Kon Tum: Vùng đất nghèo xã Mo Rai đang vươn mình trỗi dậy

- Những ngày này, hàng trăm người lao động tại làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đang phải chạy đua với thời gian, để hoàn thành công việc trồng mới hàng ngàn ha cao su trên vùng đất nghèo xã Mo Rai. Vùng đất khó khăn, xa xôi của tỉnh Kon Tum đang thay da, đổi thịt từng ngày, hứa hẹn cuộc sống mới đang vươn mình trỗi dậy nơi này.

Vượt khó vươn lên Cơn mưa rừng đầu mùa ào ạt như trút nước, tôi ngồi trong ngôi nhà cấp 4 vừa mới được xây dựng từ chương trình hỗ trợ làng thanh niên lập nghiệp của vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Chấp và chị Nguyễn Thị Mơ tại xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, nghe như tiếng đất "trở mình". Hàng chục năm trước đây, vùng đất nơi biên giới xa xôi và hẻo lánh này, nơi “khỉ ho cò gáy” là những cánh rừng bạt ngàn màu xanh cây lá, hoặc những khoảnh rừng nghèo kiệt bởi cỏ tranh, lau lách. Định cư tại làng Le, làng Xộp, xã Mo Rai chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Rải rác một số nơi, vết tích của chiến tranh vẫn còn phảng phất. Nhiều người dân vào rừng phát hiện hàng chục thùng chứa chất CS, hàng trăm hố bom sâu hoắm. Để biến nơi này trở thành vùng đất trù phú, khai thác thế mạnh về đất rừng, tỉnh Kon Tum quyết định chuyển đổi hàng chục ngàn ha rừng nghèo, rừng cạn kiệt, phát triển thành rừng cao su nhằm thực hiện đa mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc... Những người đi tiên phong ở chốn gian khó này phải kể đến lực lượng lao động hùng hậu ở Làng thanh niên lập nghiệp, Cty Cổ phần Sâm Ngọc Linh, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân, Công ty 78 thuộc Binh Đoàn Tây Nguyên, Công ty cổ phần cao su Sa Thầy... Ông Võ Văn Vinh, Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Kon Tum bồi hồi nhớ lại: Khi mới lập nghiệp nơi này, chúng tôi gần như không có một tấc sắt trong tay. 30 con người phải chạy đôn chạy đáo vay mượn lương thực, thực phẩm, đùm túm, chen chúc sống dưới lán trại ven rừng để khai hoang, vỡ hóa đất trồng cao su. Sống trong căn lều tạm, chúng tôi lo nhất là bao gạo, túm cá khô. Ướt áo, ướt quần còn khô, chứ ướt lương thực, thực phẩm thì chả biết lấy gì nuôi sống anh em. Đoàn xuất phát từ tỉnh Kon Tum đến địa điểm làng thanh niên lập nghiệp chỉ vẻn vẹn 110 km, nhưng đi xe phải mất gần 1,5 ngày đường. Đường trơn trợt, đôi lúc chở 7 thiên gạch vào dựng nhà cho anh em đã phải liều mình trút xuống đường chống lầy mất 2 thiên, tiếc thì tiếc thật nhưng không chống lầy thì làm sao đến được làng”. Anh em bị rắn cắn, sốt rét rừng, nhức đầu, sổ mũi… là "chuyện thường ngày ở huyện". Còn nhớ, đội viên Trần Văn Sáu bị rắn cạp nong cắn, nhờ sự cứu chữa tận tình của các chiến sĩ quân y Đồn biên phòng 709 đã giành giật mạng sống từ tay tử thần. Nhiều tỷ đồng đổ xuống rừng sâu Để chuyển đổi 30.000 ha rừng nghèo, rừng cạn kiệt tại địa bàn xã Mo Rai, huyện Sa Thầy phải kể đến nỗ lực của Công ty (Cty) cổ phần Sâm Ngọc Linh, Cty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân, Cty TNHH MTV Chư Mo Rai… Tính sơ sơ, Cty cổ phần đầu tư và phát triển Duy Tân được tỉnh Kon Tum giao chuyển đổi đến 15.000 ha, với 70% hệ số chuyển đổi từ rừng nghèo sang diện tích rừng trồng cao su đã lên đến khoảng 10.000 ha đến 12.000 ha cao su. Năm 2010, Cty trồng 1.000 ha và phấn đấu đến ngày 31.12.2011, Cty này trồng mới 4.500 ha caosu. Cty thực hiện hỗ trợ tiền giống, giao mặt bằng khai