Kinh tế Việt Nam một năm nhìn lại: Nỗ lực vượt sóng cả

QĐND - 2012 là năm có nhiều biến động bất thường, tác động không tốt tới việc vận hành và điều hành kinh tế trong nước. Tuy khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận…

QĐND - 2012 là năm có nhiều biến động bất thường, tác động không tốt tới việc vận hành và điều hành kinh tế trong nước. Tuy khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận…

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Dệt may 7 (Quân khu 7) vận hành thiết bị sản xúat hàng dệt may. Ảnh: Nhất Ngôn

Nổi cộm nợ xấu và hàng tồn kho

Năm 2012, nợ xấu và hàng tồn kho trở thành những vấn đề nổi cộm khiến từ người dân tới doanh nghiệp, chuyên gia và các nhà quản lý không khỏi lo lắng. Con số nợ xấu một triệu tỷ đồng “nằm chôn” ở hàng tồn kho bất động sản làm giới phân tích cảm thấy bất an. Số vốn ấy hẳn nhiên không chỉ liên quan tới nhà đầu tư, mà còn liên quan tới cả hệ thống kinh tế, bao gồm các nhà cung cấp nguyên - vật liệu xây dựng và các nhà cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư bất động sản, cụ thể là các ngân hàng. Bởi vậy, nếu thị trường bất động sản đổ vỡ sẽ gây cú sốc không nhỏ cho nền kinh tế vốn chưa thoát ra khỏi thời kỳ khủng hoảng. Chính vì thế, ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng tỏ ra hết sức sốt ruột khi trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc tới tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII vừa qua, khó khăn của thị trường bất động sản, chỉ số hàng tồn kho và nợ xấu đã tạo nên “vòng xoáy” giữa nghị trường. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải có những giải trình cụ thể trước Quốc hội về giải pháp, lộ trình tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Không chỉ lĩnh vực bất động sản gần như phải “nằm bất động”, mà nhiều lĩnh vực sản xuất khác cũng bị đình đốn do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Con số hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị giải thể, phá sản đã minh chứng rõ nét cho sự đình đốn ấy. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, lãi vay ngân hàng quá cao, trong khi các loại chi phí đầu vào khác cũng đua nhau lên giá. Điều đó vượt quá ngưỡng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, buộc họ phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản; dẫn tới công nhân bị thất nghiệp ngày càng nhiều, thu nhập xã hội vì thế cũng giảm mạnh, kéo theo tiêu dùng xã hội càng sụt giảm, khiến tình trạng hàng tồn kho thêm trầm trọng. Đó là vòng luẩn quẩn không dễ giải quyết...

Đại phẫu thuật ngân hàng

Trong bất cứ nền kinh tế nào, sức khỏe của hệ thống ngân hàng luôn phản chiếu sức khỏe của cả nền kinh tế. Vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ là ví dụ điển hình. Đây là một trong những cú sốc mạnh nhất, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, sau đó lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác và trở thành cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho đến nay...

Nằm trong vòng xoáy mang tính đô-mi-nô ấy, các ngân hàng của Việt Nam cũng trải qua giai đoạn khó khăn nghiêm trọng. Sự phát triển quá nóng, cộng với tư duy kinh doanh tài chính còn có phần đơn giản, non kém và sự “vung tay quá trán” trong việc lạm dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt trong các thương vụ đầu tư tài chính vốn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, đã khiến nhiều ngân hàng thực sự rơi vào tình trạng khó khăn. Để giải quyết hậu quả, nhiều ngân hàng thương mại đã phải “thay tướng giữa dòng”. Số tổng giám đốc, giám đốc điều hành các ngân hàng thương mại bị thay thế trong năm 2012 theo thống kê đã lên tới 18 vị.

Cũng do sự bất minh trong quá trình điều hành các ngân hàng thương mại, sử dụng các chiêu trò phạm pháp để thâu tóm ngân hàng, trong năm 2012, không ít “ông chủ” từng nắm trong tay cả hệ thống ngân hàng hùng mạnh vướng vòng lao lý, trở thành tội đồ vì trực tiếp hoặc gián tiếp gây thêm bất ổn cho nền kinh tế.

Vượt qua thử thách

Cùng với thế giới, năm 2012, nền kinh tế Việt Nam ở trong giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ khủng hoảng. Bên cạnh đó, các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng trở nên khó khăn hơn. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra từng quyết sách.

Quyết sách quan trọng nhất được Chính phủ nhắc lại rất nhiều lần là kiên trì thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, nhưng không thể không kiên trì thực hiện. Nếu không kiềm chế được lạm phát, kinh tế vĩ mô bất ổn, nguy cơ đổ vỡ cả nền kinh tế rất cao. Khi ấy, mục tiêu tăng trưởng cũng không còn ý nghĩa.

Song song với việc kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng đã và đang cố gắng tìm cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong lúc nguồn thu ngân sách đang sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiều mục tiêu kế hoạch, nhưng Chính phủ vẫn quyết định đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời khủng hoảng. Việc giãn, miễn, giảm các loại thuế, hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ đến hạn đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện, giúp người dân và doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn để duy trì, khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Kiên trì chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, kết quả, chúng ta cũng gặt hái được một số thành quả quan trọng. Có thể kể ra như: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 11,75 và 18,13 của các năm 2010, 2011; Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 114,6 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 114,35 tỷ USD, xuất siêu khoảng 284 triệu USD; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm ước đạt 5,03% - là một trong số không nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời kỳ khủng hoảng trên thế giới…

2013 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam. Phát biểu trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hồi cuối tháng 12-2012, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định rằng tình hình kinh tế thế giới trong năm 2013 sẽ còn phức tạp, xu hướng chung là phục hồi, nhưng phục hồi rất chậm. Tuy vậy, chúng ta vẫn hy vọng, với nỗ lực chung của cả thế giới và nỗ lực riêng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, nếu coi mức tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 5,3% là “đáy” thứ nhất, năm 2012 sẽ là năm kết thúc “đáy” thứ hai theo lý thuyết khủng hoảng kiểu chữ W để bắt đầu một chu kỳ phát triển mới…

MINH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/222604/Default.aspx