“Kị sĩ” nông dân và nỗi nhọc nhằn mưu sinh thường nhật

Chưa hết lâng lâng hạnh phúc sau khi đoạt danh hiệu “mã vương” Hội đua ngựa Báo Nông thôn ngày nay (NTNN)-Phú Sơn Bắc Ninh 2015, “kị sĩ” người dân tộc Tày Vàng Văn Huỳnh (xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã phải trở về với thực tại cùng bao nỗi nhọc nhằn mưu sinh thường nhật…

Có tiền mua áo ấm cho con

Trái ngược với vẻ mạnh mẽ oai dũng khi cùng chú ngựa đã 13 tuổi được đặt tên Hắc Mai Côi tung hoành trên đường đua sân vận động Suối Hoa (TP.Bắc Ninh) cuối năm qua, trở về đời thường, Huỳnh với vẻ ngoài thấp nhỏ khiến người mới tiếp xúc lần đầu có cảm giác như anh có phần nhút nhát.

Có lẽ thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà đơn sơ của Huỳnh chính là những lá cờ lưu niệm, giấy khen ghi nhận thành tích từng 3 lần liên tiếp vô địch giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà 2011, 2012, 2013 được Huỳnh cẩn thận đóng khung. Chỉ sang vợ và 2 con nhỏ, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi, Huỳnh trải lòng: “Nhờ vợ quán xuyến hết việc nhà em mới có thể thỏa niềm đam mê đua ngựa. Thanh niên chúng em trên này nếu chỉ biết mỗi đua ngựa thì không lấy vợ nổi đâu.

Hàng ngày vẫn phải làm thêm nhiều việc, cùng ngựa thồ hàng, thồ ngô, sắn cho người ta, rồi bốc vác, phu hồ chúng em cũng làm hết. Có những năm tết đến nơi rồi mà không mua được chiếc áo mới cho con. Vợ em thì ngày thường ra sao, đến tết vẫn ăn mặc vậy thôi”.

Nài ngựa Vàng Văn Huỳnh và chú ngựa 13 tuổi Hắc Mai Côi đoạt danh hiệu “mã vương” Hội đua ngựa Báo NTNN-Phú Sơn Bắc Ninh 2015. Ảnh: Trần Quang

Hỏi Huỳnh bí quyết nào để “biến” những chú ngựa ngày thường chỉ biết thồ hàng bỗng trở nên dũng mãnh trên đường đua, Huỳnh thật thà chia sẻ: “Em nghĩ bí quyết chỉ là cái tình thôi. Mình thương ngựa, hiểu nó thì nó cũng thương mình, nghe mình khi cùng nhau lao động cũng như khi tung vó trên đường đua.

Ngày thường lao động vất vả cũng là luyện tập sức bền thể lực rồi. Gần đến giải đấu khoảng nửa tháng thì sẽ bớt việc thồ hàng cho ngựa, thay vào đó là luyện tập leo dốc, chạy nước đại, làm quen sân… Em thường đeo lục lạc cho ngựa để nó có sự tập trung cao nhất, không bị phân tâm bởi những âm thanh xung quanh”.

“Trước khi cùng ngựa xuống Bắc Ninh, em xác định chỉ đi giao lưu thôi. Phần vì ngựa đã già lại bị chấn thương ở chân cách đó nửa tháng, phần vì em cũng hơi lo vì ngay trước ngày xuống Bắc Ninh, khi đang đi xe ra sân vận động trung tâm Bắc Hà tưới nước vào những gốc cây to để cầu may như truyền thống thì xe lại đâm vào mảnh bát vỡ, nổ lốp…” - Huỳnh kể.

