Ký hợp đồng gián tiếp: Có được hưởng bảo hiểm y tế?

Văn phòng Tư vấn pháp luật báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của các bạn đọc. Các luật sư phối hợp với Văn phòng Tư vấn pháp luật báo Lao Động sẽ lần lượt trả lời các bạn đọc.

Bạn đọc ở số 9056615XX hỏi: Tôi có con đi làm ở một trung tâm tại Đà Nẵng. Trung tâm có nhiều nhân viên... Cháu đi làm tiền lương được tính theo giờ nhưng không có BHYT, không được tham gia BHXH... Vậy một trung tâm ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ) gián tiếp (đi dạy) thì NLĐ có được trung tâm trợ cấp thẻ BHYT và BHXH không?

Luật sư Hà Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, và cộng sự trả lời:

- Căn cứ khoản 1, Điều 12 Luật BHYT năm 2008 thì một trong những đối tượng phải tham gia BHYT là: NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; NLĐ là người quản lý DN hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là NLĐ).

Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 13 Luật BHYT năm 2008 thì trách nhiệm đóng BHYT thuộc về cả người sử dụng lao động và NLĐ, trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 và NLĐ đóng 1/3.

Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 2, Luật BHXH năm 2006 thì người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Căn cứ vào điều 88, 91, 92 Luật BHXH năm 2006 thì cả NLĐ và người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ đóng BHXH.

Như vậy, nếu con bà là NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì con bà là đối tượng tham gia BHYT và BHXH và nghĩa vụ đóng bảo hiểm sẽ thực hiện theo các quy định trên.

´ Bạn đọc tên Nhật gửi từ Zalo: Cho em hỏi nghỉ việc khi mang thai ở tháng thứ 4 có hưởng BHXH không?

Luật sư Hà Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, và cộng sự trả lời:

- Căn cứ theo quy định tại Điều 28, Luật BHXH năm 2006 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản gồm:

Thứ nhất, NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi; NLĐ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

Thứ hai, lao động nữ sinh con và NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Từ những quy định trên, chị vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu chị đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng liên tục trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Nam Dương (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/co-duoc-huong-bao-hiem-y-te-395039.bld