Kiểm tra chuyên ngành vẫn nhiều, quá mức cần thiết

(HQ Online)- Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP cho thấy thủ tục quản lý chuyên ngành năm 2015 chưa có chuyển biến đáng kể, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm 2014.

Việc kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa trước khi thông quan do các bộ quản lý chuyên ngành đặt ra đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và hải quan. Ảnh: L.Bằng

Theo đánh giá của doanh nghiệp, thủ tục quản lý chuyên ngành do các bộ ngành đặt ra chưa có chuyển biến đáng kể (trừ quy định về hồ sơ kiểm dịch thực vật đã đơn giản hơn trước khá nhiều, giảm khoảng 60%).

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30 – 35% tổng số lô hàng nhập khẩu, không giảm so với năm 2014.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Kiểm tra chuyên ngành nhiều, quá mức cần thiết. Theo kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ khoảng dưới 1% số trường hợp không đạt yêu cầu, điều này đòi hỏi phải chuyển mạnh sang hậu kiểm và kiểm tra trên cơ sở quản lý rủi ro như Nghị quyết đã yêu cầu.

Đa số các doanh nghiệp cho rằng thủ tục, thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành năm 2015 không thuận lợi hơn cho doanh nghiệp so với trước.

Song, điều đáng quan ngại là các bộ ngành chậm chuyển động trong việc cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Nghị quyết 19 yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành. Thế nhưng mới chỉ có một số Bộ (gồm: Tài chính; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ động triển khai các hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Các Bộ còn lại về cơ bản chưa thực hiện nhiệm vụ này.

“Hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là vấn đề kiểm tra chuyên ngành. Những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành không chỉ là nguyên nhân dẫn tới thứ hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong hai năm gần đây (mỗi năm giảm 1 bậc), mà còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Nhìn chung, các vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lắng nghe và giải quyết thỏa đáng. Chính vì vậy, có những vướng mắc, bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị nhiều lần, nhiều năm, mà vẫn không được giải quyết.

“Điều này khiến doanh nghiệp nản lòng, không muốn đóng góp; gây bức xúc không đáng có đối với chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Dán nhãn năng lượng làm khó doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Một trong những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay liên quan tới kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương là thủ tục dán nhãn năng lượng.

Sau một thời gian thực hiện dán nhãn năng lượng, thủ tục này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không dám nhập hàng về vì ngại chi phí lưu kho cao, cũng như không thể thông quan hàng hóa vì chưa có nhãn năng lượng.

Theo quy định, hàng hóa muốn thông quan thì phải có nhãn năng lượng, và để có được nhãn năng lượng thì doanh nghiệp phải có sản phẩm (hàng mẫu) mang đi đo kiểm và làm bộ hồ sơ gửi Bộ Công Thương để được xem xét cấp chứng nhận nhãn năng lượng. Việc cấp nhãn năng lượng cho một model sản phẩm chỉ có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn, nếu muốn tiếp tục lưu thông dòng model sản phẩm này thì doanh nghiệp phải làm bộ hồ sơ khác để được xem xét cấp chứng nhận mới.

Thực tiễn thực hiện ở các doanh nghiệp cho thấy, thủ tục này tốn nhiều thời gian và chi phí .

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục này từ 1,5 - 2 tháng; chi phí đo kiểm cho một mẫu tivi từ 3 - 4 triệu đồng, tủ lạnh từ 7-8 triệu đồng...

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-tra-chuyen-nganh-van-nhieu-qua-muc-can-thiet.aspx