Khung giá viện phí mới phải phù hợp thu nhập của người dân

Dự kiến trong tháng 7 này, tại các tỉnh, thành phố đều diễn ra kỳ họp HĐND, trong đó có việc thông qua khung giá mới cho các dịch vụ y tế sẽ áp dụng cho các bệnh viện trên địa bàn (theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành mức cao nhất khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước).

Tổng hợp báo cáo triển khai Thông tư 04 cho thấy, có 18 địa phương dự kiến áp dụng dưới 80% khung viện phí của liên bộ Y tế - Tài chính, 14 địa phương áp dụng dưới 90%, 16 địa phương đề xuất áp dụng mức từ 90 đến 100%. Đáng chú ý, nhiều địa phương thuộc khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng vẫn đề xuất mức viện phí khá cao (kịch trần) như: Cao Bằng, Lào Cai, Đác Lắc, Sơn La, Vĩnh Long... trong khi đó, một số địa phương khác có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lai Châu, Kon Tum, Hà Nam, Hà Tĩnh; thậm chí một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng lại đề xuất mức giá thấp hơn. Các chuyên gia cho rằng, không có cơ sở gì để tính mức giá viện phí của bệnh viện ở Lào Cai, Sơn La, Đác Lắc lại cao hơn các bệnh viện ở Hà Nội, Hải Phòng.

Theo quy định, Bộ Y tế sẽ phê duyệt mức giá dịch vụ y tế của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành khác; HĐND các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt mức giá dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc địa phương quản lý căn cứ đề nghị của UBND tỉnh. Theo đó, mức giá tính cần phù hợp điều kiện kinh tế- xã hội, nhất là khả năng chi trả của người bệnh trên địa bàn. Các địa phương xây dựng, phê duyệt mức giá mới cần xem xét đầy đủ các yếu tố, nhất là căn cứ vào cơ cấu, định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và phải dựa trên thực trạng về chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực thực hiện các dịch vụ của cơ sở khám, chữa bệnh; tình hình kinh tế - xã hội và khả năng cân đối quỹ BHYT trên địa bàn. Dự kiến mức cao nhất trong khung viện phí mới chỉ áp dụng đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và một số bệnh viện tuyến cuối. Những bệnh viện còn lại cần có sự tính toán viện phí một cách hợp lý, không nên đề ra mức thu có tính cào bằng.

Khi tăng viện phí thì những người chưa có thẻ BHYT (khoảng 35% số dân) sẽ bị tác động mạnh khi đi khám, chữa bệnh. Ngay cả những đối tượng đã có thẻ BHYT như: Người nghèo, người cận nghèo, người lao động, cũng sẽ chịu sự tác động nhất định vì họ phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh, từ 5 đến 20%, tùy từng đối tượng. Cho nên, nếu các địa phương, nhất là ở những vùng khó khăn mà phê duyệt giá dịch vụ y tế ở mức cao thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và đời sống của chính người dân sống trên địa bàn nếu chẳng may họ bị ốm đau. Bên cạnh đó, khi đề xuất mức tăng viện phí cao thì khả năng quỹ BHYT sẽ bội chi, khi đó quyền lợi cho người tham gia BHYT chắc chắn không được bảo đảm.

Được biết, đối với những địa phương đề xuất mức giá cao, chưa phù hợp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang yêu cầu cơ quan BHXH các địa phương báo cáo UBND tỉnh về những bất hợp lý khi xây dựng giá viện phí mới và cả những tác động đến người dân, quỹ BHYT nếu áp dụng giá viện phí đó. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng gửi văn bản tới lãnh đạo của các địa phương, đề nghị cân nhắc, phê duyệt mức giá phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân chung của địa phương, bảo đảm có lộ trình thực hiện đến mức giá tối đa. Việc tăng giá dịch vụ y tế cần hạn chế tác động đến đời sống của người dân mỗi khi đi khám, chữa bệnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/cung-suy-ngam/khung-gia-vi-n-phi-m-i-ph-i-phu-h-p-thu-nh-p-c-a-ng-i-dan-1.357406