khi sinh cao lại xuất hiện nhiều cảnh đơn thân. Năm 1979, mức sinh cả nước còn cao nên quy mô hộ gia đình lớn, nhiều thế hệ, trung bình khoảng 5-6 người/hộ. Thậm chí, tỉnh Sơn La bình quân 6,8 người/hộ và Lai Châu: 6,5 người/hộ.

Ngược lại, nếu tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay thì theo dự báo lạc quan nhất: Sẽ có hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ phải chịu đựng cuộc sống độc thân, đơn côi suốt đời. Hậu quả về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, an sinh xã hội… chắc chắn sẽ rất nặng nề. Có một thực tế, hiện này hàng trăm triệu lao động trên thế giới không làm việc ở nước mình. Tuyệt đại bộ phận trong số họ xuất thân từ những nước có mức sinh cao. Việt Nam cũng đã phải xuất khẩu hàng triệu lao động. Nhiều nước có tình trạng tỷ số giới tính khi sinh cao đã phải “nhập khẩu” cô dâu. Theo thống kê từ năm 1998 đến 31/12/2010, Bộ Tư pháp đã chấp nhận và làm thủ tục cho 294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhiều nhất là với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan – những quốc gia và vùng lãnh thổ có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vào bậc nhất thế giới. Đây cũng là điều cảnh báo cho Việt Nam trong tương lai.

Sự lên ngôi của nữ giới

Khi đất nước còn nghèo, các gia đình đông con, lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo “trọng nam, khinh nữ”, cha mẹ sẽ ưu tiên cho con trai cả về dinh dưỡng và giáo dục. Trẻ em gái thường suy dinh dưỡng và sớm bỏ học hơn con trai. Ngày nay, khi kinh tế khá giả, cha mẹ lại ít con nên trẻ em gái được chăm sóc và giáo dục như trẻ em trai, thậm chí trẻ em gái đi học nhiều hơn, địa vị phụ nữ đã và sẽ được cải thiện đáng kể. Do nam nhiều hơn nữ nên cơ hội lựa chọn trong hôn nhân của nữ lại nhiều hơn nam. Rõ ràng phụ nữ đang và sẽ lên ngôi!

Nhìn vào số con của cặp vợ chồng, có thể biết ngay gia đình có thực hiện “chính sách hai con” hay không? Tức là mức sinh cao có thể nhận biết, giám sát ngay ở phạm vi từng gia đình. Theo quy luật tự nhiên, có những cặp vợ chồng sinh toàn gái, lại có cặp sinh toàn trai và có cặp sinh được cả gái, cả trai. Cần chấp nhận sự mất cân đối này trong khoảng 50% gia đình Việt Nam. Cũng theo quy luật của tạo hóa, cân đối giới tính được thực hiện trong phạm vi cộng đồng lớn, chẳng hạn từ cấp tỉnh trở lên và tình trạng cân bằng hay không cũng chỉ có thể được phát hiện khi tổng hợp số liệu từ toàn bộ cộng đồng. Rõ ràng, sự mất cân bằng giới tính khi sinh khó nhận biết hơn, khó giám sát hơn tình trạng mức sinh cao. Sự khác biệt này cho thấy việc quản lý và vận động để đạt mục tiêu cân bằng giới tính khi sinh còn khó khăn hơn nhiều.

Để giảm mức sinh, nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, chúng ta không thể chỉ dừng ở việc tuyên truyền; Song song với đó là phải cung cấp đủ các phương tiện tránh thai như: Đặt vòng, dùng bao cao su hay viên uống, thuốc cấy, thuốc tiêm… cho đối tượng.

Hiện nay, khoảng 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam đang sử dụng phương tiện tránh thai. Nhưng để giảm tỷ số giới tính khi sinh, để tỷ số này trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên rất cần sự truyền thông nâng cao hiểu biết, thái độ ủng hộ bình đẳng giới để các cặp vợ chồng không dùng bất cứ phương tiện, phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi nào. So sánh việc giảm sinh và giảm tỷ số giới tính khi sinh để thấy rõ những tương đồng và khác biệt của hai quá trình này cả trên các phương diện: Xu hướng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp...

Việt Nam đã kiên trì và đẩy mạnh Chương trình KHHGĐ trong suốt 45 năm để đạt được mục tiêu giảm sinh và đang đề ra mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh cao hiện nay về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025, tức là chỉ sau 15 năm vận động, can thiệp.Đây là một mục tiêu đầy gian nan, thách thức cần sự nỗ lực hết mình của mọi ban, ngành, tổ chức…

GS. TS Nguyễn Đình Cử

(Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Đại học Kinh tế Quốc dân)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120709100934138p1054c1055/muc-sinh-va-ty-so-gioi-tinh-khi-sinh-tuong-dong-va-khac-biet.htm