Kỳ 1: Tình báo Nga liên minh với Taliban để đánh quân khủng bố IS

Trang Yahoo News dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ, nói rằng tình báo Nga liên minh với Taliban, một nước cờ mà các chuyên gia nói là ông Putin “đấm vào mặt Mỹ”.

Taliban sử dụng súng Nga

Có thể bạn quan tâm

Quan chức này nói: “Khi Taliban gia tăng cường độ tấn công, giành nhiều lợi thế trong vài năm gần đây, thì tình báo Nga đã tìm đến chúng và nối lại quan hệ từng có trong những năm 1980 khi Nga phối hợp với chính quyền cách mạng Afghanistan”.

Ông nói thêm: “Khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria nổi lên ở Afghanistan hồi năm ngoái, Nga tăng cấp tiếp cận, báo động rằng nhiều tay súng IS là người Chechnya được tuyển ở vùng Caucasius thuộc Nga”.

Người Nga cấp tiền và súng AK mới cho Taliban, chia sẻ tin tình báo

Quân khủng bố IS và Taliban đều nhận là các tổ chức siêu bảo thủ bảo vệ Hồi giáo, nhưng Taliban tập trung vào sự thống trị ở Afghanistan, xem các thủ lĩnh IS và những tay súng nước ngoài là bọn xâm nhập. Ngược lại, IS nối tiếp tham vọng của Al-Qaeda là tiến hành thánh chiến Jihad chống lại những người không tin đạo Hồi.

Vị quan chức tình báo Mỹ nói: “Người Nga cấp tiền và vũ khí cho Taliban ở Afghanistan để đánh quân khủng bố IS, lập trại luyện quân cho Taliban ở Tajikistan, nơi Moscow còn nhiều ảnh hưởng”. Ông dẫn chứng là các tay súng Taliban giương súng AK mới, có báng súng bằng sợi tổng hợp (chỉ có Nga sản xuất) cùng súng máy PK và súng phóng lựu (RPG) mới của Nga.

Ông khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn 100% rằng Nga hỗ trợ một số phương tiện cho Taliban ở Afghanistan Họ đang khuyến khích Taliban hoạt động ở vùng biên giới phía bắc, nơi chúng dễ được tiếp viện từ Tajikistan và hoạt động như một vùng đệm chống lại quân khủng bố IS”.

Theo một số thông tin, Nga bắt đầu tiếp cận Taliban chỉ vài năm nay, sau khi có thời hạn cuối cùng trong năm 2016, NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan cùng việc khủng bố nổi dậy đánh thắng an ninh nước này.

Đầu mối tiếp cận Taliban là ông Zamir Kabulov, đặc sứ Nga tại Afghanistan, một cựu đồng nhiệm KGB của ông Putin. Ông Kabulov từng là sĩ quan tình báo cấp cao nhất ở Kabul, khi Hồng quân LX đánh quân Mujahideen hồi thập niên 1980. Giữa các năm 1990, ông Kabulov cũng đàm phán với cựu thủ lĩnh Mullah Omar của Taliban, sau khi bọn này chiếm được một máy bay Nga, bắt 7 người Nga làm con tin.

Đặc sứ Nga Zabukov

Nga tăng cường tiếp xúc với Taliban từ năm 2015, khi quân khủng bố IS bắt đầu hướng qua Afghanistan.

LHQ nhận định hiện nay quân khủng bố IS có mặt ở 25/34 tỉnh của Afghanistan, còn chỉ huy quân Mỹ ước tính Nhà nước Hồi giáo có khoảng từ 1.000 đến 3.000 tay súng ở Afghanistan, đa số là lính tuyển từ hàng ngũ Taliban khi tổ chức này bắt đầu tan rã tiếp sau cái chết của thủ lĩnh Mullah Omar hồi năm 2015.

Tầm cỡ quốc tế của lực lượng khủng bố IS là một mối lo lớn cho Moscow, nơi ước tính có khoảng 2.400 tay súng người vùng Caucasus đang đánh thuê cho quân khủng bố IS.

Hồi đầu năm 2016, ông Kabulov thừa nhận việc Nga liên minh với Taliban, khi ông nói chuyện với báo The Independent (Anh): “Quyền lợi của Taliban, khách quan mà nói, trùng hợp với quyền lợi của chúng tôi. Cả hai nhánh Taliban ở Pakistan và Afghanistan đều nói họ không công nhận… Đó là chi tiết rất quan trọng”.

Ông còn nói IS “không còn nghi ngờ gì” đang huấn luyện các tay súng từ Nga đến Afghanistan, trong kế hoạch vươn vòi đến Trung Á: “Vì thế, chúng tôi có các kênh liên lạc với Taliban để trao đổi thông tin”.

