Kỷ cương hành chính phải bắt đầu từ những việc cụ thể

(HNM) - Năm 2013 được UBND thành phố Hà Nội xác định là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xử lý nghiêm các trường hợp sách nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ; tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân…

Là một trong những đơn vị triển khai sớm và nghiêm túc "Năm kỷ cương hành chính", huyện Phúc Thọ coi các nội dung của kế hoạch chính là giải pháp đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ - công chức, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ - ông Ngọ Duy Hiểu đã có cuộc trao đổi với Báo Hànôịmới về những vấn đề này.

Ông Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Bình Yên

Kỷ cương hành chính là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển

- Ngay sau Tết Nguyên đán, trong những ngày đầu của năm mới Quý Tỵ 2013, khi mà không ít cán bộ công chức ở nơi này, nơi khác còn đang đi chúc tụng, lễ chùa thì Huyện ủy Phúc Thọ đã tổ chức Hội nghị triển khai Năm kỷ cương hành chính. Lý do để tổ chức hội nghị này ngay từ những ngày đầu năm, thưa ông?

- Chúng tôi cho rằng chọn vấn đề quan trọng (Năm kỷ cương hành chính) tổ chức triển khai, quán triệt vào thời điểm đó là rất phù hợp, mặc dù trên thực tế UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo ngay sau khi Chỉ thị của UBND thành phố ra đời. Thời điểm sau Tết, kỷ cương hành chính rất hay bị buông lỏng, một bộ phận cán bộ, công chức lơ là thi hành công vụ, ảnh hưởng tới công việc chung… Sau một thời gian thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”, chúng tôi nhận thấy đã có một số chuyển biến tích cực, song còn một số cán bộ lãnh đạo cơ sở và các phòng, ngành chưa nhận thức đầy đủ; một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, chậm đổi mới lề lối, tác phong, còn gây khó dễ cho tổ chức, công dân. Điều này cũng đã được BTV Huyện ủy làm rõ khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm để có những biện pháp sửa chữa và khắc phục. Việc xác định chủ đề năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay.

- Với một huyện thuần nông như Phúc Thọ, liệu việc xây dựng kỷ cương hành chính đã là cấp thiết đối với địa phương?

- Kỷ cương hành chính cần cho bất kỳ chủ thể hành chính nào. Nếu một huyện chưa phát triển nhanh, mạnh như Phúc Thọ mà có kỷ cương hành chính tốt chắc chắn sẽ là động lực để đưa huyện phát triển, mặt khác sẽ xây dựng được môi trường và thói quen hành chính tốt cho tương lai. Tại những nước phát triển, kỷ cương hành chính được xác định là rường cột, là đòn bẩy để thúc đẩy sự vận động đi lên của xã hội. Không có nước nào phát triển mà kỷ cương lại kém. Chúng ta đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó, sản xuất nông nghiệp cũng phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Và muốn như vậy thì việc đầu tiên là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có tác phong công nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao và kỷ luật nghiêm.

- Chúng ta đang bàn về vấn đề xây dựng kỷ cương hành chính, việc đề cập tới tác phong công nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức có phù hợp?

- Có thể thấy chủ thể trong việc thực hiện kỷ cương hành chính chính là con người, là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những vấn đề trong triển khai kế hoạch “Năm kỷ cương hành chính” chính là xây dựng tác phong, lề lối làm việc; là tư duy, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, thực hiện kỷ cương hành chính có sự gắn bó chặt chẽ với xây dựng tác phong công nghiệp.

Kỷ cương hành chính phải thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi

- Huyện Phúc Thọ sẽ siết chặt kỷ cương hành chính bằng những biện pháp nào, thưa ông?

- Trong năm nay, huyện chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cả 5 nội dung của cải cách hành chính sẽ được triển khai thực hiện đồng bộ. Cùng với siết lại kỷ cương, kỷ luật làm việc tại các phòng, ban, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục những tồn tại trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” từ năm 2012. Đặc biệt, huyện chỉ đạo 15 xã, thị trấn sử dụng hiệu quả phần mềm giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” đã được trang bị; đồng thời trang bị phần mềm giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của 8 xã còn lại. Huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đề cao sự gương mẫu của lãnh đạo tất cả các cơ quan, mà trước hết là người đứng đầu.

