Kỳ lạ chuyện về loài chuột nặng khoảng 50kg ở Nam Mỹ

(PL&XH)-Mới đây một con chuột Nam Mỹ nặng khoảng 50kg được phát hiện gần nhà máy xử lý nước thải ở bang California. Đây là lần thứ 3 trong 3 năm qua người dân nơi đây được "mục sở thị" loài động vật gặm nhấm thuộc dạng "hàng khủng" này.

Nhiều nghi vấn xung quanh sự việc trên đã được đặt ra như, tại sao giống chuột khổng lồ này lại có mặt ở bang California? Loài vật này có thực sự nguy hiểm đối với con người như kích cỡ và hình thù của nó hay không? Loài vật thân thiện Con chuột lang này to như con lợn, nặng ít nhất 45kg. Một nhân viên của nhà máy xử lý nước thải đã chụp được ảnh con vật khi nó bò ra khỏi một cái ao và nhanh chóng biến mất trong bụi cây. Theo ông Todd Tognazzini đang công tác ở Sở Cá và Thú hoang bang California cho biết con chuột bị "phát hiện" này thuộc loài chuột lang Nam Mỹ khổng lồ có tên gọi là Capybara, chúng thường sinh sống ở khu vực từ Panama tới đông bắc Argentina, đông dãy Andes. Một con Capybara có thể lặn dưới nước trong vài phút và loài này thường sống gần nước trong suốt cuộc đời dài 4 năm của nó. Loại chuột lang khổng lồ Capybara này có thể đạt kích cỡ tới 1m chiều dài và răng nó liên tục phát triển trong suốt cuộc đời. Có thế nói rằng sự xuất hiện của con chuột lang khổng lồ lần này không hề mới, bởi trước đó khoảng hai năm nhiều người cũng đã trông thấy ít nhất từ một đến hai con vật tương tự tại một trang trại cách đấy khoảng 2km. Thậm chí, con vật này đã nhanh chóng trở thành "ngôi sao" mới nổi ở bờ biển phía tây nước Mỹ khi thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận và một tài khoản Twitter đã được lập riêng cho nó để mọi người có thể thảo luận. Trong phần mô tả thông tin về con chuột khổng lồ này có một dòng rất hài hước: "Tới Mỹ để du lịch nhưng bị mất hộ chiếu. Ai có thể giúp con Capybara về nhà?". Chuột khổng lồ Capybara Cũng theo ông Todd Tognazzini, những vụ Capybara xuất hiện trong những khu vực dân cư gần đây không phải là hiện tượng loài động vật to lớn này chán cảnh sông, suối ngoài tự nhiên, muốn chuyển về thành thị sinh sống, mà có thể đây chính là những con vật nuôi bị sổng chuồng. Ông cũng cho biết thêm, loài vật này chỉ ăn thực vật và không hề gây nguy hiểm đến tính mạng con người. "Trên Internet đầy hình ảnh về một số người đang gãi lên bụng con chuột và nghĩ rằng chúng thật đáng yêu, họ coi chúng như vật nuôi. Nếu bạn nghĩ một con chuột lang khổng lồ thật đáng yêu thì có lẽ bạn sẽ thích nó". Tại California, Mỹ, muốn nuôi chuột lang khổng lồ Capybara phải có giấy phép đặc biệt, song vẫn có một số người nuôi nó một cách trái phép. "Để nuôi những con vật như vậy ở bang California, bạn phải có giấy phép đặc biệt. Người nuôi cũng nên cho chúng đeo vòng cổ có ghi tên", ông Tognazzini nói thêm. Những con chuột "nhà" Giờ đây, có lẽ câu so sánh "bé như chuột" không còn đúng, bởi trên thế giới, giống chuột lang khổng lồ đang không ngừng phát triển. Con trưởng thành thậm chí to chẳng kém gì một chú ngựa con hay một chú cừu. Ở khu vực Nam Mỹ, trong những khu rừng rậm nhiệt đới, một loài động vật có vú, họ hàng với giống chuột lang, tên khoa học là Hydrochoerus Hydrochaeris đang không ngừng phát triển về cá thể. Người ta gọi chúng là chuột lang nước vì chúng giống chuột lang và sống cả ở trên cạn lẫn dưới nước. Nhìn vẻ bề ngoài, chúng không khác những con chuột thường là mấy song lại to lớn hơn gấp nhiều lần. Một con Capybaras khi ở vào độ tuổi trưởng thành có thể cao tới 61cm, dài 130cm và nặng khoảng 65kg (bằng một con cừu). Thậm chí có con nặng đến 105,4 kg (con nặng nhất từng được tìm thấy). Chân của chúng có màng, thân mình không có đuôi, thông thường Capybara có khoảng 20 cái răng. Chân sau thường dài hơn chân trước một chút. Tai mọc ở trên đầu và con cái thường nặng hơn con đực. Có thể khẳng định, hiện nay, Capybara là loài gặm nhấm có kích thước lớn nhất trên thế giới. Loài vật lưỡng cư này có thể được bắt gặp tại nơi nào có nước như: hồ, sông, đầm lầy, ao, vùng xavan ngập nước, hay tại những con sông dài trong rừng nhiệt đới, thức ăn của chúng chủ yếu là cỏ và các loài thủy sinh. Trong môi trường hoang dã, Capybara sống thành đàn khoảng từ 10 đến 30 con. Capybara bơi rất giỏi và khi cần, chúng có thể lặn dưới nước từ 5 tới 7 phút. Mặc dù trông to