Kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong tương lai?

Con đường nào cho Việt Nam lựa chọn để tiếp tục phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức? Đó là câu hỏi mà Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam 2009 với chủ đề “Định vị Việt Nam trong tương lai” muốn tìm lời giải. Bốn nội dung lớn của hội nghị là Kinh tế tri thức Việt Nam, Phát triển nền Công nghiệp Việt Nam, Phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, Cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ Việt Nam đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đề cập đến từ nhiều góc độ, khía cạnh, với những kịch bản khác nhau. Điểm chung của các ý kiến này là Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam Về giao thông đô thị: Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHT-GT) đô thị và vận tải công cộng; đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16- 26%. Đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt; nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP. HCM để đạt tỷ lệ đảm nhận hành khách công cộng 35-45%. Về giao thông nông thôn: phát triển đường giao thông nông thôn cho phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm xã hoặc cụm xã, đảm bảo thông suốt quanh năm. Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa đạt 60- 80%. Chú trọng phát triển giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra và phát triển ngành Giao thông vận tải (GTVT), đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển KT-XH, trong đó có việc chú trọng sự thống nhất trong công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên rà soát điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trong từng thời kỳ; Tạo cơ chế thông thoáng để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài Ngân sách Nhà nước (kể cả trong và ngoài nước) trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh dịch vụ GTVT; Nhanh chóng xây dựng KCHT-GT đô thị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng rất nhanh tại các thành phố lớn, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông; Hoạch định chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư hợp lý đảm bảo công bằng xã hội; Có chính sách phù hợp để tiếp cận với công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành GTVT trong tiến trình CNH, HĐH đất nước; Gắn mục tiêu phát triển bền vững; cảnh quan kiến trúc các công trình giao thông cần được chú trọng… (Trích phát biểu của ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ KHĐT - Bộ GTVT tại Hội nghị KTĐN lần thứ II) Ông Mark van den Assem, Giám đốc điều hành, TNT VN: VN phải chú trọng hơn đến công tác hậu cần cho cơ sở hạ tầng. Đây là phần mềm của cơ sở hạ tầng. Phải làm sao cho các thủ tục và khung pháp lý thuận lợi hơn. Vì mọi vấn đề liên quan đến xuất khẩu nên phải quan tâm đến việc giảm các chi phí hải quan. Hiện nguồn vốn còn hạn hẹp, VN phải biết sử dụng một cách thông minh hơn. Ông Oliver Jacquet, Giám đốc khu vực Việt Nam và Campuchia, Schneider Electric: Theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Đầu tư Nhật Bản cho thấy VN đứng thứ 3 các nước có triển vọng đầu tư tốt nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, có 3 vấn đề ảnh hưởng đến đầu tư: Cơ sở hạ tầng kém, vấn đề bảo hộ trí tuệ kém và khung pháp lý lỏng lẻo. Tuy nhiên, VN vẫn có cơ hội thay đổi. Về cơ sở hạ tầng (CSHT) điện năng, hiện nhu cầu của Việt Nam tăng 15% năm, trong đó năng lực sản xuất chỉ tăng 13%, do đó thiếu hụt là 2%. Đó là khó khăn phải giải quyết. Tôi sống ở TP HCM bị cắt điện 1 ngày/tuần và tình hình khó cải thiện. Khó khăn hơn khi các dự án điện phải mất 4 năm mới hòa được vào mạng lưới điện chung. Vấn đề ở ở chỗ hiệu quả sử dụng năng lượng. Theo quan sát của cá nhân, tôi thấy có ít tòa nhà ở VN được xây dựng có tính tới việc tiết kiệm điện. Chính phủ nên có dự án tiết kiệm. Và nếu các doanh nghiệp tiết kiệm từ 20-40% lượng điện sử dụng thì vấn đề thiếu điện có thể sử dụng được. Về chiến lược CSHT điện năng, phải chú trọng chất lượng của trang thiết