Khuyến mãi ngân hàng: Lách để huy động vốn

Gửi quảng cáo qua tin nhắn điện thoại, giới thiệu dịch vụ qua email, và cho nhân viên gọi điện khách hàng quen… các ngân hàng mạnh tay quảng cáo, khuyễn mãi để tranh thủ hút vốn dịp giáp Tết. Thực chất, đây là một dạng lách trần lãi suất huy động.

Ngân hàng "tăng tốc” khuyến mãi để hút vốn

Tưng bừng khuyến mãi

Tranh thủ những ngày cuối của năm Nhâm Thìn, các ngân hàng đã tìm mọi cách hút vốn nhàn rỗi trong dân.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) triển khai chương trình Vui năm mới – đón "Xuân phát lộc Vàng”. Theo đó từ ngày 24-1 đến hết ngày 20-4, khi tham gia gửi tiền, Quý khách hàng có 3 cơ hội trúng giải: được nhận ngay thẻ cào trúng tiền mặt và hai cơ hội trúng thưởng từ các đợt quay số giữa kỳ và cuối kỳ. Với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng hoặc 500 USD, khách hàng sẽ được nhận một thẻ cào trúng ngay tiền mặt và một mã số dự thưởng tương ứng. Đặc biệt với mỗi mức gửi 100 triệu đồng hoặc 5.000 USD sẽ được cộng thêm một thẻ cào và một mã số dự thưởng.

Mạnh tay hơn, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Techcombank cũng rầm rộ chương trình khuyến mãi "Giao dịch Xuân, trúng lộc Vàng” với tổng trị giá 11 tỷ đồng. Từ 16-01 đến 15-04 khi khách hàng đến giao dịch gửi tiết kiệm tại Techcombank có cơ hội giành giải thưởng lớn khi quay thưởng cuối chương trình với giải Lộc Vàng trị giá 1 kg vàng 9999 cùng nhiều giải thưởng Phú, Tài, Lộc trị giá từ 1 đến 5 chỉ vàng.

Tết Nguyên đán, cũng là dịp nguồn kiều hối tăng mạnh. Đón sóng, ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) triển khai chương trình ‘Tiết kiệm Tài lộc – Tết sum vầy’ cùng VPBank

Chương trình được diễn ra từ 14-1 đến hết 30-3, dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm bằng VND/USD/EUR với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 6,8 tỷ đồng.

Biểu hiện lách trần

Hiện, biểu lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng điều chỉnh đi xuống, cả kỳ hạn ngắn lẫn dài hạn. Nên dù ngân hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn vẫn không thu hút được nhiều khách hàng tham gia gửi tiền. Nguyên nhân chủ yếu là do cận Tết nhu cầu tiền mặt ngày càng lớn trong khi nguồn cung rất hạn chế, hầu như những người có tiền nhàn rỗi thường cho vay ngoài với lãi suất cao hơn của các ngân hàng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng giảm lãi suất trong năm 2013 sẽ còn được tiếp tục thực hiện. TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital nhận định, dựa vào kỳ vọng lạm phát của năm 2013, có lẽ NHNN vẫn còn không gian để cắt giảm lãi suất thêm 1% nữa, và thậm chí 1,5% nếu Chính phủ kiểm soát lạm phát tốt.

Điều quan trọng hơn là lãi suất cho vay ra của các ngân hàng lại bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những vấn đề nội bộ của ngân hàng thương mại, đặc biệt là những đơn vị có nợ xấu, dự phòng rủi ro cao.

Cùng với đó, trong năm 2013, nhiều khả năng, các DN cũng không còn mặn mà với vay mượn, mở rộng tín dụng vì bất ổn kinh tế và những bất trắc kinh doanh còn nhiều, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện.

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, nợ xấu ở nhiều ngân hàng có chiều hướng tăng chứ không giảm. "Tình trạng lách rầm rộ như hiện nay cho thấy, thanh khoản của nhiều ngân hàng chưa ổn. Những ngân hàng lớn cũng phải chạy theo để hút khách. Cứ thế, ngân hàng này kéo ngân hàng kia, dẫn đến ngân hàng nào cũng lách để nâng lãi suất huy động”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, về bản chất việc ngân hàng tung khuyến mãi cũng là 1 cách lách luật trần lãi suất tinh vi. Giá trị các thẻ cào tiền mặt lĩnh ngay chính là phần dư lãi suất được chi trả trực tiếp cho khách hàng.

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (thay thế Nghị định 202 của Chính phủ), huy động vốn cao hơn mức lãi suất quy định, ngân hàng có thể bị phạt từ 500 triệu đến một tỷ đồng. Đồng thời, nếu có hành vi không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn và mức phí cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng có thể bị phạt bổ sung bằng các hình thức như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề... Tuy nhiên, dự thảo vẫn đang trong thời kỳ lấy ý kiến, do vậy tình trạng lách vẫn chưa được quản triệt để.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61093&menu=1372&style=1