Kỳ 2: Người Trung Quốc lưu vong sợ bị điệp viên sang bắt về nước

Người Trung Quốc lưu vong rất sợ bị điệp viên của chính quyền Trung Quốc sang tận nơi bắt về nước, theo báo Time.

Người HK phản đối việc TQ bị nghi bắt cóc chủ hiệu sách Lý Ba

Có thể bạn quan tâm

Cuối tháng 1.2015, giới truyền thông TQ đưa tin 857 “kẻ đào tẩu” bị đưa về nước xử tội tham nhũng. Chính vì vậy, nỗi sợ bị trao trả về nước ám ảnh rất ghê gớm trong cộng đồng người Trung Quốc lưu vong ở Thái Lan.

Anh hùng lao động cũng bỏ trốn

Khoảng hơn chục người Trung Quốc xin tị nạn ở Thái Lan nói trong vài tuần qua, họ bị “người lạ” bám theo, làm họ nhớ chuyện “công an chìm” mặc thường phục theo dõi họ ở quê nhà. Những người này nói họ đã quen cảnh giác việc ai đó xâm nhập vào email của họ.

Từng là một nhóm đoàn kết, vài trăm người tị nạn chính trị nay bị chia rẽ, sợ bị kẻ lạ thâm nhập để chuyển thông tin của họ về Bắc Kinh.

Một số người chống đối không cho những người lưu vong khác biết họ sống ở đâu tại Bangkok. Số khác thì tránh gặp những người TQ lạ tỏ ra thân thiện với họ, tiếp cận họ ở các trung tâm tiếp nhận người tị nạn (do các tổ chức phi chính phủ lập).

Bà Dư Yến Hoa đã theo đường bộ qua các nước láng giềng trước khi đến đất Thái, nói: “Tại TQ, tôi biết bị nguy hiểm nên tôi quyết ra đi, nhưng tôi chưa hề tưởng tượng việc tôi rất sợ khi ở Thái Lan”.

Bà Dư từng là một công nhân gương mẫu, được phong danh hiệu Anh hùng lao động, làm ở một công ty than quốc doanh TQ. Con rể của bà là giáo sư tại một đại học hạng “đỉnh” ở TQ.

Nhưng vì kêu gọi chính phủ tôn trọng nhân quyền, đã được ghi trong hiến pháp TQ nên bà Dư bị bắt giam. Bà nói: “Rời bỏ quê hương là một điều rất thảm thương, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Bà Dư biết có 3 người TQ mất tích trong vài tháng qua. Hai người trong nhóm này là Tưởng Diệp Phi và Đổng Quảng Bình đã bị Thái Lan trục xuất hồi tháng 11.2015. Họ cùng một số người tị nạn chính trị khác lập đảng Trung Hoa dân chủ.

Tưởng sống ở Thái Lan nhiều năm, cũng giữ một vai trò chính trong việc sử dụng phương tiện đường sắt đưa người chống đối Bắc Kinh đến các nước Đông Nam Á. Có sự giúp đỡ của Tưởng, bà Dư đã đến được Thái Lan.

Nhưng Tưởng không giúp được đứa con trai 16 tuổi của một luật sư đòi nhân quyền. Sau khi hộ chiếu bị tịch thu, cậu thanh niên Bao Trác Hiên ráng trốn khỏi TQ, nhưng điệp viên TQ dò được đường trốn và bắt Bao ở một thị trấn vùng biên của Myanmar.

Hiện Bao bị quản thúc tại gia ở TQ. Mẹ cậu ta bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền, cha cậu bị tội kích động lật đổ chế độ. Đấy là hai tội nặng, có thể bị tuyên án tù chung thân.

Ông Nicholas Bequelin, chủ nhiệm nhánh Đông Á của Tổ chức Ân xá quốc tế, nói: “Thái Lan không còn là nơi an toàn cho công dân TQ muốn tị nạn chính trị”.

Một người chống đối tên là Hồ Gia nói: “Bắc Kinh chuyên thói đòi các chính phủ nước ngoài tôn trọng luật pháp nước khác, nhưng cùng với việc ngày càng tăng tầm ảnh hưởng chính trị-kinh tế, Bắc Kinh càng thẳng thừng trong hành động, và cho rằng họ có thể cai quản một vài nước láng giềng”.