hoang, hỗ trợ phương tiện vận chuyển và đường sá, giao khoán mỗi ha 22 triệu đồng tiền trồng và khoan hố. Như vậy, chỉ tính số tiền giao khoán trồng mới 4.500 ha caosu đã lên đến 121 tỷ đồng. Tại địa bàn vùng sâu, đường sá đi lại còn rất nhiều khó khăn, vấn đề có đủ nguồn lực trồng mới hàng ngàn ha cao su quả thật là nan giải, không phải chuyện dễ như trở bàn tay. Thế nhưng, ông Lê Đức Thảo, Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và phát triển Duy Tân quả quyết: Sau khi khai hoang, san ủi mặt bằng, chúng tôi đã hợp đồng với 15 đối tác. Người thực hiện trồng nhiều nhất là 500 ha, ít nhất là 50 ha, mỗi ha đạt 550 cây caosu. Cty hỗ trợ phân bón, cấp giống, hướng dẫn, giám sát kỹ thuật. Đến ngày 31.12.2011, Cty tiến hành nghiệm thu, thanh lý hợp đồng. Đơn vị nào trồng cây sống đạt từ 95% trở lên thì Cty thanh lý 100% giá trị hợp đồng. Tỷ lệ cây sống dưới 90% thanh lý 70% giá trị hợp đồng, còn tỷ lệ cây sống từ 91 % đến dưới 95% sẽ được thanh lý hợp đồng theo tỷ lệ tương ứng. Nhằm giúp các đối tác đổi nhanh tiến độ xuống giống vườn cây, Cty cổ phần đầu tư và phát triển Duy Tân huy động toàn bộ tổng lực gồm 21 xe bò vàng vận chuyển cây giống, 15 máy ủi, 05 máy đào, 06 xe ben… đào đất, san ủi đường sá, khắc phục đường đất sạt lở trong đầu mùa mưa. Ông Lê Văn Hợp, trú tại xã Ya Chim, TP. Kon Tum phối hợp cùng ông Lê Văn Thái ký kết hợp đồng nhận khoán trồng 500 ha caosu đã hợp đồng lao động thời vụ lúc cao điểm gần 250 người, gồm nhiều địa phương khác nhau. Với lực lượng lao động này, ông Hợp và ông Thái đã dự trữ lương thực, thực phẩm cả tháng, chuẩn bị 3 vườn ươm caosu với diện tích gần chục ha. Mỗi lao động công nhật sau khi trừ chi phí ăn uống mỗi ngày được trả công 120 ngàn đồng. Công giao khoán đóng bầu được chi trả từ 400 đến 500 ngàn. Ông Hợp cho rằng: Đến cuối tháng 12.2011, đơn vị sẽ hoàn thành chỉ tiêu trồng mới được nhận khoán. Khó khăn lớn nhất của đơn vị là khi khoan hố trồng cao su gặp phải đá tảng, dùng cả máy móc mới đưa hòn đá nặng cả tấn lên khỏi mặt đất. Khi trồng cao su, chúng tôi phát hiện chi chít hàng trăm hố bom trong rừng sâu. Khó khăn là vậy mà cha ông ta còn đánh thắng quân xâm lược, trong thời bình thì không có hà cớ gì mà mình không chiến thắng được nghèo nàn, lạc hậu. Tổng đội thanh niên xung phong tại xã Mo Rai, huyện Sa Thầy cũng được tỉnh Kon Tum giao khai hoang 2.764 ha, phấn đấu đến cuối năm 2012 trồng mới từ 1.000 đến 1.200 ha cao su. Ngoài vấn đề giải quyết công ăn, việc làm cho thanh niên trú tại làng thanh niên lập nghiệp, Tổng đội thanh niên xung phong liên doanh cùng Cty cổ phần Sâm Ngọc Linh trồng mới cao su theo phương thức: Cty hỗ trợ toàn bộ chi phí, tổng mức đầu tư. Sau giai đoạn kiến thiết cơ bản, Cty nhận 90% diện tích cao su được trồng, còn 10% giao lại cho Tổng đội thanh niên xung phong khoán lại cho đội viên. Bên cạnh đó, dự án làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mo Rai trồng được 415 ha cao su. Vườn cao su đã vươn cành, khép lá hứa hẹn cuộc sống trù phú, no ấm ở một vùng biên. Ấm no một vùng biên Sau khi hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản, hàng trăm hộ gia đình sẽ được giải quyết công ăn việc làm ổn định ở vùng biên giới xa xôi của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tính trung bình, mỗi lao động nhận khoán 5 ha caosu, đến cuối năm 2012 hoàn thành khoảng 5.000 ha caosu cần đến 1.000 lao động. Vị chi, mỗi hộ có 02 lao động chính và 02 người ăn theo, thì