Kỷ lục Truyện về Người

Từ thuở cắp sách tới trường, được học những bài thơ, bài lịch sử và nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ, chàng trai Nguyễn Hồng Quân cảm thấy say mê, muốn được tìm hiểu về Người nhiều hơn nữa. Một thời gian sau, sau khi đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, Quân chợt nghĩ sao không thử viết về cuộc đời và sự nghiệp của Bác dưới hình thức thơ ca giống như thế?!

Đau đáu sáng tác thơ về Bác

Ý tưởng và tình yêu đối với Bác trong Quân cứ lớn dần lên theo ngày tháng. Năm 2000, khi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Phú Thọ, Nguyễn Hồng Quân có thêm thời gian và cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc với những tài liệu về con người, cuộc đời Bác. Quân biết rằng viết về Người rất khó, phải chính xác đến từng chữ, từng dấu mốc lịch sử. Do đó, cứ có thời gian rảnh, anh lại dạo khắp các thư viện, tìm tới các hiệu sách để tổng hợp thật nhiều tư liệu về Bác.

Nguyễn Hồng Quân tâm sự: “Càng tìm hiểu về Bác, tôi càng thấy sao thật mênh mông. Mọi thứ Bác đều giỏi, đều đặc biệt khiến tôi càng nể phục. Bác tuyệt vời là thế nhưng chưa có thật nhiều tác phẩm viết về Người một cách đầy đủ nhất, điều này càng tăng thêm quyết tâm thực hiện ý định của tôi. Khó khăn nhất trong quá trình viết là tìm được các tư liệu chính xác nói về khoảng thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài. Ngoài sách giáo khoa, tôi phải mày mò tìm hiểu tư liệu từ sách của các nước khác rồi nhờ bạn bè dịch giúp. Mỗi dấu mốc liên quan tới Bác, tôi còn đối chiếu với nhiều tư liệu khác nhau nhằm bảo đảm tính chính xác”.

Suốt thời sinh viên, Nguyễn Hồng Quân đã viết khoảng 2.000 câu dưới dạng kể chuyện bằng thơ theo thể thơ hiện đại. Năm 2005, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Quân về nhận công tác tại Trường THCS Trần Bình Trọng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), dạy môn mỹ thuật. Lúc này, anh lại nghĩ: Tại sao không tìm một dạng thơ mang đậm dấu ấn của người Việt Nam để viết về Bác? Và rồi, Quân viết lại từ đầu bằng thể thơ lục bát. Do không chuyên về thơ ca, thầy giáo này đã vừa tìm hiểu về niêm luật thơ lục bát vừa sáng tác...

Thầy giáo Nguyễn Hồng Quân và tác phẩm Truyện về Người

Sâu nặng ân tình

Ít ai biết để làm nên tác phẩm Truyện về Người với 13.519 câu, mỗi câu đều chất chứa bao ân tình sâu nặng của một con dân nước Việt tôn kính dành cho Bác, do điều kiện tài chính chưa cho phép, thầy giáo Nguyễn Hồng Quân đã phải miệt mài viết tay từng câu thơ.

“Để mua được một cái máy tính, phải mất mấy tháng lương nên nghĩ đi nghĩ lại, tôi chọn viết tay cho tiết kiệm. Ban đầu, tôi viết nháp rồi chép lại thành từng tập, đánh dấu thứ tự từng trang, từng câu. Thú thật, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên việc tôi làm thơ không được mọi người ủng hộ mấy, chỉ muốn tôi tập trung giảng dạy thật tốt. Do đó, để không ảnh hưởng đến gia đình, tôi thường tranh thủ những lúc trống tiết thì nhờ máy tính của cô văn thư trong trường gõ lại thành từng file (tập tin) hoặc tự mình mày mò ngồi gõ” - thầy Quân thổ lộ.

Truyện về Người của thầy giáo Nguyễn Hồng Quân vừa được trao Kỷ lục Việt Nam dưới dạng “Truyện thơ dài nhất viết về Bác Hồ bằng thể thơ lục bát” (13.519 câu)

Với cái tên đầy giản dị Truyện về Người, tác phẩm gồm 5 chương được sắp xếp hợp lý theo cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc sinh ra, tuổi thơ rong ruổi theo cha mẹ đi học ở Huế, bôn ba tìm đường cứu nước khắp năm châu, về nước xây dựng tổ chức, thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam, đánh thắng thực dân xâm lược và những ngày cuối đời của Bác. Là tác phẩm của một giáo viên dạy mỹ thuật, không giỏi chuyên môn về thơ, chưa bàn về giá trị nghệ thuật nhưng chắc chắn Truyện về Người sẽ giúp người đọc tìm thấy những điều thú vị và qua đó càng tôn kính, khâm phục vị cha già của dân tộc hơn. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời Bác song cũng đan xen các đoạn thơ viết về những chiến tích hào hùng của dân tộc, chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử.

Sự giản dị, chân chất, mộc mạc, các câu thơ gieo xuống tự nhiên, dễ hiểu đó là điểm nổi bật trong tác phẩm Truyện về Người. Xin trích:

Tất Thành thì nghĩ khác xa:

Nếu mà dạy chữ khó mà thành công!

Muốn thay tình thế núi sông,

Tìm con đường khác nên lòng không yên.

Tất Thành nói với cha hiền:

Lòng con luôn có một niềm khát khao.

Tìm ra một cách thức nào,

Toàn dân cùng đứng phong trào thành công.

Cha rằng: Có được hay không?

Giờ đây con muốn, cha không cản đường.

Thế rồi từ biệt mái trường,

Chia tay đồng nghiệp người thương yêu mình.

...

Có những đoạn thơ khi đọc lên chúng ta không kìm được nước mắt, như đoạn Bác khóc lúc mẹ mất, khi ấy Bác mới lên 10:

Bà rằng: Mẹ muốn lúc này,

Mẹ thèm ăn chút cháo cay cuối đường.

Vị cay chút Huế thân thương,

Cháo thơm gạo nếp mùi hương quê nhà.

...

Mẹ ơi! Con đã về rồi,

Cháo đây còn nóng, mẹ ngồi dậy ăn!

...

Thầy Phan Vĩnh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bình Trọng, nhận xét: “Là một giáo viên dạy mỹ thuật, thầy Nguyễn Hồng Quân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong suốt thời gian dạy ở trường, tôi có nghe thầy Quân đang sáng tác thơ về Bác Hồ nhưng khi tác phẩm được đóng thành tập, tôi cũng rất ngỡ ngàng. Truyện về Người của thầy Quân không bóng bẩy, uyên bác mà mộc mạc, nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Tác phẩm được xác lập Kỷ lục Việt Nam là thành quả xứng đáng cho sự quyết tâm, nỗ lực của thầy Quân suốt một thời gian dài”.

Hiện tác phẩm Truyện về Người của thầy Nguyễn Hồng Quân đã được NXB Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép xuất bản nhưng tác giả phải chờ đủ kinh phí mới in ấn. Vừa qua, thầy Quân chỉ in vài chục cuốn để phục vụ các khâu thẩm định, đăng ký bản quyền...

13.519 câu lục bát, mỗi câu đều chất chứa ân tình sâu nặng dành cho Bác Hồ kính yêu.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ky-luc-truyen-ve-nguoi-20160203132452625.htm