Nhà nghiên cứu Maya Wang của Tổ chức Giám sát nhân quyền (ở HK) nói vụ bắt cóc nhà báo Lý cho thấy “chính quyền TQ có cánh tay dài vượt qua biên giới” để trấn áp người phản đối trong nước và ở nước ngoài.

Bangkok hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh

Sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan chịu sự kiểm soát của chế độ quân sự và tách khỏi Mỹ, nghiêng về TQ nhiều hơn, theo báo Time.

Ông Panitan Wattanayagorn, cố vấn an ninh của một phó thủ tướng Thái Lan nói: “Chúng tôi với TQ là bạn tốt. Chúng tôi hoan nghênh khách du lịch TQ, sự đầu tư của họ. Chúng tôi muốn hưởng lợi từ sự trỗi dậy của TQ.

Ông Panitan cũng nói Thái Lan cũng làm bạn với nhiều nước khác, bởi Bangkok thường hành động cân bằng để duy trì quan hệ với các cường quốc.

Năm ngoái, Thái-Trung cùng có cuộc tập trận chung đầu tiên, trong hai tuần tập trận không quân.

Số du khách TQ đến Thái Lan tăng mạnh trong chưa đầy 10 năm qua. Và khi tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Thái giảm mạnh 80% hồi năm ngoái do bất ổn chính trị, các thỏa thuận với TQ là cần thiết để Thái Lan phục hồi nền kinh tế.

Hàng chục nước hiện xem TQ là đối tác thương mại lớn nhất, và hồi tháng 8 năm ngoái, Ngoại trưởng Thái lúc đó là Tanasak Patimapragorn nói nịnh về người đồng nhiệm TQ Vương Nghị: “Nếu tôi là đàn bà, tôi sẽ yêu ông ấy”.

Bị ép buộc về nước

Nhiều người được cho là bị chính quyền TQ truy bắt đã mất tích trong năm 2015 khi ở nước ngoài hoặc qua đặc khu hành chính Hồng Kông. Một số nhà chỉ trích nói: điệp viên TQ lén lút bắt cóc những người này để đưa về nước điều tra.

Ngay cả hộ chiếu nước ngoài cũng không bảo vệ được người gốc Hoa lưu vong. Hồi tháng 10.2015, ông Quế Dân Hải (quốc tịch Thụy Điển) mất tích ở thành phố nghỉ mát Pattaya (Thái Lan) trước khi xuất hiện lại trên truyền hình trung ương TQ (CCTV) hồi tháng 1.2016, nhận tội hình sự là lái xe gây tai nạn chết người hồi hơn 10 năm trước. Khi nhận tội trên TV, ông này tự từ bỏ quyền công dân Thụy Điển: “Tôi thật sự cảm thấy tôi vẫn là người TQ, cội nguồn của tôi là ở Hoa lục”.

Ông Quế là đồng sáng lập công ty xuất bản Mighty Current, chuyên in sách đề cập những vụ tai tiếng của giới quyền thế TQ. Theo báo Time, lần cuối cùng người ta thấy ông Quế là đi cùng một người TQ. Vài ngày sau, có thêm nhiều người Hoa đến căn hộ của ông ta, tịch thu máy tính.

Cuối tháng 12.2015, một chủ tiệm sách khác là Lý Ba mất tích tại Hồng Kông. Tháng 1.2016, ông gặp vợ ở Hoa lục, cho bà biết ông “giúp” một cuộc điều tra, theo cảnh sát HK. 3 nhân viên khác của công ty sách này cũng mất tích hồi tháng 10.2015 khi họ qua TQ. Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở HK, các nhà hoạt động nhân quyền nói họ bị điệp viên TQ bắt, vi phạm quyền tự trị của HK trong mô hình “một quốc gia hai chế độ”.

Người Hồng Kông đòi chính quyền TQ thả các ông Quế Dân Hải, Lý Ba

Vĩnh Thụy (theo Time, AP, The Wall Street Journal)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/ky-2-nguoi-trung-quoc-luu-vong-so-bi-diep-vien-sang-bat-ve-nuoc-285685.html