Kim Phúc - Ngày ấy, bây giờ

Đó là ngày 8/6/1972, cách đây 43 năm. Máy bay ADG Skyrauder ném bom napalm xuống Trảng Bàng, một thị trấn nhỏ sát ranh giới tỉnh Tây Ninh, nơi có đa số cư dân là tín đồ Cao Đài...

Đó là ngày 8/6/1972, cách đây 43 năm. Máy bay ADG Skyrauder ném bom napalm xuống Trảng Bàng, một thị trấn nhỏ sát ranh giới tỉnh Tây Ninh, nơi có đa số cư dân là tín đồ Cao Đài. Những cột khói lửa bốc cao và người dân với rất nhiều trẻ em chạy ùa ra đường cái.

Một bé gái bị dính lửa napalm cháy hết quần áo, em vứt bỏ sạch và trần truồng kinh hoàng chạy giữa con đường nhựa. Em vừa khóc vừa hét lớn “Nóng quá! Nóng quá!”.

Cảnh tượng ấy lọt vào ống kính Leica của một phóng viên chiến trường của hãng thông tấn AP (Associated Press). Đấy là một bức ảnh lịch sử và chỉ ngày hôm sau đã xuất hiện trên hàng loạt các tờ nhật báo của Mỹ.

Em gái 9 tuổi đáng thương ấy tên là Phan Thị Kim Phúc, con một gia đình nghèo có bố là giáo viên và mẹ bán chè cháo. Tình cảnh của em lúc ấy thật đáng thương. Nhiều binh lính chính quyền Sài Gòn đứng gần đấy đã lấy nước dội lên người em và quấn lên em một tấm vải bạt.

Người phóng viên của hãng AP kia đã vội vã đưa Kim Phúc đi cấp cứu. Anh làm việc đó với tình thương xót một đứa trẻ vô tội có thể sắp thiệt mạng vì vết bỏng quá nặng. Anh đâu có biết tấm ảnh anh chụp đã nhanh chóng trở thành một kiệt tác ra đời đúng lúc phong trào phản chiến đang rộ lên rất cao ngay cả ở nước Mỹ. Người phóng viên đó được biết với tên là Nick Út, người về sau đã cưu mang Kim Phúc suốt gần nửa thế kỷ.

Bức ảnh "Em bé Napalm" gây rúng động thế giới

Bức ảnh "Em bé Napalm" gây rúng động thế giới

Nick Út có người anh ruột tên là Huỳnh Thành Mỹ, một phóng viên của AP đã bị tử thương tại chiến trường vào ngày 10/10/1965. Nén đau thương, mẹ của Nick Út sau đó đã xách anh đến Văn phòng AP và nói một cách cứng rắn: “Anh của nó làm cho các ông đã chết, nhà chỉ còn có mình nó là út, xin các ông nhận cho nó vào làm việc”.

Khi đó Út mới có 14 tuổi (sinh ngày 29/3/1951). Vừa ít tuổi, vừa nhỏ bé, gầy yếu nhưng AP vẫn nhận Út vào làm việc trong phòng tối với nhiệm vụ tráng phim ảnh cho các phóng viên chiến trường. Út bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh từ những tấm hình âm bản. Một năm sau anh xin phép cầm máy ảnh ra mặt trận để làm nhiệm vụ phóng viên với chiếc máy ảnh Leica M2 mặc dầu Út chỉ mới có 16 tuổi và hoàn toàn chưa qua một lớp học nhiếp ảnh bao giờ. Út xông xáo ghi lại biết bao hình ảnh chiến trường và đã bị thương tới ba lần - hai lần ở mặt trận Campuchia và một lần ở ngay gần Tràng Bảng.

Sẽ không ai nhắc đến tên Nick Út nếu không có bức ảnh lịch sử về “Em bé Napalm". Anh vinh dự được nhận Giải thưởng Pulitzer 72 (bộ môn Nhiếp ảnh) khi mới 21 tuổi. Chưa dừng lại đó về sau Nick Út còn được nhận liên tiếp nhiều giải thưởng nhiếp ảnh lớn lao khác. Đó là các giải World Press Photo, Sigma Delta Chi, APME (Associated Press Managing Editor), The George Polk Memorial Award, Oveseas Press Club...

Chiến tranh ngày càng khốc liệt và trước ngày thống nhất đất nước gần 1 tháng, ngày 22/4/1975 Nick Út bị bốc đi Mỹ. Anh phải để lại mẹ già nhưng cố mang theo người chị dâu và đứa cháu mồ côi. Đầu tiên tất cả phải ở trong trại Pendleton và sau 1 tháng được hãng AP điều qua làm việc tại Văn phòng AP ở Tokyo. Sau đó hai năm lại trở về Mỹ và làm việc tại California cho đến ngày nay.

