Kim Jong-un nhờ “cò” Trung Quốc để có khu resort trượt tuyết

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhờ “cò” Trung Quốc nhập các thiết bị về Triều Tiên, sau khi cho quân đội xây dựng một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tầm cỡ thế giới.

Ông Kim Jong-un thưởng thức thú vui trượt tuyết

Có thể bạn quan tâm

Các phương tiện cần thiết như xe trượt tuyết, thậm chí một hệ thống cáp dài 1 dặm (do công ty Doppelmayr ở Áo sản xuất) được Kim Jong-un nhờ “cò” Trung Quốc nhập về Triều Tiên.

"Cò" TQ nhập hàng "đểu" cho ông Kim Jong-un thỏa mãn thú vui trượt tuyết

Rất nhiều công ty TQ liên quan đến vụ cung cấp phương tiện cho khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong vốn mở cửa hoạt động từ năm 2013.

Nhưng “cò” TQ rất đểu, họ nhập cho khu nghĩ dưỡng hệ thống cáp đã cũ ít nhất 30 năm, châu Âu không còn sử dụng. Nó từng được sử dụng nhiều năm trong khu resort ở một thành phố tại Áo. Khi khu resort này quyết trang bị hệ thống cáp mới, hệ thống cũ được bán cho một công ty Áo chuyên kinh doanh đồ cũ là Pro-Alpin. Đến lượt Pro-Alpin bán hệ thống cáp cũ rích này cho một công ty TQ (không nêu tên trên trang web của Pro-Alpin) và công ty này chuyển nó qua Triều Tiên.

Việc bán các mặt hàng này xem ra vi phạm lệnh cấm vận của LHQ, vốn trừng phạt Triều Tiên vì Bình Nhưỡng có chương trình hạt nhân. Lệnh cấm vận này nhắm vào các hàng hóa cao cấp, từ rượu sâm banh, trứng cá caviar, du thuyền cho đến xe con đắt tiền.

Nhưng Bắc Kinh giải trình với một ủy ban LHQ giám sát sự vi phạm lệnh cấm vận rằng TQ không vận dụng lệnh trừng phạt Triều Tiên, vì trượt tuyết là “một hoạt động bình thường” ở Triều Tiên, một quốc gia có đa số dân nghèo và thường xuyên bị thiếu ăn.

Trong báo cáo hàng năm của ủy ban LHQ hồi năm ngoái, TQ nói: “Trượt tuyết là môn thể thao phổ biến cho người dân và phương tiện trượt tuyết hoặc các dịch vụ liên quan không nằm trong danh sách hàng hóa cao cấp bị cấm”.

Báo New York Times dẫn lời các chuyên gia về Triều Tiên nói rằng lệnh cấm hàng hóa cao cấp này là một lĩnh vực có nhiều “lỗ hổng” được các nhà buôn cùng “cò” TQ khai thác triệt để, trong khi chính quyền TQ nhắm mắt làm ngơ.

Số liệu hải quan TQ cho thấy từ năm 2012 đến 2014, Triều Tiên nhập khẩu số hàng hóa cao cấp trị giá 2,9 tỉ USD, theo bản làm chứng trình quốc hội Mỹ mới đây của bà Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, ở Mỹ).

Trong số hàng hóa “lách” được lệnh cấm vận có các chiếc xe hơi Mercedes-Benz S-Class, được chụp ảnh trong báo cáo năm ngoái của ủy ban LHQ. Một công ty Mỹ đã bọc thép các xe này.

Báo cáo cũng cho biết công ty Princess Yachts International (Anh) đóng một chiếc du thuyền hạng sang giá 6 triệu USD, chuyển đến Triều Tiên và nay do lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sử dụng.

Theo Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ, năm 2014, TQ xuất khẩu qua Triều Tiên máy điện toán (trị giá 37 triệu USD), thuốc lá (30 triệu USD), xe hơi (24 triệu USD) và máy điều hòa không khí (9 triệu USD). LHQ nói ở các danh mục này, TQ là nước xuất khẩu hàng đầu qua Triều Tiên.

Khu resort trượt tuyết Masikryong của ông Kim Jong-un

TQ tranh thủ lỗ hổng lớn trong lệnh cấm vận của LHQ

Lệnh cấm vận hàng hóa cao cấp của LHQ có một lỗ hổng lớn là mỗi nước được phép định nghĩa thế nào là hàng hóa cao cấp. Mỹ công bố một danh sách hàng hóa cao cấp chi tiết, như bàn trang điểm, ống nhòm, máy truyền hình lớn hơn 29 inch. EU nêu các phương tiện để trượt tuyết, đánh golf, lặn và thể thao dưới nước đều là hàng hóa cao cấp, cấm xuất khẩu chúng cho Triều Tiên.