- Có lẽ đây không phải là những việc mới bởi bình thường chúng ta vẫn phải thực hiện những “gạch đầu dòng” đó. Tuy nhiên có thể thấy rằng, thời gian qua, không riêng ở Phúc Thọ mà nhìn chung trong toàn thành phố, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn?

- Theo tôi, xây dựng kỷ cương hành chính phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, thậm chí là những việc rất nhỏ. Ví dụ như có nơi triệu tập một hội nghị chẳng hạn, giấy mời đề rõ 8 giờ. Nhưng đúng giờ mới chỉ có khoảng nửa số đại biểu triệu tập, người đến muộn, người vắng mặt, người về sớm cũng không xin phép, báo cáo ai… Hay Chỉ thị 11 của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã ghi rõ không mời cưới trong giờ làm việc, nhưng vẫn có cán bộ khi cưới con vẫn mời trong giờ làm việc và vẫn có những công chức đi dự đám cưới trong giờ làm việc. Đó không phải là kỷ cương hành chính. Tôi cho rằng, kỷ cương hành chính có nghĩa nói đi đôi với làm, lấy sự gương mẫu của cán bộ để tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân. Kỷ cương phải thể hiện trong mọi lúc, mọi nơi.

- Thành phố đã có những chỉ đạo rất cụ thể, từ việc hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình làm việc cho tới cách thức tổ chức hội họp (giảm số lượng các cuộc họp, lồng ghép nhiều nội dung trong một cuộc họp có cùng thành phần dự họp; nội dung và thành phần dự họp phải thông báo trước 5 ngày, tài liệu phục vụ cuộc họp phải gửi trước ít nhất 3 ngày cho các đại biểu…), rồi phân công trách nhiệm cho từng phòng, ban, bộ phận; từng cán bộ, công chức, viên chức…

- Điều đó là rất cần thiết. Trong triển khai, chúng tôi đã thống nhất tập trung chỉ đạo việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như ở trụ sở cán bộ phải đeo thẻ công chức; các xã, thị trấn, phòng, ngành siết lại kỷ luật làm việc về thời gian, chế độ báo cáo; thực hiện nghiêm túc lịch tiếp dân, quy trình tiếp dân… Không thể tồn tại những cách làm việc tùy tiện, luộm thuộm.

- Để việc thực hiện kỷ cương hành chính có hiệu quả, một trong những biện pháp quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát. Huyện Phúc Thọ thực hiện vấn đề này ra sao?

- Ngay sau Tết, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành nền nếp, giờ giấc, thái độ phục vụ nhân dân tại các phòng, ban cơ quan huyện và các xã. Việc kiểm tra hoàn toàn bất ngờ, đột xuất, như vậy mới đánh giá đúng thực trạng, chứ nếu báo trước thì ắt sẽ có sự chuẩn bị, mọi thứ, mọi khâu đều tốt cả, đi xong xuôi tất cả lại về, không có hiệu quả.

- Với cương vị Bí thư Huyện ủy, ông thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra?

- Gần đây tuần nào tôi cũng bố trí lịch kiểm tra cơ sở. Ngay cả Văn phòng cũng chỉ được thông báo địa điểm, đối tượng, nội dung kiểm tra trước giờ xuất phát. Một vấn đề nữa tôi cũng cho rằng rất quan trọng, đó là việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là kiểm tra ngay từ khi bắt tay vào làm hoặc khi thấy tiến độ chậm, từ đó nhắc nhở, uốn nắn cán bộ và tập trung chỉ đạo giải quyết những bất cập. Nếu cuối kỳ mới kiểm tra, cơ sở nào còn những yếu kém thì cũng đã tồn tại trong cả thời gian dài mà chậm được sửa chữa, khắc phục.

