Kỳ 3- Thanh Lan nổi tiếng cả 3 lĩnh vực : Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh

Ngoài lĩnh vực ca hát, Thanh Lan còn là một diễn viên kịch nói từ khi tuổi mới lớn, và đóng được cả vai bi lẫn vai hài. Năm 1973,Thanh Lan chỉ mới 18 tuổi, nhưng đã đóng vai chính trong nhiều vở kịch truyền hình của Ban kịch Vũ Đức Duy. Vai kịch đầu tiên Thanh Lan đóng là vai cô gái bị tâm thần trong vở “Những người không chịu chết” của Vũ Khắc Khoan, một kịch tác gia lớn của miền Nam thời đó.

Có thể bạn quan tâm

Với kịch nói, Thanh Lan đóng cả vai bi lẫn vai hài

Vở kịch này diễn trên sân khấu của rạp Thống Nhất đường Thống Nhất Q1 (nay là Lê Duẫn) và sân khấu của Viện Đại học Đà Lạt trước khi quay hình phát trên sóng màn ảnh nhỏ. Thanh Lan đã cùng diễn với các tên tuổi lớn như: Vũ Đức Duy, Nguyễn Lập Chí, Lê Cung Bắc. Trong vai cô gái tâm thần, Thanh Lan đã để lại ấn tượng sâu sắc khiến nhiều diễn viên kỳ cựu, có tên tuổi chú ý nhờ tài diễn xuất của mình.

Sau đó, ngoài những vai mang tính chất hài trên sân khấu Ban kịch Vũ Đức Duy, Thanh Lan đã thử sức với những vai bi như vở “Mắc lưới” của ban kịch Linh Sơn, rồi “Chiếc độc bình Khang Hy”, “Người viễn khách thứ mười”, “Chuyến xe dục vọng” tại sân khấu Hội việt Mỹ. Sau năm 1975, Thanh Lan vào vai Mỹ trong vở kịch ngắn của Đoàn ca nhạc Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, vở hài kịch “Đội lốt Việt Kiều” thu vào băng cassette với Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Túy Hoa, Duy Phương do Vafaco sản xuất.

Khi định cư ở nước ngoài, riêng lãnh vực sân khấu, Thanh Lan cũng từng thủ nhiều vai chính trong các vở kịch như: Lôi Vũ, Lồng đèn đỏ, Sân khấu về khuya, Lá sầu riêng, Phù Dung tự… được trình diễn trên các sân khấu: Orange Country, San Jose (California), Houston (Texas), Atlantic City (New Jersey). Không chỉ đóng kịch, Thanh Lan còn sáng tác kịch, cô đã viết ba vở kịch vui: “Công tử Bạc Liêu”, diễn với ca sĩ Ái Vân tại sân khấu vũ trường Ritz, Orange Country và Baton Rouge; “Chuyện vui ngày xuân” cùng diễn với Mai Lệ Huyền tại sân khấu vũ trường Majestic và tại San Jose; “Look Alike” cùng diễn với Mạnh Đình tại Majestic và tại Houston.

Khoảng cuối thập niên 90 khán giả Việt Nam sinh sống tại Bang Califonia đã rất yêu thích các vai kịch của Thanh Lan nên đã bầu cho Thanh Lan là nữ kịch sĩ xuất sắc nhất.

Từ ca nhạc rẽ ngang đóng phim, năm 1970 Thanh Lan đã nổi tiếng ngay trong phim “Tiếng hát học trò” mà cô thủ vai chính, và cũng nhờ vai diễn này, Thanh Lan đoạt giải nữ diễn viên nhiều triển vọng.

Nổi như cồn trên lãnh vực điện ảnh

Cuối năm 1974, vinh quang lại đến với Thanh Lan khi cô nhận giải thưởng “Tài tử đẹp nhất” do đạo diễn Lê Dân trao tặng được tổ chức tại khách sạn Continental. Sau đó tên tuổi Thanh Lan nổi như cồn trong lãnh vực điện ảnh, cô liên tục được mời tham gia đóng phim và Thanh Lan đã đóng liên tiếp 8 bộ phim nhựa, và 2 phim truyền hình, trong đó có phim “Number Ten Blue” của hãng phim Amino Nhật Bản mà Thanh Lan đóng vai nữ chính bên cạnh hai diễn viên nam chính người Nhật. Phim này nói 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật Bản và Thanh Lan đã nói tiếng Nhật trong phần đầu phim. Về sau tên phim được đổi lại là “Goodbye Sài Gòn”.

Lại một cơ may nữa đến với Thanh Lan trên lãnh vực điện ảnh vào năm 1984. Thời gian này Thúy An, diễn viên nữ chính trong bộ phim nhiều tập “Ván bài lật ngửa” bị… bể bầu nên không thể tiếp tục đóng vai Thùy Dung, mà tập 4 mang tên “Cơn hồng thủy và bản Tango số 3” lại là một phim rất căng với những pha hành động của Thùy Dung. Để không bị chậm trễ cho kế hoạch sản xuất phim của hãng phim Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành phải tìm chọn diễn viên nữ khác thay thế Thúy An.

Mới đầu đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời Phạm Thúy Lan, cô gái chơi đàn Cello tại nhà hàng Maxim đóng vai Thùy Dung, bởi năm 1982, Phạm Thúy Lan đã đóng vai nữ chính phim “Pho tượng” do Lê Dân đạo diễn nhưng lúc đó Phạm Thúy Lan lại bận đóng vai Trà My trong phim “Vụ án Hồ Con Rùa” nên không thể tham gia cùng lúc 2 phim. Cuối cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã mời Thanh Lan.

Mặc dù lúc này Thanh Lan bận đi hát túi bụi nhưng cô cũng nhận lời mời của đạo diễn Lê Hoàng Hoa và cô theo đoàn làm phim lên đường ra Huế nhập vai Thùy Dung cho những cảnh quay đầu tiên. Đóng xong tập 4, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và ê kíp thực hiện nhận thấy Thanh Lan rất phù hợp với vai Thùy Dung và Thanh Lan đã diễn xuất khá tốt trong vai này nên quyết định mời Thanh Lan đóng nốt những tập còn lại cho bộ phim “Vàn bài lật ngửa”. Thế là Thanh Lan đã quay trở lại với điện ảnh.

Sau bộ phim “Ván bài lật ngửa”, Thanh Lan tiếp tục cộng tác với đạo diễn Lê hoàng Hoa đóng tiếp một số phim khác như: “Cao nguyên F101”, “Đằng sau một số phận”, “Tình không biên giới”… Sau đó Thanh Lan đã được đạo diễn Xuân Thành mời vào vai Diệu Hương trong bộ phim “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc”. Với vai Diệu Hương, Thanh Lan đã khẳng định tên tuổi của cô với điện ảnh và phim “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc” chiếu rạp vào dịp Tết Nguyên đán năm 1987 đã mang lại doanh thu rất lớn, chỉ sau “ Cao áp và nước lũ” tập 7 của bộ phim “Ván bài lật ngửa” nên Thanh Lan lại được đạo diễn Lê Văn Duy mời tham gia phim “Ngoại Ô” và cô lại lên đường theo đoàn làm phim đi Hội An để thực hiện bộ phim này.

(còn tiếp)

Từ Kế Tường

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/ky-3-thanh-lan-noi-tieng-ca-3-lanh-vuc-am-nhac-san-khau-dien-anh-218341.html