Kỳ bí tộc người vô danh, kiêu hãnh giữa đại ngàn Tây Bắc (kỳ 1)

(ĐVO) Xuyên qua những dải sương mờ của miền rừng Tây Bắc, chúng tôi ngược về sông Nậm Mu (Tân Uyên, Lai Châu), nơi cư trú của một dân tộc mà hàng thế kỳ nay khắc khoải đi tìm lại tên chính mình: dân tộc La Ha - một tộc người vô danh, kiêu hùng, giữa đại ngàn Tây Bắc.

Họ đa phần đã chuyển ra vùng tái định cư, nhưng chúng tôi vẫn tìm được những người La Ha cuối cùng. Theo lão cao niên Lò Văn Tom, người trải qua hơn một thế kỷ, gắn liền với các cuộc đại thiên di, khẳng định: “Tôi là người La Ha, tôi không biết sao họ lại gọi tôi là người Khơ Mú, chúng tôi có ngôn ngữ riêng, có tập tục riêng….”

Mập mờ những cái tên

Cùng với ông trưởng phòng dân tộc huyện, chúng tôi tìm vào bản Sài Lương. Xuyên qua các bản người Mông, người thái, chúng tôi được biết, tộc người này được dân nơi đây gọi là Xá, theo nghĩa tiếng Thái là hôi hoặc thối. Còn ông Đỉnh, Trưởng phòng dân tộc huyện lại khẳng định, họ là Khơ Mú. Nhưng khi chúng tôi đến bản Sài Lương mới biết, người dân nơi đây đều khẳng định họ là người La Ha.

Hầu hếtngười La Hả đã về khu tái định cư, nhưng trong lòng họ vẫn không nguôi ngoái nhớ về cái tên tộc người mình.

“Đó là tên của tộc người chúng tôi. Khi tôi sinh ra đã ở đây rồi, còn tôi từ đâu đến thì không nhớ rõ lắm. Nhưng chắc chắn tôi không phải người Khơ Mú, do sống với họ lâu nên chúng tôi học ngôn ngữ và phong tục của họ thôi”, lão cao niên Lò Văn Nếch, một người dân bản cho hay.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người vùng Tây Bắc có câu nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc có nghĩa là Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc. Cái tên La Hả bắt nguồn từ một trong bốn cánh đồng lớn nhất nơi đây. Bởi trên cánh đồng Mường Than (Than Uyên (cũ), Lai Châu) có một bản gọi là Nà Sả, mà theo tiếng Thái nghĩa là: Cánh đồng của người La Ha.

Ảnh - Trưởng bản Hoàng Văn Bun khắc khoải đi tìm lại tên tộc người mình

Để khẳng định chắc chắn cội nguồn tộc người mình, ông Hoàng Văn Bun, Trưởng bản Sài Lương cùng một số lão cao niên chứng minh cho chúng tôi thấy thứ ngôn ngữ riêng của tộc người mình. Cầm quả ớt, chiếc lông gà ông Ban cười cho hay: “Nhanh lên cháy bản, chết người rồi! Đó là ngôn ngữ của chúng tôi, chỉ việc gấp gáp phải đi nhanh về nhanh…”.

Ngoài cho chúng tôi thấy thứ ngôn ngữ riêng của mình, nhiều lão cao niên còn trình diễn phương thức đan lát, săn bắt cá trên thuyền… Đặc biệt, sinh hoạt tâm linh của họ rất khác lạ. Vào tháng tháng 4 hằng năm, để thể hiện lòng tôn kính, họ giết một con lợn, mổ ngay tại bàn thờ, con cháu quây quần ăn uống cả ngày.

Chính quyền và những ý kiến trái chiều

Điều khá ngạc nhiên, khi tìm hiểu thông tin về người La Ha qua Ban dân tộc tỉnh Lai Châu, chúng tôi được bà Vương Thị Phương, Chuyên viên Ban dân tộc tỉnh Lai Châu, cho biết: “Chúng tôi khẳng định họ là người La Ha. Họ có ngôn ngữ riêng, tập tục tiêng, nhưng do trải qua quá nhiều cuộc di cư, nên họ gần như đánh mất ngôn ngữ, phong tục của mình. Bằng chứng là họ không thể giao tiếp được bằng tiếng dân tộc của mình. Những dấu vết còn sót lại chủ yếu là những ký tự được khắc trên tre lứa, lông gà. Còn về trang phục thì khó tìm ra những nét đặc trưng. Để trả lại cái tên La Ha cho họ, chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn tham mưu, đề nghị Viện dân tộc học tổ chức một cuộc điều tra kỹ ”.

