Kinh tế Việt Nam 2010: Nhìn qua những chỉ số

Những ngày cuối năm 2010, quý vị độc giả hãy cùng eFinance nhìn lại vài nét chấm phá trong bức tranh kinh tế đầy sôi động của đất nước, thông qua các chỉ số CPI, GDP, thu thuế, xuất nhập khẩu…

GDP tăng trưởng ấn tượng Tổng cục Thống kê vừa công bố chính thức về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính theo giá thực tế, đạt 1,98 triệu tỷ đồng; tương đương khoảng 104,6 tỷ USD (tính theo tỷ giá liên ngân hàng), nhiều hơn so với năm 2009 khoảng 13 tỷ USD. Nếu so sánh theo kỳ gốc (năm 1994), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 6,78% so với năm 2009. Con số này cao hơn gần 0,3% so với kế hoạch được Quốc hội phê duyệt đầu năm. Tốc độ tăng trưởng cũng tăng dần đều theo các quý và cao nhất vào quý IV (khoảng 7,3%). Về cơ cấu ngành, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất - 7,7%, dịch vụ tăng 7,5%, trong khi nông nghiệp chỉ tăng khoảng 2,8%. Chỉ số CPI vượt nhiệm vụ đặt ra Cũng theo Tổng cục Thống kê, mức lạm phát 2 con số của Việt Nam trong năm 2010 đã chính thức được khẳng định. Chỉ số lạm phát (CPI) của Việt Nam năm 2010 là 11,75%, vượt gần 5% so với chỉ tiêu được Quốc hội đề ra hồi đầu năm. Trong rổ hàng hóa tính CPI tính chung cả năm 2010, giáo dục là nhóm tăng giá mạnh nhất - gần 20%. Tiếp đến là hàng ăn - 16,18% và nhà ở - vật liệu xây dựng - 15,74%. Bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất giảm giá với mức giảm gần 6% trong năm 2010. Về các địa phương, việc Hà Nội và TP.HCM có mức tăng giá (lần lượt là 1,83% và 1,61%) thấp hơn so với trung bình cả nước trong tháng 12 là một diễn biến khá bất ngờ. Trong khi đó, những địa phương có mức trượt giá mạnh trong tháng (khoảng 2%) là Thái Nguyên, Hải Phòng và Gia Lai. Thu hút và đầu tư FDI tăng kỉ lục Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến cuối tháng 12/2010, cả nước thu hút được 969 dự án với tổng vốn FDI đăng ký là 17,23 tỷ USD. Tuy chỉ có 8 dự án nhưng Quảng Nam lại là địa phương thu hút FDI mạnh nhất cả nước với lượng vốn gần 4,2 tỷ USD, gấp gần 2 lần hai địa phương đứng các ở vị trí tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), năm 2010, Việt Nam đã có 107 dự án đầu tư tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng kí đạt 2,926 tỉ USD. Ngoài ra, có 9 dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 87,1 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài trong năm 2010 cả cấp mới và tăng vốn đạt khoảng 3 tỷ USD. Thu ngân sách 2010 đạt khá Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, năm 2010, ngành Thuế được Nhà nước giao chỉ tiêu thu ngân sách là 361.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, bằng nỗ lực phấn đấu, cộng với những thắng lợi của nền kinh tế nói chung, tính đến tháng 12/2010, ngành Thuế đã thu ước đạt hơn 400.800 tỉ đồng (trong đó thu từ dầu thô là 70.800 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt hơn 330.000 tỉ đồng: khoảng 35.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất và khoảng hơn 295.000 tỷ đồng thuế nội địa); vượt 11% so với dự toán pháp lệnh, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Năm 2011, ngành Thuế được Nhà nước và Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thu 451.000 tỉ đồng; trong đó dầu thô là 693.300 tỉ đồng; thu nội địa khoảng 382.000 tỉ đồng. Chứng khoán ảm đạm Năm 2010, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều bứt phá. Quay lại thời điểm kết thúc năm 2009, chỉ số VN-Index "đóng cửa" ở mốc 495,81 điểm, trong khi chỉ số HNX dừng ở mốc 168,17 điểm. Sang năm 2010, cùng với những khó khăn của nền kinh tế, xu hướng dịch vốn của nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán gần như đi ngang và thấp điểm hơn phiên cuối cùng của năm 2009. Cụ thể, tính đến 30/12/2010, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 480 điểm. Trong khi HNX-Index chỉ còn 112,64 điểm. Trong khi chỉ số UPCom chỉ còn mức 44,98 điểm. Xuất nhập khẩu cán đích The số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2010 đã đạt 64,5 tỷ USD (chưa có số liệu cả năm – PV), tăng 25% so với cùng kỳ và bằng 105,8% kế hoạch năm 2010. Trong đó, nhập khẩu cùng thời kỳ đạt trên 75,5 tỷ USD, tăng 20,7% và bằng 102% kế hoạch. Nhập siêu đến cuối tháng 11 cũng đã xấp xỉ 11 tỷ USD, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ. Theo dự báo, nhập siêu cả năm sẽ vượt mức 12 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là nước xuất siêu nhiều nhất đối với Việt Nam. Kể từ khi quan hệ hợp tác thương mại nội khối ASEAN+3 bắt đầu được triển khai từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp 24,4 lần trong 10 năm, từ 673 triệu USD năm 1999 lên 16,44 tỷ USD năm 2009. Trong khi đó, nhập khẩu hàng Việt Nam của Trung Quốc chỉ tăng tương ứng khoảng 6,6 lần, từ 746 triệu USD lên 4,91 tỷ USD. Từ xuất siêu 73 triệu USD năm 1999, đến năm vừa qua, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 11,53 tỷ USD từ Trung Quốc, con số này chiếm gần 90% tổng nhập siêu của Việt Nam. Ngoài một số hạn chế về chỉ số giá tiêu dùng, khó khăn của thị trường chứng khoán, nhưng đánh giá chung thì tổng thể bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2010 đã có gam màu sáng, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2011 tăng tốc hơn nữa với những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững đã được đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra. (VH - Tổng hợp)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/kinh-te-viet-nam-2010-nhin-qua-nhung-chi-so/201012/104549.dfis