Nhưng rồi vượt qua tất cả, Huỳnh cùng Hắc Mai Côi đã thi đấu hết mình, cống hiến cho người dân Kinh Bắc những màn chạy nước đại mãn nhãn không thể nào quên. “Với gia đình em, số tiền thưởng 30 triệu đồng cho danh hiệu “mã vương” vô cùng đáng quý. Ở tuổi 13, Hắc Mai Côi khó có thể đạt thành tích cao nữa trong những mùa giải tới và chắc em sẽ phải tìm mua một con ngựa non để chăm sóc, huấn luyện nó trở thành “Hắc Mai Côi đệ nhị”. Tết này, cũng sẽ có tiền để mua cho vợ con tấm áo ấm mặc đi chơi rồi” - Huỳnh bộc bạch.

Hẹn ngày tái ngộ

Cùng chung tâm sự với Huỳnh, ngay trước ngày cùng ngựa Bất Hối xuống Bắc Ninh dự hội, nài ngựa Vàng Văn Thức vẫn phải tranh thủ đi chở ít gạch về sửa lại căn nhà cho em trai chuẩn bị lấy vợ. “Trước khi đi em tự nhủ sẽ cố gắng đoạt giải để có chút tiền mừng giúp em trai làm vốn sau khi lập gia đình. Năm nay chỉ được giải Ba với phần thưởng 10 triệu đồng nhưng em cũng vui lắm rồi. Tiền thì quan trọng thật, nhưng đặc biệt hơn là giải đua ngựa do Báo NTNN tổ chức đã giúp chúng em có thêm niềm tin theo đuổi đam mê đua ngựa” - Thức nói.

Các nài ngựa Bắc Hà thỏa sức đam mê trên đường đua sân vận động Suối Hoa (TP.Bắc Ninh) tháng 12.2015. Ảnh: Trần Quang

Năm 2009, Thức từng vô địch giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà lần thứ III. Tài thuần ngựa của anh nức tiếng Bắc Hà nhưng điều kiện kinh tế quá khó khăn, có thời gian thay vì chăm sóc, huấn luyện ngựa đua, Thức đã cùng bạn bè ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) thuê nhà, mưu sinh bằng việc cho khách du lịch chụp ảnh cùng ngựa của mình.

“Năm nay giải đua ngựa lần đầu tổ chức ở Bắc Ninh nên chưa thu hút được đông khán giả, hi vọng giải sẽ được Báo NTNN tổ chức thường niên với quy mô lớn hơn, giúp chúng em có dịp so tài với các nài ngựa trên cả nước. Chứ nếu chỉ có 1 giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà thì ít quá, ngựa đua cũng sẽ dần mai một khi người dân không sống được với nghề do đường sá ngày càng được bê tông hóa, xe máy, xe ô tô có thể chở hàng lên tới tận nương mà không cần đến ngựa thồ hàng nữa” - Thức trăn trở nói.

Không có cơ hội thi đấu chính thức và chỉ cùng chú ngựa 8 tuổi Hắc Toàn Phong tham gia biểu diễn tại giải năm nay, “kị sĩ nông dân” số 1 Bắc Hà Vàng Văn Quyết cũng ao ước sang năm có thể tái ngộ khán giả Bắc Ninh nói riêng và người dân miền xuôi nói chung. Quyết bảo: “Cảm giác được cùng ngựa tung vó rút về đích trong những tràng pháo tay hò reo tán thưởng của người dân thật khó quên. Chính cảm giác đó đã giúp chúng em mạnh mẽ, tự tin hơn trong giao tiếp, trong lao động hàng ngày để dần dần cải thiện cuộc sống gia đình”.

Nài ngựa Vàng Văn Quyết: “Thanh niên vùng cao mỗi khi có thời gian rảnh thường hay tụ tập nhau uống rượu, có người còn nghiện hút nữa. Việc duy trì, phát triển phong trào đua ngựa giúp mỗi thanh niên chúng em có thứ để đam mê, tránh xa các tệ nạn xã hội”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-thao/ki-si-nong-dan-va-noi-nhoc-nhan-muu-sinh-thuong-nhat-660279.html