Kinh doanh đồ phượt nở rộ ở Sài Gòn

Cùng với trào lưu phượt dần trở nên quen thuộc với giới trẻ, kinh doanh đồ phục vụ dân thích mạo hiểm này đang giúp nhiều người hái ra tiền.

Với dân phượt, những địa điểm càng thâm sâu, địa hình càng hiểm trở lại càng có sức hấp dẫn. Bởi vậy, việc trang bị đồ dùng cần thiết cho một chuyến phượt an toàn là điều không thế thiếu.

Lê Thanh Tùng bắt đầu mở shop bán đồ phượt năm 2010, khi phượt trở thành trào lưu rầm rộ trong giới trẻ. Ban đầu chỉ là do nhu cầu có thêm phụ kiện cho bản thân và các “chiến hữu” để đảm bảo cho các cho các chuyến đi được thú vị và an toàn, anh Tùng nảy sinh ý tưởng kinh doanh để tạo điều kiện cho những người đam mê du lịch bụi tìm kiếm những món đồ chuyên dụng hữu ích một cách dễ dàng hơn. Từ bán hàng online, Tùng mở shop tại Q.4, TP.HCM. Là một phượt thủ khá lâu năm, Tùng biết rõ những vật dụng cần thiết cho một chuyến du lịch bụi. Khách hàng đến với shop của Tùng luôn được tư vấn và cung cấp những món đồ mà dân phượt không thể thiếu. Shop kinh doanh đồ phượt của Tùng nay trở thành địa điểm thường xuyên lui tới của giới phượt thủ Sài Gòn.

 Những chiếc áo giáp này giúp những chuyến đi phượt sẽ đảm bảo an toàn. Ảnh M.Tiến

Những chiếc áo giáp này giúp những chuyến đi phượt sẽ đảm bảo an toàn. Ảnh M.Tiến

Đồ không thể thiếu của dân phượt là các loại giày bảo hộ, áo giáp, áo chống thấm, nón bảo hiểm, ba lô du lịch, túi ngủ, thùng xe máy..., vì với dân phượt, những địa điểm càng thâm sâu, địa hình càng hiểm trở lại càng có sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, các loại phụ kiện được dân phượt ưa thích như khăn rằng Nam bộ, găng tay, vớ leo núi, túi đồ dùng cá nhân, áo mưa ba lô...cũng là những món đồ được giới này săn lùng.

Tùy vào chất lượng và xuất xứ mà các mặt hàng chuyên dụng cho dân phượt hay biker có mức giá khác nhau. Nếu các mặt hàng phục vụ cho khách hàng tầm trung, những phượt thủ mới bắt đầu thì giá chỉ dao động vài chục đến 500.000-600.000 đồng/món.

Ba lô du lịch tùy loại lớn nhỏ, các dòng trung bình thường có giá từ 450.000-600.000 đồng, dòng cao cấp từ 1.500.000 - 1.8 00.000 đồng/cái; giày bảo hộ, giày leo núi có giá từ 600.000 - 2.000.000 đồng/đôi; các loại áo khoác, áo giáp bảo hộ thường có giá từ 700.000-2.000.000 đồng... Ngoài ra, còn có các sản phẩm thuộc dòng cao cấp có giá cao dành cho những phượt thủ chuyên nghiệp giá thường vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Ba lô dành cho dân phượt là loại chống thấm, phục vụ cho chuyến đi dưới mưa mà không sợ ướt hành lý. Có thể dùng nó như một chiếc phao khi cần băng qua sông, suối... Ảnh M.Tiến

Một trong những shop đồ phượt đầu tiên ở Sài Gòn, Wildshop đã hoạt động được 3 năm. Ban đầu chỉ bán hàng nhỏ lẻ qua mạng, nhưng sau khi đã có lượng khách hàng khá đông thì cửa hàng ra đời. Cửa hàng này chủ yếu hướng tới phong cách thời trang bụi bặm, đúng chất phượt chứ không bán các loại trang phục chuyên dụng như giày bảo hộ, áo giáp, quần áo thở một chiều, chống nước... Tuy vậy, dân phượt vẫn tìm đến để tìm kiếm những phụ kiện “đẹp và độc” cho những chuyến đi của mình.

Phượt đang dần trở thành hình thức du lịch được ưa chuộng bậc nhất không chỉ đối với giới trẻ. Hơn nữa, thời tiết địa hình của các địa điểm dân phượt đi qua đòi hỏi họ phải trang bị cho mình các trang phục và đồ dùng chuyên dụng khác nhau. Do đó mà lượng khách hàng tìm đến các cửa hàng bán đồ phượt gia tăng không ngừng.

“Trải qua vài chuyến “phượt”, các phượt thủ sẽ nhận thấy có rất nhiều thứ cần thiết cho chuyến đi được suôn sẻ, an toàn chứ không chỉ là việc leo lên xe và đi như ý nghĩ ban đầu của một số bạn trẻ. Vì vậy mà họ tìm đến các cửa hàng bán đồ phượt”, chủ một cửa hàng kinh doanh phụ kiện này chia sẻ.

Những chiếc nón bảo hiểm nguyên đầu này dành cho các biker, có giá từ 1,5 triệu đồng trở lên. (Ảnh M.Tiến)

Theo chủ shop Wildshop, thời gian đầu khách hàng của shop chỉ là những người bạn chung nhóm phượt, nhưng qua giới thiệu của họ trên các diễn đàn thì lượng khách đến shop tăng lên rất nhiều. FanPage của shop hiện có hơn 50.000 fans, và ngày càng gia tăng, điều đó cho thấy việc sắm cho mình những bộ trang phục vừa bụi bặm, vừa đảm bảo an toàn đang được các phượt thủ rất quan tâm.

“Từng gặp phải những sự cố trên đường như tai nạn chấn thương đầu gối, gai đâm, trượt chân khi leo núi...ở những lần phượt đầu tiên. Bây giờ, để thực hiện một chuyến phượt lên Đà Lạt, hay vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên...thì nhất định phải sắm cho mình áo giáp bảo hộ, giày leo núi, túi ngủ....để đảm bảo an toàn”, Nguyễn Đức Nguyên, một phượt thủ chia sẻ.

Tùy vào từng thời điểm trong năm mà dân phượt lựa chọn cho mình một địa điểm để đi phượt. Mỗi địa điểm lại cần đến những loại đồ dùng và trang phục khác nhau. Đồ dùng cho dân phượt vì thế không lúc nào ế ẩm.

Minh Quân - Minh Tiến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kinh-doanh-do-phuot-no-ro-o-sai-gon-post379648.html