Kỷ niệm “Ngày Biên phòng toàn dân” 3-3: Giữ bình yên biên ải

Đến đồn biên phòng Cốc Pàng (Đồn Biên phòng 155), tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vào những ngày đầu tiên của năm Canh Dần, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự bình yên của vùng biên ải này. Xung quanh khu vực đóng quân của đồn, những cây rừng đầy chồi nẩy lộc cùng với những bông hoa khoe sắc tạo nên một khung cảnh hữu tình.

Dẫn chúng tôi đi thăm đồn, thiếu tá Hoàng Văn Phụng, chính trị viên đồn Cốc Pàng tâm sự: Thời điểm này, một số cán bộ, chiến sỹ của đồn còn đang tranh thủ nghỉ phép Tết về thăm gia đình, số còn lại phải làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn đồn quản lý. Đồn biên phòng Cốc Pàng phụ trách địa bàn 2 xã biên giới Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc và Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm với nhiệm vụ quản lý trên 23 km đường biên giới với 70 cột mốc, trong đó có 47 mốc chính và 23 mốc phụ. Hiện tổng số dân của 2 xã là gần 7.500 người gồm 5 dân tộc : Tày, Nùng, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô sống đan xen tại 34 thôn, bản trong đó có 8 thôn, bản biên giới. Do địa bàn rộng lớn, đường đi lại hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ dân đói nghèo còn cao, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Cốc Pàng rất nặng nề. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cốc Pàng thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường biên, mốc giới. Đặc biệt, công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được đồn xác định là nhiệm vụ cơ bản và thường xuyên được quan tâm. Đơn vị thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ biên giới, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực tăng gia sản xuất. Đồn phối hợp với Hội nông dân và Phòng nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi ... cho trên 4.500 lượt người, phối hợp với ngành y tế tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 3.000 lượt người... Bên cạnh nhiệm vụ giữ vững đường biên, mốc giới, Đồn biên phòng Cốc Pàng còn tích cực giúp đỡ địa phương củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, củng cố hoạt động của các tổ chức đoàn thể cơ sở. Đồn đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương bầu bổ sung đầy đủ các chức danh của xã, củng cố kiện toàn 13 trưởng thôn, 21 tổ an ninh nhân dân, 34 tổ hòa giải, xóa 6 xóm “trắng” đảng viên... Đơn vị còn chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Kết quả đã xây dựng được 14 nhà Đại đoàn kết, trong đó có 6 nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, một nhà văn hóa cộng đồng trị giá trên 60 triệu đồng, 2 nhà cho người nghèo cô đơn không nơi nương tựa, vận động cán bộ, chiến sỹ và nhân dân mở trên 300 đường giao thông thôn, bản vào bản Cà Mèng, tu sửa trên 7,5 km đường liên thôn, bản. Đặc biệt, những mô hình thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... do cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cốc Pàng hỗ trợ xây dựng đã trở thành những mô hình điểm để giúp đồng bào học tập và áp dụng theo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình nhất là mô hình phát triển đàn dê tại bản Chè Lỳ A và Chè Lỳ B thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm với ban đầu chỉ có 20 hộ đến nay đã có thêm 14 hộ nữa cùng tham gia đã nâng tổng số đàn dê lên gần 100 con. Nhờ làm tốt công tác vận động, đồng bào đã chủ động cung cấp cho bộ đội biên phòng những nguồn tin có giá trị, giúp đồn quản lý chặt chẽ địa bàn, góp phần đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án buôn bán phụ nữ, buôn bán và vận chuyển trái phép ma túy... Không chỉ vậy, bà con đã không ngại khó khăn, vất vả, tích cực tham gia phát quang, tu sửa đường tuần tra bảo vệ biên giới, góp phần cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cốc Pàng giữ vững một vùng biên cương./. Lưu Thanh Tuấn TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/230/233/104619/Default.aspx