Liên minh Nga - Taliban không chỉ là chia sẻ thông tin tình báo, khi hồi tháng 5.2015, một đoàn Taliban thăm thủ đô Dushanbe của Tajikistan, để trao trả 4 lính biên phòng Tajikistan bị Taliban bắt. Đổi lại, Taliban được cấp nhiều vũ khí Nga. Sự “có qua có lại” này là cơ sở cho nhiều liên minh chiến thuật ở Afghanistan bị chiến tranh tàn phá.

Từ sự hỗ trợ giả định của tình báo Nga, Taliban đã chiếm được thành phố Kunduz (Afghanistan) hồi tháng 9.2015. Trang Daily Beast (Mỹ) từng dẫn lời một chỉ huy Taliban ở Kunduz: “Dĩ nhiên vũ khí chúng tôi mới nhận từ biên giới Afghanistan - Tajikistan đã giữ một vai trò lớn trong việc chiếm được Kunduz”.

Việc lần đầu tiên Taliban chiếm một thành phố lớn trong gần 15 năm chiến tranh cho thấy sự bướng bỉnh không ngờ của tân lãnh đạo Mullah Akhtar Mansoor, đồng thời khiến người dân Afghanistan giảm lòng tin vào lực lượng an ninh được Mỹ huấn luyện.

Chỉ vài tuần sau cuộc tấn công của Taliban, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố tạm hoãn việc rút quân Mỹ, ra kế hoạch mới giữ ít nhất 5.500 quân Mỹ ở Afghanistan cho đến năm 2017. Ông phải từ bỏ hy vọng đưa quân Mỹ về nhà trước khi mãn nhiệm kỳ.

Taliban sử dụng súng phóng lựu Nga

Điện Kremlin “đòi nợ” thất bại quân sự ở Afghanistan những năm 1980

Theo các nhà phân tích tình hình Afghanistan, có lẽ tình huống gây bất ngờ của việc Taliban chiếm được Kunduz, chính là vị trí của thành phố này. Taliban thuộc bộ tộc Pastun, hậu cứ truyền thống ở miền nam và miền đông Afghanistan. Tỉnh Kunduz giáp biên giới phía bắc với Tajikistan vốn gồm các cộng đồng dân cư Uzbekistan, Tajikistan, Hazaras, Turkmen và một số người Pashtun. Kunduz cũng là địa bàn của Liên minh phương Bắc, cựu thù của Taliban.

Tình báo Mỹ đã phát hiện chứng cứ những tay súng cực đoan IS là thành viên hoặc là hậu duệ của các tay súng Mujahideen, kẻ thù cũ của Nga. Mujahideen từng được Mỹ cấp vũ khí và hỗ trợ, khi chúng đánh Hồng quân Liên Xô chiến đấu giúp chính quyền cách mạng Afghanistan hồi những năm 1980. Hồng quân LX từng thua nặng ở chiến trường Afghanistan, góp phần dẫn đến việc LX sụp đổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói việc LX sụp đổ là “một thảm họa địa - chính trị lớn của thế kỷ 20”. Ngày 31.12.2015, ông ký duyệt chiến lược an ninh quốc gia mới, lần đầu tiên công khai gọi NATO là mối đe dọa lớn của Nga.

Theo Yahoo News, Nga từng bị “phỏng nặng” trong cuộc can thiệp quân sự ở Afghanistan những năm 1980 nên xem ra Moscow thuộc lòng bài học chiến tranh ủy nhiệm.

Milton Bearden, cựu chỉ huy CIA ở Pakistan, từng cấp vũ khí cho Mujahideen đánh Hồng quân LX hồi những năm 1980, nói: “Nếu tôi ngồi trong Điện Kremlin, lo ngại quân khủng bố IS tăng sức mạnh ở vành đai vùng Caucasus gần Nga, tôi sẽ không nhờ Mỹ và quân đội Afghanistan quan tâm đến vấn đề của tôi, mà sẽ nhờ tới Taliban để giúp đẩy lui lực lượng khủng bố IS”.

Đó là lý do Nga huấn luyện, cấp vũ khí và hỗ trợ cho Taliban ở Afghanistan. Liên minh Nga - Taliban chống lại Mỹ và NATO ở Afghanistan được xem là cuộc “đòi nợ” của Điện Kremlin.

còn tiếp…

Vĩnh Thụy (theo Yahoo News)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/ky-1-tinh-bao-nga-lien-minh-voi-taliban-de-danh-quan-khung-bo-is-288100.html