Đến ngay trưởng bản Hoàng Văn Bun được cấp sổ họ khẩu với dân tộc là La Ha

Thế nhưng, khi chúng xuống huyện Tân Uyên, ông Tòng Văn Đỉnh, Trưởng phòng dân tộc huyện Tân Uyên (Lai Châu) lại khẳng định, đây là lần đầu tiên ông nghe thấy hai cái tên này, ngày trước chúng tôi thường gọi là Xá, được hiểu theo nghĩa là lán, lều gắn liền với thời du canh du cư là: “Xá vàng lá”. Đến năm 2001, thì đổi tên chính thức thành Khơ Mú, tiếng gọi theo tên người Thái. Và theo ông, họ không thích được gọi như vậy.

Tham khảo một số giấy tờ liên quan đến quản lý hành chính, chúng tôi mới ngớ người, phần lớn đều được ghi là người Khơ Mú, nhưng trên sổ hộ khẩu của ông Hoàng Văn Bun, Trưởng bản Sài Lương và nhiều hộ khác lại ghi là dân tộc La Ha. Rồi đến một số chứng minh thư của các lão cao niên lại ghi là dân tộc Xá.

Cùng tộc người, nhưng nhiều giấy tờ hành chính nhập nhằng những cái tên dân tộc.

Giải thích về vẫn đề, ông Nguyễn Thanh Văn, Phó chủ tịch huyện Tân Uyên cho biết: “Chúng tôi tiến hành làm hộ khẩu cho dân xã Tà Mít từ năm 2006, nhưng năm 2008 vẫn chưa xong. Nhiều người dân trong các bản cho rằng nó không cần thiết, nên lơ là. Cuối cùng, chúng tôi giao cho các trưởng bản đi vận động, nên việc ghi trong sổ có những chỗ khác nhau là thế”.

Chia sẻ với niềm mong ước của người dân La Ha, bà Vương Thị Phương, Chuyên viên Ban dân tộc tỉnh Lai Châu, cho hay: “Tôi khẳng định họ là người La Ha. Còn để công nhận một dân tộc thì cần phải có một nghiên cứu sâu, chứ không đơn thuần chỉ thích là được”.

Bà Vương Thị Phương, Chuyên viên Ban dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định, họ là người La Hả và đã nhiều lần cố công văn đề nghị xác minh trả lại cái tên cho họ.

“Nếu nguyện vọng của họ là chính đánh, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để phối hợp cùng với UBND tỉnh, Viện Dân tộc học tìm lại cái tên cho họ”, ông Nguyễn Thanh Văn cho biết thêm.

Khi chưa chính thức được công nhận tên dân tộc mình, hiện những người La Ha vẫn là người Khơ Mú nhưng giao tiếp với nguời Khơ Mú lại không biết tiếng Khơ Mú.

GS.TS Trần Trí Dõi, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH & NV- ĐHQGHN) cho biết:

Việc phát hiện ra một dân tộc là rất tốt, tuy nhiên để xác định những người La Hả đó có phải là một dân tộc hay không, thì cần phải có một nghiên cứu chi tiết. Tôi xin đưa ra một vài ví dụ, nhiều người lầm tưởng đó là một dân tộc, như người Bahi ở Quảng Trị. Họ chỉ là một nhóm người thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, ngôn ngữ họ sự dụng cõ khác và lạ, nhưng nó chỉ là phương ngữ trong ngôn ngữ của tộc người đó”

Cũng theo ông, để xác định một dân tộc cần phải đánh giá theo 4 tiêu chí:

Thứ nhất, phải có những chuyên gia nghiên cứu sâu về ngôn ngữ riêng của họ.

Thứ hai, phải nghiên cứu đây có phải là một cộng đồng kinh tế riêng biệt hay không, bởi mỗi dân tộc có một đặc thù sinh hoạt kinh tế rất riêng biệt.

Thứ ba, phải tổng hợp, nghiên cứu để đưa ra bằng chứng họ có sắc thái văn hóa riêng.

Thứ 4, là một dân tộc họ phải có tính kết cấu về mặt địa lý.

Qua những thông tin do phóng viên cung cấp, ông chia sẻ: “Nếu đem 4 tiêu chí trên vào xác mình thì có thể đánh giá họ có những nét riêng thật, tuy nhiên, để chính thức công nhận thì phải có những cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để tránh nhầm lẫn đáng tiếc”.

(Còn nữa)

Đang đọc nhiều:

Thực hư tin đồn Đức Mẹ hiển linh ở nhà thờ Cần Thơ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Ky-bi-toc-nguoi-vo-danh-kieu-hanh-giua-dai-ngan-Tay-Bac-ky-1/20126/215899.datviet