Kinh tế thế giới 2016 sẽ sáng hơn?

Nền kinh tế toàn cầu đang sẵn sàng cho sự tăng trưởng so với hoạt động của những năm gần đây nhưng với cách thức ở từng khu vực khác nhau.

Tạp chí Economist đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 đạt khoảng 2,7%

Cuối năm 2015, hàng loạt các tổ chức đưa ra các dự đoán cho kinh tế thế giới năm 2016 đều không quá lạc quan. Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng mức tăng trưởng toàn cầu là 2,9%, cao hơn chút ít so với con số 2,4% của năm 2015. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ có thay đổi chút ít so với 2015 theo hướng tích cực hơn nhưng tối đa cũng chỉ là 3,1%.

Tạp chí Economist đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 đạt khoảng 2,7%. Dưới đây là một số nhận định về các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.

Dầu mỏ: Các chuyên gia cho rằng giá dầu thô có thể tụt xuống dưới 40 USD/ thùng trong năm 2016 vì lượng cung đang vượt quá mức cầu và thế giới đang hết chỗ chứa dầu khai thác được. Một khi Iran tăng lượng dầu xuất khẩu thì giá dầu thế giới có thể chịu thêm nhiều áp lực rơi xuống mức 20 USD một thùng. Đến thời điểm đó, giới phân tích tin rằng, OPEC và các nước xuất khẩu dầu sẽ phản ứng bằng cách cắt giảm sản lượng và giá dầu nhanh chóng trở lại mức giá cao như cũ. Tuy nhiên các rủi ro về địa chính trị và sự lo lắng về ngắt quãng nguồn cung dầu có thể giúp giá dầu đứng ở mức từ 50-70 USD một thùng vào cuối năm 2016.

Vàng: Sau khi FED nâng tỷ giá lãi suất cho vay, thông thường sẽ có sự thay đổi trên thị trường vàng theo hướng tăng giá. Tuy nhiên điều này đã không diễn ra như kịch bản, thậm chí giá vàng thế giới xuống tới mức thấp trong 6 năm qua là 1050 USD/Ouz, sau đó lên dần trở lại là 1080 USD /Ouz. Điều đó chứng tỏ nhu cầu về vàng thấp trong khi đó lượng vàng bán ra nhiều khiến cho thị trường không sôi động. Một số chuyên gia dự báo trong thời gian tới khi FED có thể tăng tiếp lãi suất thì giá vàng còn tiếp tục giảm. Ngân hàng ABN Amro nhận định thậm chí trong 2016, giá vàng có thể xuống mức 900 USD/Ouz trước khi hồi phục trở lại. Các ngân hàng lớn khác đều đưa ra dự báo giá vàng xuống thấp hơn mức 1000 USD/Ouz. Một nguyên nhân giải thích cho vấn đề này là thế giới đang hào hứng hơn đầu tư vào đôla Mỹ khi FED nâng tỷ lệ lãi suất. Giá vàng chỉ có thể lên cao hơn khi FED tăng tỷ lệ lãi suất cho vay từ từ vì tăng trưởng kinh tế không mạnh như mong đợi và lạm phát thấp. Trường hợp đó, giá trị USD giảm xuống và như vậy giá vàng có thể tăng lên. Ngân hàng Credit Suisse dự báo trong kịch bản đó giá vàng có thể lên cao trong khoảng 1100 USD đến 1150 USD / Ouz.

Bất động sản

Tại Mỹ, sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp thấp, dân số tăng và giá trị nhà đất khiến cho thị trường BĐS phát triển, nhất là những ngôi nhà lớn hoặc diện tích nhỏ hẳn. Ở Trung Quốc, doanh số bán nhà có thể tăng trưởng ở mức hơn 10%. Chính phủ Trung Quốc sẽ có nhiều giải pháp để giảm các thành phố ma trong khi vẫn kích cầu. Dự báo giá nhà tại một số thành phố lớn vẫn đứng ở mức cao vì thu nhập của người dân ổn định sẽ củng cố nhu cầu về BĐS. Trên phạm vi toàn thế giới, tầng lớp trung lưu (được dự báo có thể lên đến 2 tỷ người) sẽ là những người quan tâm đến việc mua nhà nhiều hơn cả. Trong số đó bao gồm những người sinh ra trong khoảng 30 năm trở lại đây vì họ bước vào giai đoạn tích lũy đủ tài chính để xem xét mua nhà cho gia đình.

Đôla Mỹ

Chuyên gia cho rằng USD sẽ mạnh trở lại trong thời gian tới so với các đồng tiền khác trên thế giới như Euro, bảng Anh, yên Nhật… vì giá trị của USD Mỹ phụ thuộc nhiều vào quyết định của FED. Việc cuối cùng FED đã nâng tỷ lệ lãi suất sau nhiều năm để tỷ lệ gần như bằng không đã mang lại nhiều ích lợi cho USD ngay từ đầu năm 2016 so với rổ các loại tiền tệ chính của thế giới.

Với những tác động, thay đổi trên, châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 1,9%. Kinh tế Châu Á ở trong tình trạng khó dự đoán hơn, đặc biệt không thể nói chính xác về sự phát triển của Trung Quốc vì người ta chưa thực sự nắm rõ điều gì đang xảy ra trong nền kinh tế khổng lồ này. Con số tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc là 6,9%, nhưng không ai tin vào các con số thống kê chính thức. IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng chậm còn 6,3%. Các nước phụ thuộc vào tiêu thụ hàng hóa để tăng trưởng như Châu Mỹ latinh, Châu Phi và một số quốc gia Châu Á đang phải đối mặt với thời gian khó khăn.

Hoa Chi

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kinh-te-gioi-2016-se-sang-hon.html