Kinh tế Lào tiếp tục tăng trưởng ổn định

Năm 2015 là năm cuối cùng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 7 của Lào (2011 - 2015) và cũng là năm kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào (1975- 2015). Dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào và Chính phủ, kinh tế Lào tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Chợ Sáng ở Thủ đô Viêng Chăn.

Chợ Sáng ở Thủ đô Viêng Chăn.

Kinh tế Lào tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm nay, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp (1,33%), nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong kế hoạch đều đạt được. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Xổm-đi Đuông-đi cho biết, năm 2015, GDP của Lào có khả năng đạt 7,5%; tính đến cuối tháng 8 vừa qua đã huy động được khoảng 1.590 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn 2,9 tỷ USD, vượt mục tiêu 48%; tín dụng ngân hàng tăng 12,93% so cùng kỳ năm 2014; dự trữ ngoại hối tăng hơn 994 triệu USD, bảo đảm ngoại tệ cho sáu tháng nhập khẩu; ngân sách vẫn trong tầm kiểm soát. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trên cả nước, hiện còn khoảng 7%; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.800 USD vào năm 2015. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của Đảng NDCM Lào và Chính phủ Lào trong việc quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là việc mở rộng hợp tác giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều nước, nhất là với Việt Nam và các đối tác ở khu vực châu Á. Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp ba nước đứng đầu về đầu tư vào Lào và Lào là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã có 253 dự án được cấp phép đầu tư vào Lào, với tổng vốn FDI hơn 5,1 tỷ USD. Trong tám tháng đầu năm nay có thêm tám dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn FDI là 95,2 triệu USD, đưa số dự án được cấp phép đầu tư sang Lào lên 261 dự án, với tổng vốn FDI khoảng 5,22 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam đã góp phần tăng thu ngân sách cho Lào khoảng 200 triệu USD năm 2014 và ước đạt từ 240 đến 260 triệu USD năm 2015; tạo công ăn việc làm cho hơn 30 nghìn lao động. Sau khi Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam và Lào được ký kết, hai bên kỳ vọng sẽ nâng mức kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh trong các năm tới. Dự thảo nghị định của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2015-2016 của Lào đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 7,5% trở lên, GDP bình quân đầu người hơn 2.000 USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6,11%; phấn đấu đạt tỷ lệ 99% nhập học bậc tiểu học và 81% nhập học trung học cơ sở; tăng tỷ lệ nhập học giáo dục dạy nghề lên 20%; giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 45 trường hợp trong số 1.000 trẻ.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm nay sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, trong đó có Lào. Để chủ động đón những cơ hội từ Cộng đồng ASEAN, thời gian qua, Chính phủ Lào đã triển khai nhiều công tác trọng tâm phục vụ thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó tập trung nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về Cộng đồng ASEAN; sửa đổi luật và ban hành quy định nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước; phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hội nhập kinh tế và kết nối khu vực, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia “kết nối đất liền”...

Cũng với những lợi ích từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN mang lại, người dân “đất nước Triệu voi” tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào và Chính phủ, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, phát triển ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, phấn đấu đưa đất nước Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020.

Trúc Giang

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/28134502-kinh-te-lao-tiep-tuc-tang-truong-on-dinh.html