Kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách cán bộ

Công tác xây dựng ngành ở Bộ Ngoại giao luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu coi hoạt động ngoại giao là “chiến trường” thì xây dựng ngành là củng cố “hậu phương”. Muốn giành được thắng lợi ngoài chiến trường thì phải có hậu phương vững chắc.

Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, công tác xây dựng ngành đã được triển khai mạnh mẽ và có nhiều bước cải tiến đột phá, tạo ra động lực mới cho Bộ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn mới.

Về kiện toàn tổ chức bộ máy

Theo Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao (BNG), ngoài các nhiệm vụ trọng tâm là Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế, Ngoại giao văn hóa và Công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, BNG được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, đó là: Tham mưu cho Chính phủ trong việc xác định, quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia; quản lý hoạt động di trú của công dân Việt Nam ra nước ngoài; phục vụ phát triển kinh tế; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đối ngoại ở Trung ương và các địa phương…

Để đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ nêu trên, BNG đã tiến hành các bước kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cấp, điều chỉnh và thành lập mới một số đơn vị trong Bộ. Bộ máy tổ chức của Bộ được cơ cấu lại gồm 34 đơn vị trong nước (26 đơn vị hành chính nhà nước và 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ) trong đó có 04 đơn vị cấp Tổng cục. Về cơ bản, đến nay, bộ máy tổ chức BNG đã được kiện toàn hợp lý hơn, có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thực thi đúng và có hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ được giao.

Đối với các Cơ quan đại diện (CQĐD) ở nước ngoài, trong những năm qua, Bộ đã tiến hành củng cố và mở rộng thêm hệ thống CQĐD ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại của ta với các nước và các khu vực. Cho đến nay, Việt Nam đã có 96 CQĐD, trong đó có 71 Đại sứ quán, 20 Tổng lãnh sự quán, 4 Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh các Tổ chức Quốc tế và 1 Văn phòng đại diện. Việc Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài được ban hành và có hiệu lực ngày 2/9/2009, có ý nghĩa rất quan trọng, đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để đảm bảo vai trò của CQĐD trong việc thống nhất quản lý đối ngoại ở nước ngoài và chuẩn hóa hoạt động của các CQĐD. Hiện này, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức triển khai Luật, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CQĐD.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ sau khi có Nghị định sửa đổi NĐ 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ.

Về đào tạo nguồn nhân lực

Song song với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ cũng được triển khai mạnh mẽ. Đội ngũ cán bộ Ngoại giao đang ngày càng được củng cố, tăng cường và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức Ngoại giao có bản lĩnh chính trị-tư tưởng vững vàng và có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ. Gần 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ có trình độ đại học và trên đại học, trong đó hơn 23% có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Hầu hết các cán bộ, công chức của Bộ sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ, hơn 20% sử dụng tốt từ 2 ngoại ngữ trở lên. Bên cạnh lớp cán bộ ngoại giao trưởng thành, nhiều kinh nghiệm, gắn bó và cống hiến cho ngành, Bộ đã có một lớp cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, năng động, tự tin, có trình độ và kỹ năng tốt.

Có được đội ngũ cán bộ đạt chất lượng như vậy là do Bộ đã có quy trình đào tạo cán bộ thường xuyên và đều khắp thông qua các hình thức: đào tạo dài hạn cho các cán bộ chuyên sâu; đào tạo ngắn hạn cho cán bộ đi luân chuyển; đào tạo tiền công vụ cho cán bộ mới tuyển dụng. Hàng năm có khoảng 1.200 cán bộ được cử đi đào tạo các khóa dài hạn và ngắn hạn, cả ở trong và ngoài nước.

Ngoài việc đào tạo chung, Bộ đã rất quan tâm đến việc xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu về nước, khu vực, các tổ chức quốc tế và các lĩnh vực chuyên ngành như kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế, biên giới-biển đảo, các vấn đề dân chủ-nhân quyền-tôn giáo, coi đây là đội ngũ nòng cốt của Bộ. Bộ đã tiến hành các chế độ đãi ngộ thích hợp nhằm khuyến khích các cán bộ có khả năng phát triển trở thành chuyên gia. Đến nay, đã có 93 cán bộ, công chức được phong danh hiệu chuyên gia, trong đó có 55 chuyên gia cấp Bộ và 38 chuyên gia cấp Vụ.

Trong thời gian tới, để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trong đó xác định: "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong ba khâu đột phá nhằm đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", Bộ Ngoại giao đang tích cực xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020. Mục tiêu chủ đạo của Đề án là chuẩn mực hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao chính quy, hiện đại và chuyên nghiệp, có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại trong tình hình mới.

Về chế độ chính sách cán bộ

Công tác xây dựng và thực hiện chế độ chính sách cán bộ luôn được Bộ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Mục tiêu chính của công tác này là nghiên cứu và đưa ra được các chính sách, chế độ đãi ngộ tốt nhất cho cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao, trên cơ sở vừa đáp ứng được đặc thù của ngành vừa phù hợp với quy định của Nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, đồng thời động viên, khích lệ được cán bộ, công chức yên tâm và nhiệt tình với công việc.

Trong những năm qua, chế độ chính sách đối với cán bộ của Bộ đã được triển khai tốt và có nhiều cải tiến. Cụ thể: (i) Công tác thi đua, khen thưởng, nâng lương, nâng ngạch, chuyển ngạch cho cán bộ, công chức đã được tiến hành thường xuyên, theo đúng quy trình và đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quyền lợi chung của cán bộ; (ii) Công tác luân chuyển, quy hoạch và đề bạt cán bộ được tiến hành theo đúng tiêu chí: công bằng, công khai và chất lượng; (iii) Xây dựng được quy chế phong và công nhận danh hiệu chuyên gia BNG, chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với chuyên gia. Chính sách này đã động viên và khuyến khích được các cán bộ có năng lực và tâm huyết đóng góp cho ngành; (iv)Triển khai việc phong hàm ngoại giao định kỳ cho cán bộ của Ngành Ngoại giao theo Pháp lệnh về hàm cấp ngoại giao. Hiện nay Bộ đang triển khai phong hàm Đại sứ và sẽ tiến tới triển khai phong hàm từ Công sứ đến Tùy viên, kèm theo đó là xây dựng chế độ lương hoặc chế độ phụ cấp gắn với hàm ngoại giao. Đây được coi là một bước cải tiến lớn trong chính sách cán bộ của Bộ, vì đã xây dựng được chế độ đãi ngộ phù hợp theo đúng đặc thù của ngành; (v) Triển khai những biện pháp nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt cho cán bộ công tác tại các Cơ quan đại diện nước ngoài, trong đó có việc phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ157/2005/NĐ-CP ngày 23/12/2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Thông tư liên tịch về mở rộng chế độ sinh hoạt phí ngoài nước đến phu nhân/phu quân của Tùy viên và nhân viên CQĐD.

Nhìn lại những năm qua, có thể đánh giá rằng, công tác xây dựng ngành của BNG với trọng tâm là kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ và chế độ chính sách cán bộ đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện với tư duy sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tích đối ngoại to lớn của ngành Ngoại giao.

Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ TCCB

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2011/12/48A19B47E8E3CF7E/