Kỳ công tranh... trấu

Sau khi được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục: 'Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam' và bức tranh 'Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam', năm 2015, nghệ nhân Võ Văn Tạng (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang) lại cho ra đời dòng tranh làm bằng chất liệu mới rất độc đáo: tranh trấu.

Ông Tạng với tấm tranh trấu chủ đề rừng tràm ở An Giang - Ảnh: Thanh Dũng

Trấu (vỏ lúa) là một loại phế phẩm trong quá trình xay xát gạo. Có giai đoạn trấu bị đem đốt bỏ hoặc đổ đại xuống sông do ít người sử dụng. Nhìn cảnh ấy, ông Tạng chợt nghĩ: trấu tuy mỏng manh nhưng lại rất dai bền, không bị tan rã trong nước, dùng máy nghiền vẫn không nát hết… Ông Tạng quyết định thử dùng trấu làm chất liệu cho tranh. Tuy nhiên, nghiền trấu cho nát ra rất cực và tốn sức. Khi có được những hạt trấu mịn li ti như hạt cám rồi lại phải chọn lọc tiếp. Chọn xong đưa lên giấy vẽ đã phủ keo, sau đó ép lại cho giấy phẳng và cho hạt trấu bám đều vào giấy keo. Xong công đoạn này mới tới bước pha màu, rồi dùng bút lửa vẽ lên bột trấu để biến chúng thành những bức tranh có hồn. Ông nói, nghe đơn giản nhưng nghiên cứu làm tranh trấu cực hơn tranh lá thốt nốt, nếu không trì chí cầm chắc thất bại.

Tháng 11.2015, ông Tạng tung ra thị trường dòng tranh trấu (màu và trắng đen), được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Hiện nhiều khách hàng tại An Giang, TP.HCM, Cần Thơ… đã đặt ông làm hàng trăm bức tranh trấu, với đủ kích cỡ, cảnh vật… Theo ông Tạng, do bột trấu rất dễ pha màu nên làm tranh các chủ đề như rừng tràm, cảnh thôn quê, ngư dân chài cá… nhìn sống động hơn tranh làm bằng chất liệu khác. Hiện các bức tranh trấu được ông Tạng bán với giá từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng mỗi bức.

Thanh Dũng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/ky-cong-tranh-trau-664434.html