Kiên Giang thiếu công nhân ngành chế biến thủy sản

(baodautu.vn) Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, với nhu cầu tuyển dụng trên 2.000 công nhân. Thế nhưng, các doanh nghiệp này đang trong tình trạng thiếu công nhân trầm trọng.

Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành) đang có nhu cầu tuyển thêm 150 công nhân, nhưng số vừa tuyển dụng cũng chỉ bù đắp số công nhân tự ý bỏ việc. Ông Dương Quốc Tuấn, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng 150 công nhân, Công ty vừa thông báo bao ăn thêm buổi chiều nếu tăng ca và tăng 10% lương, nâng tổng mức thu nhập tối thiểu của công nhân lên 2 triệu đồng/người/tháng. “Nếu công nhân mới vào làm khoán sản phẩm không đạt mức thu nhập tối thiểu, Công ty sẽ bù thêm cho đủ 2.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Công ty còn thưởng 100.000 đồng cho công nhân nào giới thiệu được lao động vào làm việc. Thế nhưng, Công ty vẫn trong tình trạng thiếu công nhân”, ông Tuấn lo ngại. Chị Nguyễn Thị Trân, công nhân một nhà máy chế biến thủy sản xuất nhập khẩu ở phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá) cho biết, với công việc sơ chế thủy sản, tuy không nặng nhọc, nhưng điều kiện lao động rất khắc nghiệt. Để có thu nhập mỗi tháng trên 2 triệu đồng/người, công nhân phải làm việc thủ công liên tục trong tư thế đứng hơn 10 giờ/ngày. Thêm vào đó, điều kiện và môi trường làm việc phải qua nhiều công đoạn tiệt trùng rất phức tạp và mất nhiều thời gian. “Dù mức lương hàng tháng đã tăng thêm khoảng 500.000 đồng so với những tháng trước và chất lượng buổi ăn trưa đã được cải thiện, nhưng thu nhập của công nhân vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho bản thân, nên khi có công việc khác tốt hơn, công nhân sẵn sàng bỏ việc”, chị Trân cho biết. Thời gian qua, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền đã phải từ chối và để vuột nhiều đơn hàng xuất khẩu, do thiếu gần 500 công nhân. “Nhà máy của chúng tôi chỉ hoạt động được 60% công suất, do lao động thường xuyên biến động. Nhiều khi có đơn hàng lớn, nhưng Công ty không dám ký, vì lo ngại thiếu công nhân”, đại diện Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền cho biết. Ông Trần Quốc Bửu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang cho biết, Khu cảng cá Tắc Cậu đang thiếu hơn 1.000 công nhân. Việc thiếu hụt và biến động công nhân theo mùa vụ như mọi năm là bình thường, nhưng năm nay, tình hình căng thẳng hơn và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc nâng lương, giảm giờ làm và chăm lo các phúc lợi chính sách cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho công nhân. Có như vậy, mới thu hút và giữ được công nhân”, ông Bửu nhấn mạnh. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, để giải bài toán nâng lương cho công nhân là việc làm không đơn giản. Nguyên nhân là do giá đầu vào như nguyên liệu, lãi suất ngân hàng, chi phí nhiên liệu và giá điện đều tăng cao, trong khi giá hàng xuất khẩu tăng chưa tới 10%. Không những thế, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu còn đang bị các đầu nậu thu gom mực và cá để xuất sang Trung Quốc làm khó, khi thu gom với giá cao hơn 10-20%.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/doisongxahoi/093d487a7f000001018d807c63d9fded