Lại nói đến mối cảm tình đặc biệt của Nick Út với em bé Kim Phúc mà đã được anh cứu sống. Năm 1973, Út quay lại Trảng Bàng và rất vui mừng khi thấy bé Kim Phúc đã tạm thời bình phục mặc dầu lưng và tay còn chi chít sẹo sâu. Sau 1975, Kim Phúc viết thư cho chú Út nói em phải trả lời khá nhiều cuộc phỏng vấn và cũng đã được tiếp nhận nhiều sự hỗ trợ từ thiện. Cuộc đời đã gắn bó hai chú cháu với một tình thương còn hơn cả ruột thịt.

Nick Út có dịp trở lại Việt Nam nhiều lần. Năm 1989 về nước làm phóng sự về việc tìm kiếm binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Anh rất vui khi biết Kim Phúc đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng tuy vết thương vẫn còn hiện diện nặng nề sau tấm áo dài.

Năm 1993, nhận nhiệm vụ thành lập Văn phòng AP tại Hà Nội. Tháng 4/2000 anh lại có dịp trở lại Trảng Bàng và đến tháng 11/2003 anh cùng một nhiếp ảnh gia khác có vinh dự được báo The New York Time chọn đăng vào mục Cuộc chiến Việt Nam trong chuyên mục “Những hình ảnh nổi tiếng nhất thế giới”. Người thứ hai là Eddie Adams chụp bức ảnh viên tướng Loan gí súng vào đầu một người dân.

Đặc biệt là gần đây Nick Út được vinh dự nhận giải Lucie Award - một giải được coi là giải Nobel về nhiếp ảnh. Anh đã được đạo diễn nổi tiếng Tim Zinnemann dựng riêng một cuốn phim về cuộc đời Nick Út. Khi hỏi về yếu tố thành công trong nhiếp ảnh, anh đã trả lời một cách ngắn gọn là: “Phải biết yêu quý nhân vật mình chụp”. Tình cảm sâu sắc của Nick Út và Kim Phúc đã thể hiện đầy đủ nguyên tắc ấy.

Vào đầu thập niên 90, Kim Phúc được Nhà nước Việt Nam cử đi học tại Cộng hòa Cu Ba. Tại đây Kim Phúc làm quen với chàng trai lưu học sinh Bùi Huy Toàn. Đám cưới được tổ chức tại La Habana với sự chứng kiến của các cán bộ Sứ quán Việt Nam và đông đảo bè bạn. Hai người quyết định dùng số tiền mọi người tặng trong ngày cưới để đi tuần trăng mật tại nước Nga tươi đẹp...

Gia đình hạnh phúc của Kim Phúc

Một vinh dự bất ngờ đến với Kim Phúc khi được mời làm Sứ giả Hòa bình của Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hiệp quốc. Từ đó, Phúc đi khắp nơi nói chuyện và vận động chống chiến tranh, xây dựng kinh tế, văn hóa, khoa học trong hoàn cảnh hòa bình, nhất là các hoạt động về y tế giúp người già, trẻ em và người vô gia cư... Kim Phúc hiện sống tại Canada với chồng và hai con. Một vinh dự nữa đến với Kim Phúc là có mặt cùng chú Nick Út tại Triển lãm “Hình thành thế giới hiện đại” tại Bảo tàng Khoa học London thuộc Viện Bảo tàng Quốc gia Anh. Trong triển lãm có tấm hình "Em bé Napalm" năm nào và chiếc máy ảnh Leica M2 của chú Nick Út.

Điều bất ngờ là sau khi đến khai mạc triển lãm, Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngỏ ý muốn trực tiếp gặp mặt hai chứng nhân chiến tranh là Kim Phúc và Nick Út. Nữ hoàng ân cần hỏi thăm sức khỏe của hai chú cháu và rất băn khoăn khi thấy trên lưng và tay Kim Phúc còn đầy những sẹo sâu và Kim Phúc cho biết còn thường xuyên chịu đựng đau đớn bởi những vết thương này.

Nick Út và Kim Phúc gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Một tin rất vui và cảm động là sau 43 năm mang đầy thương tích trên mình, gần đây Kim Phúc được tài trợ đi điều trị vết thương bằng kỹ thuật laser tại Miami (Florida, Hoa Kỳ). Ở tuổi 52, Kim Phúc đã được một chuyên gia giàu kinh nghiệm dùng tia laser điều trị từng vết thương sâu gây nhăn nhúm da trên lưng và một phần hai cánh tay. Kim Phúc cảm động nói với các nhà báo: “Trong nhiều năm liền tôi luôn nghĩ rằng chỉ có lên thiên đường tôi mới hết những vết thương và hết đau đớn, nhưng bây giờ thiên đường đang ở ngay trước mắt tôi”.

Chúc mừng Kim Phúc và mong Kim Phúc luôn làm tròn nhiệm vụ cao cả của một sứ giả hòa bình trên thế giới.

Nguyễn Lân Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/kim-phuc-ngay-ay-bay-gio-post154410.html