bị. Theo con số năm 2007, 57% tai nạn là do hỏng hóc thiết bị điện, gây thiệt hại về người và của rất lớn. Vấn đề là VN thiếu quy chuẩn lắp đặt, chất lượng thiết bị kém, hơn 40% là hàng giả, hàng nhái nhập từ Trung Quốc. Do đó, bên cạnh số lượng, phải chú trọng chất lượng. Phát triển nền Công nghiệp Việt Nam “Chính sách phát triển đối với nhóm ngành CN đang có lợi thế cạnh tranh: - Không hạn chế lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tự do đầu tư phát triển; Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế...; Khuyến khích mọi hình thức xuất khẩu tới mọi thị trường, mở rộng thị trường trong nước tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa“ …Với một nền kinh tế có độ mở cao như VN hiện nay, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam có 1 thị trường nội địa lớn và vẫn còn là 1 nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu cao và lâu dài về rất nhiều loại sản phẩm công nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng cho công nghiệp quốc gia phát triển. Về môi trường đầu tư và kinh doanh, Việt nam là đất nước ổn định về chính trị, hệ thống luật pháp ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động dồi dào và trẻ, có khả năng học hỏi và thích ứng nhanh, tính cần cù, chịu đựng cao; Chính phủ có quyết tâm cao và thực tế đã chứng minh là có khả năng ứng phó với rủi ro, biến động một cách hiệu quả (bằng chứng là việc đối phó với lạm phát cao năm 2008; hoặc kết quả thu hút vốn FDI rất cao năm 2008 và 2 tháng đầu năm 2009). Mặt khác, doanh nghiệp công nghiệp VN hầu hết là DNNVV, ở góc độ nhất định dễ bị tổn thương khi xảy ra biến động xấu, song độ linh hoạt trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh lại cao hơn. (trích Định hướng chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020). Cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ Việt Nam Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chính phủ Việt Nam đã tỏ ra linh hoạt trong điều hành và đưa ra những quyết sách đồng bộ, cụ thể: Vào những tháng đầu năm 2008, khi lạm phát thế giới và trong nước leo thang, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2008 từ mức 8,5%-9% xuống còn 7% để chuyển sang ưu tiên kiểm soát lạm phát là hàng đầu với 8 nhóm giải pháp đồng bộ gồm: (1) Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ; (2) Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công; (3) Tập trung sức phát triển sản xuất công, nông nghiệp và dịch vụ; (4) Đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; (5) Thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng; (6) Tăng cường công tác quản lý thị trường; (7) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng an sinh xã hội; (8) Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền. Như vậy, nếu như năm 2007, mọi động thái để đối phó với lạm phát tăng cao chỉ có từ việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thì trong năm 2008, các chính sách triển khai đã đồng bộ, đặc biệt là có sự song hành giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa thắt chặt. Bước sang nửa cuối năm 2008, trước tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chuyển hướng mục tiêu chính sách sang chủ động ngăn ngừa suy thoái kinh tế và cụ thể hóa bằng các nhóm giải pháp như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; Kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt; Thực hiện các chính sách an sinh xã hội (bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ 61 huyện nghèo và các vùng bị thiên tai…) Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lãi suất trị giá 17.000 tỉ đồng (tương đương với 1 tỉ USD) nhằm giảm giá thành, duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân. Thomas Tobin, Giám đốc Điều hành, Ngân hàng HSBC (VN): Chúng tôi đã có những phân tích và phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế có dự báo về cán cân thanh toán của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu lên hơn 150% của GDP. Việt Nam không chỉ nên thiên về khuyến khích xuất khẩu. Qua phân tích