Kinh nghiệm của Gandhi vận động người Ấn dùng hàng Ấn

Cả thế giới đã dõi theo bước chân của Mahatma Gandhi trong cuộc đi bộ 240 dặm lấy muối về cho Ấn Độ. Hình ảnh con người gày gò nhỏ bé dẫn đầu hàng triệu người đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chống lại đế quốc Anh thời kỳ “mặt trời không bao giờ tắt”.

Biểu tượng “dùng hàng nội địa” trên quốc kỳ Ấn Độ

Ngay từ khi ra đời, Satyagraha - tư tưởng bất bạo lực của Gandhi đã tồn tại hai hướng hành động: Việc dùng bất bạo lực để chống lại cái xấu, không hợp tác với áp bức, bất công và hợp tác với những điều tốt đẹp, phát triển những gì tượng trưng cho công bằng, bình đẳng, tốt đẹp. Sự hợp tác đó gọi là “chương trình mang tính xây dựng” (constructive program).

Mahatma Gandi dẫn đầu đoàn "Diễu hành đi tìm Muối". Ảnh Internet.

Năm 1922, sau khi Gandhi được bầu làm lãnh đạo Đảng Quốc đại, ông đã phát động phong trào bất tuân lệnh tẩy chay các hàng hóa ngoại quốc, đặc biệt là hàng hóa của Anh. Ông kêu gọi người dân Ấn Độ mỗi ngày bỏ ra vài giờ để tự dệt vải may quần áo, với hình ảnh tượng trưng là chiếc xa quay sợi charkha.

Ông Vũ Dương Ninh - Trưởng khoa Quốc tế học, ĐH KHXH & NV Hà Nội nói: “Ấn Độ vốn là nước có truyền thống về dệt vải, dệt lụa, trồng bông, nuôi tằm. Vì ảnh hưởng của hàng Anh nên ngành nghề truyền thống này bị suy tàn. Gandhi đã phát động lại phong trào xe tơ dệt vải một mặt là để người Ấn Độ không còn phải dùng vải nhập của Anh.

Tuy nhiên, nó cũng tượng trưng cho thái độ dứt khoát từ chối nền văn minh công nghiệp vật chất máy móc hiện đại. Bản thân Gandhi, dù đã từng du học ở Anh nhưng cũng chối bỏ các âu phục, tự xe tơ dệt vải cho mình”.

Gandhi cũng đồng thời kêu gọi tẩy chay các trường học của Anh, từ bỏ các vị trí công việc trong chính phủ thực dân. Phong trào lôi kéo được cả sự tham gia của phụ nữ trên toàn Ấn Độ.

Nhiều người nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ cũng như tư tưởng của Mahatma Gandhi cho rằng, chiếc xa quay sợi trong cuộc vận động “người Ấn tự dệt vải” trở thành vật biểu trưng cho tư tưởng bất bạo lực, sự tự chủ về kinh tế và cả công cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ. Hiện trên quốc kỳ Ấn Độ có hình ảnh chiếc xa quay sợi charkha.

Diễu hành đi lấy muối

Diễu hành đi lấy muối, hay còn có tên gọi khác là Salt Satyagraha là cuộc hành trình kéo dài 240 dặm từ Ashram Ahmedabad đến bờ biển Danhi thuộc vùng biển Ảrập. Cuộc diễu hành kéo dài 23 ngày bắt đầu từ ngày 12/3/1930. Gandhi dẫn đầu đoàn diễu hành gồm 79 người đàn ông tin tưởng vào “tư tưởng bất bạo lực”. Qua mỗi ngôi làng, Gandhi dừng lại diễn thuyết, ngày càng nhiều người dân tham ra vào cuộc diễu hành muối.

Ngày 5/4/1930, Gandhi và đoàn diễu hành lúc đó đã lên tới hàng triệu người đến được bờ biển. Ông cúi xuống nhặt lên một nắm muối, phá bỏ sự độc quyền muối của thực dân Anh. Cho tới thời điểm đó, theo luật của chính quyền thực dân, việc mua bán, sản xuất muối là bất hợp pháp, người Ấn Độ buộc phải dùng muối nhập khẩu từ nước ngoài và đóng thuế trong khi bản thân Ấn Độ có khả năng tự cung cấp muối cho toàn bộ người dân Ấn.

Cuộc “đi ra biển” khiến Gandhi và 2.500 người dân khác bị tống vào tù nhưng bù lại, người dân Ấn Độ nhận ra rằng, họ có thể tự sản xuất muối cho mình, không phải phụ thuộc vào chính quyền thực dân và đóng một khoản thuế vô lý.

Năm 1915, ngay khi Gandhi từ Nam Phi trở về Ấn Độ, ông đã nhận ra rằng, bản thân Ấn Độ đang tự chấp nhận sự đô hộ của thực dân Anh. Muốn giành độc lập, chính người Ấn Độ phải vượt qua, chiến thắng tâm lý bị trị của mình trước.

Ông Vũ Dương Ninh nhận xét: “Thực dân Anh đã đánh giá thấp ý nghĩa biểu tượng của phong trào này. Phong trào này đã củng cố các khối đoàn kết, đồng thời đưa tên tuổi Ấn Độ, phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Mặt khác, Salt Satyagraha đã trở thành biểu tượng nối tiếng trên toàn thế giới về hình ảnh con người gày gò nhỏ bé dẫn đầu hàng triệu người chống lại thực dân Anh”.

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/van-hoa-nghe-thuat/201309/kinh-nghiem-cua-gandhi-van-dong-nguoi-an-dung-hang-an-340379/