Kiên quyết “giải cứu” sông Đồng Nai

Tại các buổi tiếp xúc với cử tri TP. Hồ Chí Minh từ 23 – 25-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đảng, Chính phủ và Quốc hội rất quan tâm tới vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai mà cử tri đã phản ánh, đồng thời sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết.

Vụ phát hiện xả thải mới nhất tại khu vực rạch Bà Chèo

nối với sông Đồng Nai tháng 6-2012

Ảnh: HỒNG PHÚC

"Chúng tôi (Tổ ĐBQH) sẽ bàn với các cơ quan trung ương để có giải pháp cụ thể trong thời gian sớm nhất, bởi vì vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho người dân hai bên dòng sông này là rất lớn, rất đại sự. Riêng TP. Hồ Chí Minh, hiện nay kể cả vãng lai đã trên 10 triệu người, tính thêm Đồng Nai, Bình Dương đã trên 20 triệu rồi, do đó có thể thấy rằng không có biện pháp ngay thì sẽ rất nguy hiểm. Bản thân tôi từng ở thành phố nhiều năm nên tôi rất hiểu thực trạng này”. Chủ tịch nước hứa với cử tri, ngay sau buổi tiếp xúc, sẽ chỉ đạo, giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn việc xả thải trái phép trên lưu vực sông Đồng Nai.

Trước bức xúc của hàng triệu người dân sống ven lưu vực sông Đồng Nai, trong tháng 6-2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh mục "Dự án quản lý ô nhiễm khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy”. Cho đến nay, dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết tài trợ, với tổng kinh phí lên tới 58,85 triệu USD, trong đó tính riêng khoản hỗ trợ ODA là 55 triệu USD. Dự án đã mở ra một bước quan trọng trong việc tăng thiết chế quản lý ô nhiễm, đặc biệt là kiểm soát xả thải hóa chất công nghiệp ra lưu vực sông Đồng Nai. Qua đó, từng bước hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tại các KCN trên lưu vực sông đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, đảm bảo an toàn về môi trường trước khi đổ ra sông Đồng Nai.

Như Đại Đoàn Kết đã có bài phản ánh, kết quả nghiên cứu xác định mức độ ô nhiễm môi trường do Công ty CP Sonadezi Long Thành xả thải tại rạch Bà Chèo (xã Tam An, huyện Long Thành, nối với sông Đồng Nai), do Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện đầu năm 2012 đã lên mức báo động. Tính trung bình từ 2008 –2011, đã có trên 113 ha trong tổng số hơn 680 ha diện tích tự nhiên của rạch Bà Chèo bị ô nhiễm, gây thiệt hại 100% sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên,… Theo cảnh báo của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường, toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành do ô nhiễm hiện đã không còn khả năng tiếp nhận nước thải. Chỉ tính riêng nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành hiện đã có công suất thiết kế 10.000m3/ngày đêm, thu gom nước thải của khoảng trên 40 công ty thuộc KCN Long Thành. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dệt nhuộm có lưu lượng xả thải lớn, vượt quá giới hạn đã gây ảnh hưởng tới hệ thống xử lý nước thải của Sonadezi. Từ 2009 đến nay, công ty này từng bị xử phạt hành chính nhiều lần do có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn từ 2-5 lần.

Do quá bức xúc, đến nay đã có trên 270 hộ dân khu vực rạch Bà Chèo nộp đơn yêu cầu công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi Long Thành phải bồi thường khoản tiền gần 19 tỷ đồng do hành vi xả thải gây thiệt hại đến sản xuất và môi trường. Về phía Viện Môi trường và Tài nguyên, qua kết quả nghiên cứu, đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai có các biện pháp thẩm định thiệt hại, xác định nguyên nhân, đối tượng xả thải trái phép để đền bù thỏa đáng cho người dân dọc lưu vực sông.

Trước vụ Sonadezi, Viện Môi trường và Tài nguyên cũng là đơn vị được Bộ TN-MT giao nghiên cứu, đánh giá thiệt hại trên sông Thị Vải vào năm 2009. Kết quả, Công ty Vedan sau đó đã phải thừa nhận việc gây ô nhiễm trên 89% lưu vực sông này và chấp nhận bồi thường hàng trăm tỷ đồng cho nông dân thuộc 9 xã của 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.

LÊ ANH

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=52127&menu=1366&style=1