Kiên quyết khởi kiện doanh nghiệp chây ỳ

Việc cố tình nợ tiền BHXH, BHYT là hành vi vi phạm pháp luật về LĐ và xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban Thu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - về thực trạng và biện pháp giải quyết nợ đọng BHXH, nhằm đảm bảo nguồn thu và quyền lợi của người lao động.

Thưa ông, thực trạng nợ BHXH, BHYT hiện nay ở mức nào?

- Nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và giảm nợ tiền đóng BHXH, BHYT tới mức thấp nhất là mục tiêu hàng đầu của các cơ quan BHXH. Tuy nhiên, tình trạng trây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn cả nước.

Tính đến hết tháng 8.2012, các đơn vị, DN trên toàn quốc nợ BHXH, BHYT lên tới trên 8.120 tỉ đồng (bằng 7,4% so với kế hoạch giao thu), trong đó riêng nợ BHXH là 5.973 tỉ đồng. Đến nay, BHXH VN đã khởi kiện 408 đơn vị ra tòa, với tổng số tiền thu được qua thi hành án là 55 tỉ đồng (chưa kể các đơn vị hòa giải và đã nộp tiền nợ BHXH, BHYT).

Đặc biệt có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Có trường hợp chủ DN trích trừ tiền đóng BHXH, BHYT của NLĐ nhưng không nộp, hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì DN chỉ nộp một ít mang tính chất đối phó rồi hứa sẽ trả dần.

Nhiều trường hợp thanh tra LĐ ra quyết định xử phạt hành chính về nợ tiền đóng BHXH, BHYT nhưng DN không chấp hành nộp phạt. Thậm chí, có một số DN bị kiện ra tòa về việc chậm đóng BHXH, BHYT nhưng vẫn không chấp hành các phán quyết của tòa án!

Trong bối cảnh chung đó, việc kiểm tra, xử phạt của cơ quan BHXH hiệu quả ra sao, thưa ông?

- Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đối với các đơn vị đóng chậm, đóng không đủ số người, đóng không đúng thời gian... thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, quy định trên còn nhiều bất cập như: Mức xử phạt rất thấp, thủ tục xử phạt cồng kềnh... nên chưa phát huy được tính tích cực.

Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, không được xử lý vi phạm, xử phạt, vì vậy khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng LĐ vi phạm pháp luật về BHXH chỉ được phản ánh với các cơ quan chức năng để xử phạt. Vì lẽ đó, khi cơ quan BHXH kiểm tra, phát hiện rất nhiều vi phạm, nhưng việc xử lý sai phạm kết quả thu được rất ít hoặc DN vẫn chưa bị xử lý!

Không phải nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc của đơn vị sử dụng LĐ hạn chế, mà họ cố tình đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng. Do đó khi tiến hành kiểm tra thì DN cố tình tìm mọi cách né tránh, không có tinh thần hợp tác... Trong khi đó thì sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan BHXH trong việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT còn hạn chế.

Theo ông cần phải có giải pháp cấp bách gì để thu hồi nợ đọng BHXH và đảm bảo quyền lợi NLĐ trong thời gian tới?

- Nếu ngành BHXH không có công cụ xử lý tốt thì số nợ BHXH sẽ tiếp tục tăng cao. Có một thực tế: Vì lãi nợ BHXH chỉ bằng lãi suất ngân hàng, do vậy DN sẽ chiếm dụng tiền BHXH để quay vòng kinh doanh và chấp nhận chịu phạt! Và như vậy, quyền lợi NLĐ sẽ bị thiệt hại theo dây chuyền.

Hiện BHXH VN đang có kế hoạch sẽ kiên quyết đưa ra tòa đối với những DN có số LĐ đông và nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Đồng thời sẽ đánh vào thi đua đối với các địa phương để nợ đọng BHXH và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin đề nghị các giải pháp hỗ trợ như cho phép dãn nợ bảo hiểm 3 hoặc 6 tháng...

Với cơ quan BHXH, để làm tốt công tác thu hồi nợ đọng, BHXH VN đã chỉ đạo toàn ngành tập trung công tác quản lý thu, trước hết là phải nắm chắc danh sách các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; nắm chắc số lao động trong từng đơn vị, DN và tiền lương, tiền công chủ sử dụng LĐ trả cho từng NLĐ... trên cơ sở đó để quản lý đối tượng và quản lý thu một cách có hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền để chủ sử dụng LĐ và NLĐ hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước. Đồng thời phải tuyên truyền để NLĐ phải tự đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình, đừng để chủ sử dụng chiếm đoạt vì mục đích khác và cùng phối hợp tốt với cơ quan BHXH khởi kiện chủ sử dụng LĐ vi phạm ra tòa.

Cũng cần sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật về LĐ, BHXH và BHYT. Cần thành lập các tổ thu hồi nợ liên ngành (lao động thương binh - xã hội, thanh tra, liên đoàn lao động...) và tiếp tục khởi kiện các đơn vị nợ BHXH ra tòa, theo dõi chặt chẽ việc thi hành án (đối với doanh nghiệp phá sản) để trích trừ số tiền đóng BHXH.

- Cảm ơn ông!

Một số địa phương dẫn đầu về nợ BHXH
TPHCM nợ BHXH khoảng 1.670 tỉ đồng (chiếm trên 8% kế hoạch giao); tỉnh Bến Tre nợ khoảng 110 tỉ đồng (chiếm trên 13% kế hoạch giao); tỉnh Bình Dương nợ 430 tỉ đồng (chiếm trên 8% kế hoạch giao); TP.Hà Nội nợ 992 tỉ đồng (chiếm trên 7,1% kế hoạch giao); tỉnh Đồng Nai nợ 370 tỉ đồng và Quảng Ninh nợ 143 tỉ đồng tiền BHXH… (Nguồn BHXH Việt Nam)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/kien-quyet-khoi-kien-doanh-nghiep-chay-y/84590.bld