Kỳ 2: Một ngày ở chợ "dế" cũ Quảng Châu

Dashatou là một chợ chuyên hàng điện tử second-hand ở Quảng Châu mà dân “buôn” điện thoại VN không thể bỏ qua trong những chuyến “đánh hàng” của mình.

Gần 10 giờ sáng ngày hôm sau, chúng tôi tranh thủ rời khách sạn đến khu chợ có tên Dashatou, một khu chợ chuyên bán hàng điện tử second-hand ở Quảng Châu được giới “buôn” điện thoại ở Việt Nam đặc biệt quan tâm trong những chuyến “đánh hàng” của mình. Đi Trung Quốc “đánh hàng” điện thoại Tàu (kỳ 1) Gọi là chợ nhưng Dashatou là một dãy các tòa nhà có quy mô từ 4 - 5 tầng chuyên kinh doanh các loại hàng điện tử, điện thoại với đủ mọi tình trạng mới, cũ. Tuy nhiên, phần lớn giới “buôn” điện thoại Việt Nam khi sang Quảng Châu chỉ thường xuyên lui tới tòa nhà chuyên bán hàng second-hand có tên Shengxian Dashatou Second-hand Market, và dãy tòa nhà chuyên kinh doanh điện thoại cũ phía đối diện mà họ vẫn thường gọi vui là khu “chợ đen”. Anh bạn đi cùng với chúng tôi cho biết, hai khu chợ này nổi tiếng bởi những món hàng second-hand độc đáo với giá rẻ bất ngờ mà hiếm khi có thể tìm được ở nơi khác, kể cả khu Hoa Cương Bắc nổi tiếng ở Thâm Quyến. Chất lượng hàng hóa ở đây thì tốt xấu lẫn lộn, đa số là hàng tồn kho hoặc dạng hàng lỗi được tuồn ra từ các nhà máy và trung tâm bảo hành của các hãng lớn tại Trung Quốc, sau đó được các chủ hàng sỉ ở đây nhập về rồi phân phối cho tất cả các người bán trong chợ. Công nghệ “phù phép” Chúng tôi ghé qua tầng trệt của tòa nhà Shengxian Dashatou Second-hand Market, nơi tập trung hầu hết các quầy kinh doanh điện thoại cũ tại đây. Mặc dù đã gần 11 giờ trưa nhưng toàn khu chợ chỉ mới lác đác vài ba quầy hàng bắt đầu mở cửa để chuẩn bị cho một ngày kinh doanh mới. Quan sát việc chuẩn bị mở quầy hàng của hai thanh niên khá trẻ, chúng tôi chuyển từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được chứng kiến toàn bộ quá trình làm mới những chiếc điện thoại trước khi chúng được đem trưng bày trong tủ kính. Chỉ với một chiếc tuốc-nơ-vít và một vài dụng cụ đơn giản, những chiếc điện thoại cũ nhanh chóng bị tháo ra làm nhiều mảnh. Ngay sau đó, người thanh niên bắt đầu xịt lên bo mạch của máy một loại hóa chất đặc biệt và dùng bàn chải chà nhẹ để làm biến mất những chất rỉ sét còn đóng trên bo. Thấy đã tạm ổn phần bên trong, người thanh niên nhấc điện thoại gọi cho một ai đó rồi tạm ngưng công việc đang dở dang mà sắp xếp những chiếc điện thoại khác vào tủ kính. Khoảng năm phút sau, một người đàn ông trung niên tiến tới đưa cho người thanh niên này một túi nhỏ đựng nhiều loại vỏ, bàn phím và pin điện thoại mới. Lúc này, người thanh niên mới bắt đầu công đoạn lắp ráp những phụ kiện này với nhau để chúng biến thành những chiếc điện thoại mới hoàn toàn. Kết thúc quá trình làm mới điện thoại, những chiếc tem trên bộ vỏ cũ được bóc khéo léo bằng lưỡi lam và dán lên bộ vỏ mới. Thế là chúng chiễm chệ nằm trong tủ kính với độ mới gần như 100% chỉ trong 15 phút. Chưa kịp rùng mình trước công nghệ “phù phép” quá nhanh của hai thanh niên này, chúng tôi ngó quanh các quầy hàng bên cạnh thì mới nhận ra rằng đây là việc quá đỗi bình thường đối những người bán hàng tại đây. Và các khách hàng mua điện thoại dường như cũng chẳng buồn quan tâm khi chứng kiến những “màn biểu diễn” này ngay trước mắt, như thể đó là một sự thật hiển nhiên phải chấp nhận! Điện thoại “xịn” sắp đầy rổ! Có lẽ tưởng chúng tôi là dân buôn, cô gái khá trẻ đứng trong một quầy bán điện thoại cũ luôn miệng mời chào chúng tôi mua hàng. Nhìn vào quầy điện thoại của cô, chúng tôi chợt giật mình vì những chiếc điện thoại đắt tiền vẫn còn nằm gọn trong chiếc rổ nhỏ mà chưa kịp trưng bày vào tủ kính. Nhìn sang các quầy hàng khác, chúng tôi dễ dàng nhận ra rằng, những chiếc điện thoại ở đây đều được người bán sắp xếp trong chiếc rổ khi kết thúc một ngày giao dịch rồi lại lấy ra trưng bày trong tủ kính vào mỗi sáng hôm sau. Hình ảnh này khiến chúng tôi liên tưởng đến những loại… rau, củ được bán tại các chợ thực phẩm ở Việt Nam. Dĩ nhiên, cái