Kỹ năng mềm trong học sinh - sinh viên: Không thể học đại trà

Kỹ năng mềm cho sinh viên không thể dạy, học đại trà, mà thiếu đâu, học đấy. Cũng không phải hễ cứ học là có kỹ năng sống- TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định. Theo ông, kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng sống nhưng có phạm vi rộng hơn, nó giúp những học sinh, sinh viên tự tin, có bản lĩnh trước cuộc sống, có được định hướng tương lai và là chìa khóa sự thành đạt.

Trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên

phải được cụ thể bằng sự trải nghiệm và cọ sát thực tế

Kỹ năng mềm không thể dạy như một bộ môn

Vì sao trong thời gian qua liên tục xảy ra những vụ học sinh tự tử? Những trường hợp đó, không phải bị bạo lực thúc ép đến đường cùng, mà đơn giản chỉ vì buồn bực, mất lòng tin vào cuộc sống. Rõ ràng, những em đó thiếu kỹ năng sống, hay còn gọi là kỹ năng mềm. TS Nguyễn Tùng Lâm, người nghiên cứu và triển khai sớm kỹ năng mềm (tức kỹ năng sống) áp dụng cho học sinh-sinh viên cách đây gần 10 năm, đưa ra lập luận.

Kỹ năng sống hiện nay đang được dư luận đề cập và quan tâm nhiều hơn trước. Đối tượng cần được áp dụng kỹ năng sống chính là lớp trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Sau hàng loạt vụ tự tử thương tâm người ta mới giật mình nhận ra, giới trẻ bị thả nổi theo vòng xoáy cuộc sống một cách khá tự do, thiếu sự quan tâm của người lớn, các em không được trang bị một bản lĩnh, nhận thức, kỹ năng sống đầy đủ, nên đã kết thúc cuộc sống một cách sai lầm.

Nhưng khi sự chú trọng, quan tâm kỹ năng sống cho giới trẻ được đẩy lên một cách khẩn thiết, thì lại xuất hiện hàng loạt những trung tâm, lớp học dạy kỹ năng sống được dạy một cách tràn lan. Từ đó, các bậc phụ huynh đôi khi ngộ nhận một quan niệm khá sai lầm là đưa con cái đi học gấp các lớp dạy "kỹ năng sống”, lớp huấn luyện về sự "thành đạt” ngắn ngày, đồng nghĩa với việc con em mình sẽ ngay lập tức được trang bị kỹ năng sống một cách thấu đáo.

Ông Lâm nhấn mạnh, kỹ năng mềm hay kỹ năng sống vốn là sự thẩm thấu và trải nghiệm. Không thể học đại trà, dạy đại trà, không thể giảng như một bộ môn. Kỹ năng này, thiếu thì phải tự tìm, phải có sự định hướng, tự trang bị, chứ không thể học hết lớp này đến lớp khác thì sẽ "thành tài”. Vì thế, quan niệm cứ học qua lớp kỹ năng sống là có ngay kỹ năng sống là hết sức sai lầm. Mặt khác, người dạy cũng phải được trang bị kiến thức sống một cách đầy đủ, phải qua trải nghiệm thực tế, phải biết quan sát học trò thiếu gì để đưa ra những định hướng, truyền thụ bổ ích, sáng tạo.

Thiếu kỹ năng mềm sẽ khó thành đạt

Khuyến cáo của UNESCO đã đưa ra 4 trụ cột học tập của thế kỷ 21 là "Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người”. Trào lưu này đã phát triển rộng trên thế giới trong những năm gần đây, chú trọng vào phát huy năng lực mỗi cá nhân, khẳng định mình trong xã hội bằng sự định hướng trước tương lai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, yếu tố hướng nghiệp của học sinh, sinh viên lại quá yếu, phần lớn là thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng sống dẫn đến mất tự tin, không tự vạch trước một lộ trình nghề nghiệp cho tương lai. Theo bà Hà Thị Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-sinh viên (Bộ GD&ĐT), yếu tố thiếu kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay được thể hiện khá rõ ở khâu định hướng việc làm. Thống kê của Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm là do thiếu các yếu tố kỹ năng thực hành xã hội, 83% bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu kỹ năng sống.

Điều đó khẳng định một thực trạng, học sinh thiếu kỹ năng sống sẽ dẫn đến lệch lạc thái quá trong suy nghĩ, hành động, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực, đáng tiếc; sinh viên thiếu kỹ năng mềm sẽ khó thành công trong cuộc sống, không định hướng mục tiêu tương lai sẽ khó thành đạt. Mặt khác, kiến thức nhà trường vẫn chỉ đơn thuần là lý thuyết, nặng về số liệu, học sinh học xong rất dễ quên, hoặc xa rời thực tế. Nhận định về vấn đề này, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, muốn có kỹ năng sống tốt thì phải trang bị cho người đó một cách liên tục ngay từ khi họ còn là đứa trẻ. Điều đó gắn trách nhiệm lớn đối với các bậc phụ huynh, nhà trường và một phần vai trò xã hội. Bởi vậy, những khóa học tràn lan hiện nay với tên gọi chung là "kỹ năng sống” kéo dài 1-2 tuần thực chất không thể trang bị cho ai đó cái gọi là kỹ năng ngay được. Đôi khi, sự không chuẩn mực từ cách học ấy, lại dễ gây ra phản ứng ngược.

Kỹ năng mềm được định nghĩa là kỹ năng quan trọng trong cuộc sống của con người như kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng tâm lý, sáng tạo đổi mới…Với đối tượng học sinh-sinh viên, kỹ năng này được hiểu là bản lĩnh nhận thức cá nhân trước xã hội, kỹ năng định hướng tương lai, hành trang vào đời để vươn tới thành công.

Hoàng Anh Thắng

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=49426&menu=1423&style=1