Việc khó cũng có cách làm

- Như ông đã đề cập ở trên, chủ thể trong việc thực hiện kỷ cương hành chính chính là con người. Có ý kiến nhận xét, đội ngũ cán bộ của Phúc Thọ nhìn chung là rất tốt, tâm huyết, trách nhiệm, nhưng còn chưa quyết liệt và còn cứng nhắc. Quan điểm của ông về ý kiến này?

- Đúng là trong đội ngũ cán bộ của chúng tôi hiện nay trình độ chưa đồng đều, một số đồng chí chưa đạt chuẩn, một số ý thức, tác phong vẫn còn đơn giản, mang đậm tác phong nông nghiệp, chưa chủ động tiếp cận thông tin và thường xuyên đổi mới mình, chưa hình thành tác phong công nghiệp; sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành của một số đồng chí chưa thể hiện rõ, còn có biểu hiện ngại va chạm, né tránh, không dám đương đầu với những việc khó, phức tạp, còn đùn đẩy lên trên. Nhưng điều quý nhất là cán bộ Phúc Thọ đoàn kết, nhất trí, có trách nhiệm với công việc được giao. Những hạn chế trong cán bộ, sau kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

- Phải chăng đây là lý do dẫn đến việc Đoàn kiểm tra của Thành ủy từng đánh giá: Tiến độ xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa thời gian đầu của Phúc Thọ còn chậm so với các huyện trên địa bàn thành phố?

- Trong thời gian khá dài, một bộ phận cán bộ và nhân dân địa phương nhận thức đây là việc khó, bởi trước đó, khi còn ở tỉnh Hà Tây cũ, huyện đã hai lần triển khai dồn điền, đổi thửa nhưng chưa thực sự thành công. Do vậy, một số cán bộ, đảng viên và người dân ngại khó, chưa kể còn có cả việc tính toán thiệt hơn, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Những trở ngại này, cộng với sự chỉ đạo chưa sâu sát là nguyên nhân dẫn đến việc Phúc Thọ bị thành phố nhắc nhở vì tiến độ dồn điền, đổi thửa còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

- Với nhiều địa phương, việc dồn điền, đổi thửa cũng hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy và chính quyền cơ sở. Vậy Phúc Thọ đã thực hiện công tác này ra sao khi chỉ trong mấy tháng cuối năm đã hoàn thành kế hoạch của cả năm 2012?

- “Tự ái cách mạng” giúp Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện tăng quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo. Chỉ trong thời gian ngắn, Huyện ủy ban hành nghị quyết chuyên đề (tháng 6-2012), UBND cụ thể hóa bằng đề án, xây dựng kế hoạch triển khai (tháng 7 và tháng 9-2012), xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất đối với một huyện mà cơ bản người dân sống nhờ nông nghiệp như Phúc Thọ. Chúng tôi đã tổ chức một hội nghị triệu tập gần 600 bí thư chi bộ, cụm trưởng dân cư và lãnh đạo cơ sở cùng các ngành nhằm thống nhất về nhận thức, nội dung, biện pháp triển khai. Gia đình cán bộ cơ sở nào cũng có ruộng đất, nếu họ gương mẫu thực hiện thì có tác dụng rất lớn trong việc đả thông tư tưởng cho người dân. 11 tổ công tác được thành lập nhằm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở. Huyện đã tổ chức giao ban theo cụm, trực tiếp nắm tình hình tiến độ, đồng thời phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân…

- Đâu là nét mới của Phúc Thọ trong cách làm bước đầu có kết quả đó?