lớn nhưng Capybara rất dịu dàng, hiền lành, chúng thoải mái để con người tiếp xúc và cho ăn. Có lẽ vì cái vẻ thân thiện đó nên Capybara đã được con người nuôi như một loại vật cảnh trong gia đình. Capybara có phải hậu duệ của loài gặm nhấm khổng lồ thời tiền sử Theo các nhà khoa học, các loài gặm nhấm xuất hiện cách đây khoảng 40 đến 50 triệu năm. Cho đến nay, chúng là nhóm thú có vú đa dạng nhất với hơn 2.000 loài, chiếm 40% tổng số loài động vật có vú. Nam Mỹ làm cho giới khoa học tò mò bởi vùng đất này đã bị cô lập hàng chục triệu năm trước khi xuất hiện một "cây cầu đất" nối nó với Trung và Bắc Mỹ cách đây chừng 3 triệu năm. Hệ động thực vật tại đây phát triển trong điều kiện biệt lập với phần còn lại của thế giới. Mặc dù, gần đây, giới cổ sinh học đã có nhiều phát hiện gây ngạc nhiên tại các quốc gia chẳng hạn như Argentina song rìa phía bắc của Nam Mỹ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ do có rừng che phủ. Vẫn biết lục địa Nam Mỹ từng là nơi cư trú của nhiều loài gặm nhấm có trọng lượng hơn 100kg, nhưng các nhà khoa học vẫn vô cùng sửng sốt khi phát hiện hóa thạch của một loài gặm nhấm khổng lồ, trông giống như chuột lang tại Mỹ, Venezuela và một số quốc gia khu vực Nam Mỹ. Nó nặng khoảng 700kg, có kích cỡ ngang bằng một con trâu và sống trong đám lau sậy của một hệ thống sông cổ đổ vào biển Caribbe cách đây 8 triệu năm. Nhóm chuyên gia này, gồm các nhà khoa học Mỹ, Đức và Venezuela cho rằng, loài sinh vật này có lẽ đã sinh sống theo những nhóm lớn. Nó lớn gấp 10 lần loài gặm nhấm đồ sộ nhất hiện nay (loài Capybara). Có bằng chứng cho thấy, loài gặm nhấm khổng lồ trên cũng phải lẩn tránh sự chú ý không ngừng của những con cá sấu siêu lớn và các loài chim ăn thịt. Hóa thạch được phát hiện trong đá phiến sét màu nâu và vỉa than ở thành phố Urumaco, cách Caracas 400km về phía tây. Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài gặm nhấm này là Phoberomys pattersoni, theo tên của Giáo sư Brian Patterson, một nhà cổ sinh học tiên phong, người đã làm việc trong vùng này vào những năm 1970. Tiến sĩ Marcelo Sanchez Villagra, thuộc Đại học Tubingen, Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Urumaco là nơi sinh sống của những sinh vật khổng lồ cách đây khoảng 8 triệu năm". Con rùa lớn nhất thế giới, dài 3m, được tìm thấy tại đây. Mọi người cũng nhìn thấy những con cá sấu lớn nhất, dài 10m và có nhiều loài cá chưa được mô tả dài tới 3m. Chuột khổng lồ nằm ngoan ngoãn trong lòng chủ nhân Phoberomys pattersoni có lẽ dài khoảng 3m và cao trên 1,3m. Những chiếc răng dài của chúng liên tục phát triển, giúp loài động vật này nghiền cỏ biển mọc trong những phá nước lợ cũng như lạch nhỏ. Răng cửa dài chừng 20cm từ chân tới đỉnh, nằm trong hộp sọ có kích cỡ lớn gấp 2 lần hộp sọ của Capybara. Theo Tiến sĩ Sanchez-Villagra, Phoberomys pattersoni có lẽ vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước, giống như Capybara. Do dành nhiều thời gian dưới nước nên mắt của chúng ở vị trí cao hơn so với chuột. Hàm cũng sâu hơn và rất nhọn. Từ những nghiên cứu và nhận định của các nhà khoa học, nhiều giả thuyết đã cho rằng Phoberomys pattersoni có lẽ là họ hàng xa với loài chuột lang ngày nay (tên khoa học là Cavia porcella) hay chính xác hơn là có họ với Capybara. Tuy nhiên, chuột lang không có chiếc đuôi lớn như họ hàng cổ xưa của chúng. Giới khoa học tin rằng một hệ thống sông lớn gồm có sông Paleo, Oronoco, Amazon đã chảy qua khu vực Urumaco, mang nước từ vùng phía trong của Nam Mỹ ra đại dương. Các hóa thạch được tìm thấy ở Urumaco đã ủng hộ giả thuyết này. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học tại đây đã gây rắc rối cho loài gặm nhấm khồng lồ này. Theo Giáo sư Neill Alexander, các loài động vật khác chẳng hạn như mèo có túi, kích cỡ bằng một con sử tử, cá sấu và chim ăn thịt, có lẽ đã góp phần vào sự tuyệt chủng của Phoberomys pattersoni. Do có kích thước quá đồ sộ nên chúng di chuyển chậm chạp và không thể chạy vào hang để lẩn trốn kẻ thù. Với những hóa thạch của Phoberomys pattersoni, các nhà khoa học tin tưởng sẽ có tác động lớn tới hiểu biết của con người về sự tiến hóa ở Nam Mỹ. Thái Yên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110821095149671p1003c1035/ky-la-chuyen-ve-loai-chuot-nang-khoang-50kg-o-nam-my.htm