Kinh nghiệm viết bản sơ yếu lí lịch sao cho thật ấn tượng

Người mới tốt nghiệp với kinh nghiệm còn hạn chế nên đặt phần trình độ học vấn lên trước và phần kinh nghiệm ở sau.

Theo một cuộc thăm dò của trang CareerBuilder.com, 25% nhà quản lý nhân sự cho biết họ nhận được trung bình 75 hồ sơ cho một vị trí tuyển dụng và họ chỉ dành 1-2 phút để lướt qua từng bộ hồ sơ. Họ cũng cho biết chỉ quan tâm đến ứng viên có sơ yếu lí lịch thật ấn tượng. Vậy làm thế nào để có một sơ yếu lí lịch như thế? Susan Briton Whitcomb, tác giả sách “Ma thuật hồ sơ xin việc”, đã chỉ ra một số bí quyết sau: Tìm hiểu người đọc của mình trước khi bắt đầu viết sơ yếu lí lịch, xem họ đang tìm kiếm những kĩ năng, khả năng gì ở ứng viên? Xu hướng hoạt động hiện nay của công ty? Họ đang đứng trước những cơ hội nào cũng như những vấn đề cần tháo gỡ? Bạn có thể giúp ích cho họ ở những dự án nào?... Tất cả những hiểu biết đó sẽ là tiền đề để bạn viết một sơ yếu lí lịch phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của công ty. Nhấn mạnh những từ khóa quan trọng trong sơ yếu lí lịch - đó là những từ miêu tả nền tảng kiến thức, kĩ năng bạn có; trường đại học danh tiếng đã theo học, bằng cấp, kinh nghiệm bạn đạt được... Tất cả sẽ khiến nhà tuyển dụng nhớ đến bạn như một ứng viên “chất lượng”. Để biết đâu sẽ là những từ khóa đáng giá, hãy xem các mẩu đăng tuyển việc làm trên mạng hoặc trên báo, đọc kỹ phần mô tả công việc, tìm hiểu trên website riêng của công ty; đọc các tạp chí thương mại hoặc tìm hiểu thông tin từ những người trong mạng lưới quan hệ của bạn... Đặt thông tin then chốt ở vị trí trung tâm của trang giấy. Hãy liên kết những từ khóa trong phần mô tả tổng quát, trình độ học vấn, kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như trong cả thư xin việc đính kèm. Đừng vì mong muốn được nhà tuyển dụng chú ý mà lặp lại những từ khóa không đáng giá. Ví dụ, bạn lặp lại tới 9 lần từ “quản lí dự án” trong suốt hồ sơ của mình trong khi thực tế bạn có ít kinh nghiệm về lĩnh vực này. Hãy tránh điều đó. Khi viết phần mô tả bản thân, hãy cố gắng viết đoạn văn ngắn gọn, khoảng 5 - 7 dòng, tránh viết dài dòng và những câu dư thừa. Đặc biệt hãy nhấn mạnh tới tính cách, kĩ năng có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực mà bạn có. Và nhớ “tô màu” những thành công của bạn. Nếu bạn viết một sơ yếu lí lịch cho công việc đòi hỏi nhiều kĩ năng chuyên ngành, hãy khái quát thành 3 - 5 mảng kĩ năng và đặt tiêu đề cho từng mảng đó. Sau đó viết 2, 3 câu cho từng tiêu đề, đi kèm là những thành tựu và kinh nghiệm liên quan. Sắp xếp và trình bày rõ ràng, logic sẽ giúp nhà tuyển dụng tiện theo dõi hơn. Ngoài ra, hãy nhấn mạnh tới những phẩm chất của bản thân phù hợp với công việc. Với từng mục, bạn nên trình bày theo kiểu gạch đầu dòng hoặc lập bảng 2 cột để so sánh khả năng, kĩ năng của bạn phù hợp với nhà tuyển dụng ra sao. Trình bày như vậy vừa tiết kiệm khoảng không vừa dễ nhìn hơn là một trang giấy dày đặc chữ. Hãy suy nghĩ như một người viết bài quảng cáo khi viết sơ yếu lí lịch của mình: ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin cần thiết và sáng tạo khiến người đọc có mong muốn được gặp bạn trực tiếp. Vũ Huyền (Theo Career Builder)

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Thi-truong/Bat-dong-san/Kinh_nghiem_viet_ban_so_yeu_li_lich_sao_cho_that_an_tuong/