- Có nơi thường lựa chọn một số xã thực hiện điểm trong việc dồn điền, đổi thửa nhưng chúng tôi quyết định chỉ đạo toàn bộ các xã trên địa bàn đều lựa chọn ra các thôn để làm điểm, từ đó, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các thôn khác. Khi đó bà con sẽ thấy tận mắt hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa, vừa thuận lợi trong giao thông, tưới tiêu nội đồng, vừa dễ dàng triển khai cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất với quy mô lớn. Thực tế đó tự nó tạo ra sức thuyết phục người dân các thôn khác hưởng ứng và làm theo. Gần đây đi kiểm tra cơ sở, tôi thấy rất vui khi bà con của những thôn chưa tổ chức dồn điền, đổi thửa đã thắc mắc với lãnh đạo xã là vì sao thôn mình chưa dồn điền, đổi thửa. Cho đến hết năm 2012, toàn huyện đã dồn đổi được 556ha trong khi chỉ tiêu thành phố giao là 500ha (đạt trên 110% kế hoạch). Nhiều huyện trong thành phố khởi động cách đây 4 đến 5 năm nên đạt được kết quả cao hơn, nhưng với Phúc Thọ cơ bản mới khởi động từ tháng 6-2012 và tập trung chủ yếu vào mấy tháng cuối năm mà đạt được như vậy đã là một cố gắng lớn. Từ bình quân mỗi hộ dân có 5,8 thửa, sau chuyển đổi chỉ còn 1,59 thửa. Mặc dù ban đầu tiến độ triển khai là chậm, song với cách làm mới và quyết liệt của mình; chúng tôi tin tưởng thời gian tới công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn sẽ rất thuận lợi và hoàn thành trong năm 2013.

Cán bộ phải sâu sát công việc

- Chủ đề chúng ta trao đổi hôm nay là vấn đề kỷ cương hành chính. Do đó chúng tôi quan tâm tới việc Phúc Thọ đã rút ra được bài học gì đối với công tác cán bộ thông qua việc dồn điền, đổi thửa ở các xã trên địa bàn?

- Phải ghi nhận rằng, đây là sự đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự năng động, trách nhiệm, khẩn trương của đội ngũ cán bộ cơ sở. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết được những việc khó.

- Triển khai “Năm kỷ cương hành chính” chỉ đạo của thành phố cũng rất quan tâm tới việc phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, ngành; trách nhiệm của từng cá nhân; trách nhiệm của người đứng đầu... Như vậy vấn đề ở đây là cần có sự thay đổi về tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức?

- Trong một cuộc họp, tôi hỏi lãnh đạo một phòng chuyên môn rằng, có địa phương nào phản ánh gặp khó khăn trong dồn điền, đổi thửa thì nhận được câu trả lời “lác đác lắm Bí thư ạ”. Câu chuyện ban đầu là như vậy, từ đó huyện yêu cầu các phòng, ban phải chủ động liên hệ với các xã xem họ gặp khó khăn gì, trực tiếp trao đổi, kiểm tra để có biện pháp tháo gỡ. Điều đó cho thấy, cần hình thành trong đội ngũ cán bộ cấp huyện tư duy làm việc khoa học, rõ người, rõ việc, rõ nguyên nhân và rõ giải pháp xử lý, không thể chỉ nói “khó khăn” mà không biết khó khăn ở khâu nào, tại sao gặp khó khăn...

- Như vậy cán bộ phải sâu sát với công việc được giao. Đây là vấn đề không mới!

- Không mới nhưng vẫn luôn đúng. Cán bộ, công chức phải nhớ việc, nắm việc, hiểu việc và xử lý tốt công việc mình được giao như cơm ăn, áo mặc mỗi ngày. Cùng với đó là sự phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, tuân thủ nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ chính là yếu tố quyết định sự phát triển của bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào.

- Tuy nhiên, có thực tế là đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta hiện nay có nơi, có chỗ, có vị trí còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Nói cách khác là trình độ, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế trong khi lại có thừa… tâm huyết, sự nhiệt tình.

- “Nhân vô thập toàn”, con người ta dù ít dù nhiều đều có những phần chưa trọn vẹn. Quan trọng là mình phải biết được đâu là mặt mạnh, ưu điểm để phát huy; đâu là mặt yếu, khuyết điểm để khắc phục, tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân. Việc đánh giá, kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng là nhằm mục đích đó. Và với mỗi người, cuộc đời là sự phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường tự hoàn thiện bản thân, để đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội, như vậy những gì còn hạn chế, khuyết điểm sẽ được từng bước khắc phục.

- Cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-thoai/578710/ky-cuong-hanh-chinh-phai-bat-dau-tu-nhung-viec-cu-the-