khác ở đây là những món hàng trong rổ lại là những chiếc điện thoại đắt tiền. Khi chợ bắt đầu đông đúc, chúng tôi dạo quanh một vòng xem qua những loại điện thoại được bày bán ở đây. Trái với những gì chúng tôi được nghe trước đó về khu chợ này, các loại điện thoại nhái của Trung Quốc tuy vẫn được trưng bày khá nhiều trong các tủ kính, nhưng nếu so với số lượng các loại điện thoại của những hãng lớn như Nokia, HTC, iPhone, BlackBerry, Sharp,… thì nó chỉ là một con số ít ỏi. Điều này cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên, bởi trước đây, theo lời một anh bạn từng du học ở Quảng Châu thì phần lớn những người bán điện thoại ở Quảng Châu rất ngại bán những dòng smartphone xài hệ điều hành Windows Mobile hoặc Android do rào cản ngôn ngữ và giá thành cao. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, có thể nhận thấy hầu hết các model điện thoại mới nhất của Apple, HTC, Sharp, BlackBerry đều đã có mặt ở khu chợ này với số lượng lớn, đó là chưa đề cập đến số lượng khổng lồ những chiếc điện thoại của các hãng phổ biến như Nokia, Samsung, LG, Sony Ericsson,… được bán ra hàng ngày tại đây. Nhìn những chiếc iPhone 3GS, T-mobile G1, BlackBerry 8900, HTC Magic, Sharp 923SH,… được xếp ngay ngắn trong các tủ kính, chúng tôi có phần hơi thắc mắc khi trước đây những người bán điện thoại ở Việt Nam khẳng định các chủng loại này chỉ có hàng “xách tay” từ Mỹ hoặc Nhật Bản. Vậy, không lẽ giới “buôn” điện thoại Việt Nam lại “bỏ qua” những chiếc điện thoại ở đây một khi đã lỡ viếng thăm? Đi “chợ đen”: không tin vào mắt mình! Rời khu chợ này, chúng tôi ghé qua khu chợ đối diện có tên GuangZhou Dashatou Second-hand Trade Center mà giới “buôn” điện thoại Việt Nam vẫn gọi là khu “chợ đen” - bởi có một sự trái ngược khá lý thú ở đây. Trong khi tầng trệt của khu chợ khá sáng sủa với đông đúc các cửa hàng bán các loại điện thoại cũ của Trung Quốc và một vài model điện thoại phổ thông, thì chỉ cần đi thang máy lên tầng trên của tòa nhà, bạn có thể phải “không tin vào mắt mình” bởi không gian tối om của một khu chợ điện thoại sầm uất được chiếu sáng bằng những bóng đèn tròn nhỏ. Những người lần đầu đến khu chợ này sẽ phải bỡ ngỡ vì không thể xác định đang là ngày hay đêm. Đa phần các loại điện thoại được bán trong khu “chợ đen” đều là điện thoại mang các thương hiệu Trung Quốc với đủ mọi tình trạng, và chỉ bán sỉ cho giới kinh doanh. Vì thế mỗi cửa hàng chỉ trưng bày một vài điện thoại làm mẫu để người mua dễ nhận biết. Một số ít các cửa hàng khác lại chuyên phân phối với số lượng lớn các loại điện thoại đời cũ được “dựng” lại, mà giới cửa hàng điện thoại ở Việt Nam thường gọi là “hàng cỏ”. Giá điện thoại ở đây cũng thường được người bán “phán” theo kiểu “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Khi chúng tôi thử hỏi mua 100 chiếc điện thoại Nokia 6100 hàng “dựng”, người bán nhìn chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ rồi bấm máy tính ra hiệu giá là 200 tệ mỗi chiếc (gần 550.000đ), cao hơn rất nhiều so với giá bán tại các cửa hàng ở Việt Nam. Tiếp tục dạo quanh khu chợ này, chúng tôi nhận ra khá nhiều điểm tương đồng của nó so với khu chợ trời Lý Nam Đế đã từng đề cập trong một chuyên đề trước đây. Tương đồng là bởi ở đây điện thoại “rác” được bán khá nhiều và có phần vượt trội hơn gấp nhiều lần so với chợ trời ở Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với sự tập trung của đông đảo giới sửa chữa điện thoại tại Trung Quốc, họ đến đây tìm mua linh kiện hoặc mua máy “chết” về tìm cách “cứu sống”. Hơn 5 giờ 30 chiều, chúng tôi rời khu chợ này sau một ngày tìm hiểu với nhiều cảm xúc khó tả. Bên ngoài, những người mua hàng sỉ đến từ nhiều nơi cũng bắt đầu đóng hàng để kết thúc một ngày rã rời và mệt mỏi. Với họ, bấy giờ là thời điểm để bắt đầu một “cuộc chiến” mới, cuộc chiến… giành taxi mà bất kỳ ai đến Trung Quốc cũng một lần phải nếm trải. (Công Danh/e-CHÍP M!)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/cntt/200911/Ky-2-Mot-ngay-o-cho-de-cu-Quang-Chau-877241/