dân số vùng biên đã lên đến 2.000 người được ổn định sản xuất và đời sống. Dự án làng thanh niên lập nghiệp xã biên giới Mo Rai là làng trẻ nhất trong số 18 làng thanh niên lập nghiệp được hình thành từ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Mỗi đội viên lập nghiệp nơi này được Ban Quản lý đầu tư xây dựng một căn nhà 42 m2, cấp 300-500 m2 đất trồng hoa màu, đồng thời trồng cây ngắn ngày xen canh trong các lô caosu. Đến nay, mỗi đội viên đã trồng nửa ha xen canh khoai môn, đậu phụng, cây ngắn ngày dưới tán vườn cao su. Ông Võ Văn Vinh cho biết: Nhờ trồng hoa màu dưới tán vườn caosu đã góp phần thu nhập cho nhiều đội viên. Hiện nay, làng đã có 60 hộ lập nghiệp. Một số đội viên đã “kết tóc se duyên” nơi này. Tổng đội đang thực hiện dự án cho mỗi đội viên vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất, không tính lãi. Đến năm thứ bảy, sau giai đoạn kiến thiết cơ bản caosu mới thu hồi lại vốn. Đội viên Đỗ Ngọc Tân đã quyết định rời thành phố Kon Tum lên lập nghiệp tại Làng thanh niên lập nghiệp Mo Rai đang vun luống khoai môn trồng xen giữa hai hàng cao su cho biết: Em vừa mới thu hoạch một tấn rưỡi bí đỏ, còn diện tích khoai môn trồng khoảng 1 ha năng suất chắc chắn sẽ “đạt đỉnh”. Anh Tân tâm sự: ”Trong cuộc sống mà riêng lẻ, độc lập thì rất khó phát triển, cho nên mình cần một tập thể để cùng nhau hỗ trợ phát triển kinh tế. Mình quyết định gắn bó lâu dài với làng thanh niên lập nghiệp. Với ý chí và quyết tâm của tuổi trẻ thì vấn đề gì cũng thành công”. Ông Lê Đức Thảo, Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và phát triển Duy Tân cho biết: Sau khi trồng xong, Cty sẽ thành lập 10 nông trường caosu. Quy hoạch bố trí dân cư dọc theo các tuyến caosu, tạo quỹ đất phát triển sản xuất cho người dân gần đường, bằng phẳng, gần nguồn nước… để họ ổn định sản xuất và đời sống. Cty hỗ trợ mỗi hộ gia đình 20 triệu đồng để mua vật tư xây dựng nhà cửa, ổn định lâu dài tại vùng biên. Tuy vậy, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề giải quyết chuyện học hành cho con em người lao động vì hiện chưa có cơ sở hạ tầng. Cty dự tính chọn 1 người lao động gửi đi đào tạo để sau này thực hiện chức năng giữ trẻ. Những em đi học trường tiểu học, trung học thì Cty hỗ trợ mỗi tháng 300 ngàn đồng để các em đến lớp, đến trường…”. Cách làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mo Rai khoảng 5 km, trên tuyến đường độc đạo từ Đồn biên phòng 709 đến làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mo Rai, chúng tôi gặp phải một “hố voi” to tướng áng ngữ, bất kỳ phương tiện giao thông nào cũng đứng bánh. Trong chốc lát, khoảng chục thanh niên trai tráng phối hợp cùng phương tiện san sủi mặt đường của Cty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân chỉnh sửa, trả lại ngay mặt bằng. Cũng trong phút chốc, chiếc máy cày chở hàng ngàn cây cao su chuẩn bị tập kết tại hiện trường, xuống giống trong mùa mưa. Bất chợt, tôi lo nghĩ: ”Phát triển cao su trên rừng nghèo là đúng hướng, song chính quyền địa phương cũng cần có những giải pháp quyết liệt giữ lại những cánh rừng nguyên sinh, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm nơi này cho xứng đáng là di sản ASEAN trên cao nguyên xanh”. Nếu không, những hệ lụy như người dân lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng nguyên sinh để lấy gỗ, săn bắn động vật trái phép chắc chắn sẽ xảy ra !

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=468547&co_id=30066