các kịch bản khác nhau của cán cân thanh toán, trong kịch bản xấu nhất, Việt nam cần đảm bảo nền kinh tế vẫn có thể cân đối được, đảm bảo sự phát triển bền vững. David Fernandez, Giám đốc Điều hành, Phụ trách Nghiên cứu thị trường mới nổi, JP Morgan: Việc phá giá tiền tệ chưa chắc đã là phương thuốc. Việt Nam cần nới lỏng chính sách tiền tệ và có một cơ chế linh hoạt hơn. Chúng tôi thấy có khả năng giảm phát trong năm nay. Ngân hàng Việt Nam đã có những bước đi mạnh như tăng tỷ lệ bắt buộc về dự trữ. Nay cần phải đưa ra những chương trình như gói kích cầu. Cần phải tiếp tục có những nới lỏng về mặt tín dụng hiện nay. Về vấn đề cán cân thanh toán: Có khả năng năm nay, thâm hụt nặng về cán cân thanh toán. Năm ngoái là hai con số, năm nay cũng phải khoảng 5%. Cần xem xét kỹ vấn đề về cán cân thanh toán. Marijin van Tiggelen, Chủ tịch Unilever Việt Nam: Đối với công ty tiêu dùng như chúng tôi, hoạt động rất thành công. Việt Nam là thị trường tiến tới 100 triệu dân. Chúng tôi đã mở rộng quy mô hoạt động của công ty. Ngành công nghiệp tiêu dùng đang làm ăn tốt. Các sản phẩm cao cấp như trang sức, thị phần đã giảm nhưng vẫn làm ăn rất tốt. Chúng ta đang trong môi trường giảm phát. Mọi người đã không thích mua những đồ đắt tiền như tivi, xe máy, họ lại dành phần tiền tiết kiệm được mua các sản phẩm ăn uống… Về tầm nhìn trung hạn, vượt qua khủng hoảng sẽ có những triển vọng. David John Champion, Giám đốc Điều hành Bayer Việt Nam: Ở Việt Nam, quy mô các trang trại còn rất nhỏ, còn rất nhiều không gian để phát triển tiếp. Sản xuất nông nghiệp có cơ hội nâng cao năng suất lao động như sử dụng giống lúa cao sản, giống lúa lai. Chính phủ nên đặt trọng tâm vào khu vực này. Về khoa học công nghệ, ngành hóa dầu là một ngành rất mới ở việt nam. Chúng tôi sẽ không đầu tư vào Việt Nam ở thời điểm này trong ngành hóa dầu. Việt Nam đang dần dần trở thành một công xưởng của thế giới. Tôi chỉ có thể nói một câu: Việt Nam đi về tương lai, đi về hướng Bắc. Kinh tế tri thức Việt Nam Nigel Waters, Tổng giám đốc Nokia Siemens Networks tại Việt Nam ca ngợi “Việt Nam đang ở vị thế tuyệt vời” để khai thác những công nghệ tiên tiến của 3G và cung cấp dịch vụ di động đầy hấp dẫn và đẳng cấp tới người sử dụng. Cơ hội lớn cho nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ di động băng thông rộng đang ngày càng tăng trong khu vực và điều này không chỉ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhanh chóng nhận ra cơ hội đó, mà còn giữ vững vị trí dẫn đầu về công nghệ trên thị trường. Charles Goddard, Tổng biên tập của Economist Intelligence Unit cho rằng Việt Nam là thị trường tiêu dùng trẻ đầy hấp dẫn. Lực lượng lao động trẻ, ngày càng tăng về số lượng và được nâng cao về trình độ kỹ thuật, lực lượng mà mức thu nhập hiện nay đang thấp hơn đáng kể so với thu nhập của những lao động ở các nước láng giềng, là nền tảng sản xuất thôi thúc việc xây dựng các nhà máy cũng như là một thị trường người tiêu dùng trẻ đầy hấp dẫn. Lim Chuan Poh, Giám đốc Điều hành, International Operations, Singtel: Công nghệ viễn thông là một trong những ngành được điều chỉnh, quản lý rất chặt chẽ. Chúng tôi có mặt từ 12 năm trước nhưng chưa được làm nhiều, chỉ hợp tác với viễn thông trong nước. Ngành công nghiệp này đã trải qua rất nhiều thay đổi. Trong vài năm gần đây, rất nhiều nhà đầu tư tài chính tham gia. Singtel có chiến lược đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Ngắn hạn, không ảnh hưởng đến chúng tôi. Lợi nhuận vẫn tăng trong 5-10 năm. Chúng tôi coi trọng những yếu tố căn bản như tiêu dùng của người dân, khả năng chi trả của họ. Chúng tôi chú trọng vào giới trẻ trong dân số Việt Nam. Nhìn vào những cải cách về pháp lý ở Việt Nam, luật về kinh doanh chưa được rõ ràng lắm. Chúng tôi mong muốn biết rõ hơn về quyền của các bên tham gia như thế nào. Tuy nhiên vẫn có một số chắc chắn về các yếu tố trên và ảnh hưởng tới hoạt động của các công ty viễn thông. Ngọc Mai - Q.M (ghi)

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/SuKienThoiHoiNhap/2009/3/DF756752AADEA500/