Nhưng TQ không lập danh sách nào, không tôn trọng danh mục cấm của các nước khác, theo báo cáo của ủy ban LHQ. Vì không bao giờ xác định thế nào là hàng hóa cao cấp, TQ có thể cãi rằng hệ thống cáp của khu resort của ông Kim Jong-un là được phép sử dụng, thậm chí bào chữa rằng đó là phương tiện dành cho quần chúng nhân dân Triều Tiên.

Từ ví dụ về các phương tiện trượt tuyết, ngay cả các lệnh trừng phạt hiện nay cũng chẳng tác động nhiều đến Triều Tiên. Các lệnh cấm vận của LHQ có từ năm 2006 và từ đó siết thêm, vẫn cho phép TQ buôn bán với Triều Tiên về các lĩnh vực như xăng dầu, ngân hàng, vận tải, hàng hóa cao cấp... trị giá hàng tỉ USD cũng “lọt” vào Triều Tiên.

Các chuyên gia về Triều Tiên nói dù hàng hóa cao cấp chỉ là vấn đề nhỏ, chúng giúp ông Kim có được sự trung thành của một bộ phận các quan chức quyền thế, giúp bảo vệ chính phủ của ông.

Ai lãnh "cú tát của Bình Nhưỡng đối với người khuyên nên kiên nhẫn và đối thoại với Triều Tiên?"

Căng thẳng giữa Mỹ với TQ về kho vũ khí hạt nhân (VKHN) của Bình Nhưỡng lại bùng nổ, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố từ ngày 8.2 đến 25.2, có thể Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa tầm xa để đưa vệ tinh quan sát Trái đất thứ hai của Triều Tiên lên quỹ đạo.

Mỹ và đồng minh cho rằng mục đích thật của vụ phóng này là nhằm phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể gắn đầu đạn hạt nhân, để tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc và cả bờ biển phía tây nước Mỹ.

Trước đó, ngày 6.1, Triều Tiên cho nổ quả bom hạt nhân thứ tư, khoe đó là lần thử quả bom nhiệt hạch đầu tiên. Hội đồng Bảo an LHQ đang bàn khả năng áp các mức trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Ảnh vệ tinh chụp bãi phóng tên lửa của Triều Tiên

Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương, nói vào ngày 3.2 rằng vụ phóng tên lửa sắp tới “sẽ là cái tát cho những ai khuyên cần kiên nhẫn và đối thoại với Triều Tiên chứ đừng trừng phạt”. Ý ông Russel ám chỉ TQ.

Tuyên bố của Triều Tiên là một thất bại lớn của Bắc Kinh, chỉ vài giờ sau khi nhà ngoại giao cao cấp Wu Dawei đến Bình Nhưỡng, với mục tiêu thuyết phục Triều Tiên không thực hiện vụ phóng trong một tuần TQ đón Tết Nguyên đán.

Trở về Bắc Kinh ngày 4.2, ông Wu thừa nhận với các nhà báo rằng TQ không thể cản đồng minh cứng đầu cứng cổ: “Tôi đã nói tất cả những điều cần nói và cũng đã làm việc phải làm, nhưng tôi không biết kết quả sẽ thế nào”.

Ngày 5.2, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện điện thoại với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình về kế hoạch thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhà Trắng sau đó cho biết hai lãnh đạo “tái khẳng định quyết tâm hoàn thành việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Họ đồng ý một cuộc phóng thử sẽ vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ và “một phản ứng quốc tế mạnh mẽ và đoàn kết với sự khiêu khích của Triều Tiên là rất quan trọng”.

TQ hy vọng sẽ tránh được sự trừng phạt nặng nề hơn vì sợ Triều Tiên sẽ trở thành một láng giềng thù địch. Đây là một chính sách mà các nhà ngoại giao nói do ông Tập xác định hồi hè năm ngoái.

Chính vì thế, TQ kêu gọi bình tĩnh, sau khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cho quân đội Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm kiểm soát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói rằng TQ đã thảo luận với Bình Nhưỡng về việc Bắc Kinh không muốn chứng kiến bất kỳ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/kim-jong-un-nho-co-trung-quoc-de-co-khu-resort-truot-tuyet-286483.html